Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên và ký kết hiệp ước bất khả xâm phạm với Bình Nhưỡng nếu nước này từ bỏ chương trình hạt nhân, “tham gia vào các cuộc đàm phán hợp pháp để đạt được mục tiêu đó”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong buổi họp báo sau cuộc họp an ninh giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ-Nhật theo cơ chế “2+2”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định nếu Triều Tiên có động thái phi hạt nhân hóa hoàn toàn, các nước liên quan đến vấn đề này sẵn sàng đối thoại và có quan hệ hòa bình với Bình Nhưỡng.
Khi đó, ông John Kerry khẳng định nếu Triều Tiên có động thái phi hạt nhân hóa hoàn toàn, các nước liên quan đến vấn đề này sẵn sàng đối thoại và có quan hệ hòa bình với Bình Nhưỡng. “Chúng tôi đang chuẩn bị mọi thứ hầu mong có quan hệ hòa bình với Triều Tiên” – ông nói.
Ngoại trưởng Mỹ đề cập đến vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên. Ngoài ra, ông nhấn mạnh Mỹ không có ý định thay đổi chính quyền tại Triều Tiên.
Phát biểu của ông Kerry khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có phải quan hệ Triều-Mỹ đang thay đổi hay không, bởi cho đến nay, Mỹ vẫn giữ vững lập trường không quan tâm đến việc nối lại đối thoại với Triều Tiên.
Trước đó, ngày 1/10, trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Triều Tiên và các chuyên gia dân sự Mỹ đã đàm phán không chính thức xung quanh tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã nhiều lần kêu gọi các cuộc đàm phán vô điều kiện để giải quyết bế tắc hạt nhân trong khi Washington thể hiện quan điểm rằng, Triều Tiên trước hết phải khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa của mình trước khi các cuộc đàm phán có ý nghĩa có thể tiếp tục.
Nguồn tin cho biết, ông Ri Yong-ho, đại biểu cấp cao của đàm phán 6 bên đã gặp ông Stephen Bosworth, cựu Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Mỹ và Joseph Detrani, cựu quản lý thuộc Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia.
Chi tiết về vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức kín vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên sau cuộc họp, ông Bosworth nói với các phóng viên rằng, ông hài lòng với sự kiện này và cả 2 bên đã đề cập các vấn đề liên quan tới quan hệ song phương.
Ông Ri Yong-ho cũng không đề cập chi tiết nội dung cuộc đàm phán mà chỉ khẳng định cuộc đàm phán đề cập tới vấn đề nối lại cuộc đàm phán 6 bên bị đình chỉ từ năm 2008.
Bên cạnh vấn đề về bán đảo Triều Tiên, cuộc đàm phán cũng nhằm mục đích thảo luận giải pháp về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có liên quan tới Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
Những nhà quan sát Triều Tiên cho rằng, tuy cuộc đàm phán là không chính thức và không có quan chức chính thức nào của Mỹ tham gia vào các cuộc thảo luận nhưng họ đã cung cấp một kênh liên lạc giữa Bình Nhưỡng và Washington nhằm cho phép các nhà hoạch định chính sách của mỗi bên có thể đánh giá ý định của nhau.
Trong khi đó, trong cuộc đàm phán ở Berlin hồi cuối tháng trước, cựu quan chức Mỹ Joel Wit nói rằng, Triều Tiên rất quan tâm tới lập trường của Washington về vấn đề vũ khí hạt nhân và cá nhân ông cũng rất quan tâm tới việc tại sao Triều Tiên lại kêu gọi các cuộc đàm phán vào thời điểm này.
Theo Đất Việt
2013-10-06 02:24:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/my-ki-hiep-dinh-bat-kha-xam-pham-trieu-tien-a107330.html