HFIC đồng hành cùng hàng loạt doanh nghiệp lớn Tp. HCM
Những công ty lớn HFIC từng đầu tư hiện đang niêm yết trên HSX phải kể đến như: BCI; CII; CCI; REE; TDH, HCM…
Với Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), nhà đầu tư biết đến CII nhiều từ bản cáo bạch niêm yết phát hành năm 2006. Trong bản cáo bạch này, Quỹ Đầu Tư Phát triển Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh với tên viết tắt là HIFU (tiền thân của HFIC) đã được nhắc đến với tư cách cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu 18,33% vốn điều lệ đã góp. Lúc này, vốn điều lệ của CII chỉ 300 tỷ đồng.
Qua quãng thời gian dài niêm yết, huy động vốn và phát triển, vốn điều lệ của CII nay đã vượt ngưỡng 1.100 tỷ đồng tức gần gấp 4 lần vốn điều lệ hồi mới chào sàn.
Đến tận bây giờ, HFIC vẫn nắm giữ gần 20% vốn của CII. Kể cả, vị tổng giám đốc hiện tại của CII là ông Lê Quốc Bình cũng từng là chuyên viên công tác tại HIFU.
Với Thuduc House (TDH), dù nhiều lần tăng vốn nâng VĐL từ 170 tỷ đồng hồi lên sàn lên 380 tỷ đồng hiện nay nhưng tỷ lệ sở hữu của HFIC vẫn luôn ở mức gần 9%.
Vậy là, thị trường chứng khoán có đi hết năm tăng nóng đến năm đóng băng thì HFIC vẫn đầu tư dài hạn vào công ty.
Ngoài những công ty mạnh về xây dựng hạ tầng như CII, ThuducHouse hay Bình Chánh (BCI), HFIC cũng đầu tư vào CCI là một công ty Đầu tư Phát triển Công nghiệp – Thương mại. Ngành nghề kinh doanh chính của CCI gồm:
- Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN
- Xây dựng – kinh doanh địa ốc
- Kinh doanh – Dịch vụ – Thương mại – XNK
Với CCI, HFIC đến với doanh nghiệp này từ những ngày đầu chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần và kinh qua không ít đợt CCI tăng vốn từ 15 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng rồi lên gần 140 tỷ đồng hiện tại. HFIC hiện vẫn nắm giữ 23% vốn của CCI.
Nuôi con lớn nhưng không muốn “thả” con đi
Chẳng có nhiều lý do để HFIC muốn thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ăn nên làm ra. Thống kê cổ tức được chia của các công ty niêm yết mà HFIC đầu tư, các nhà đầu tư đều giật mình khi thấy: HFIC đầu tư “chuẩn”.
Kể từ khi niêm yết vào năm 2010 (có nhiều thông tin công bố rộng rãi) đến nay, CCI đã trả cổ tức bằng tiền xấp xỉ 60%. Tức, nếu chỉ tính quyền lợi cổ tức thì HFIC đã đủ sống tốt nếu so sánh với khoản lãi tiền gửi ngân hàng. Đó là chưa kể đến quyền lợi mua cổ phiếu phát hành thêm giá 10.000 đồng hồi năm 2012…Ngoài ra, trong khi hàng loạt doanh nghiệp niêm yết chật vật với kinh doanh và thua lỗ thì CCI vẫn lãi đều đặn mấy chục tỷ một năm.
Hay như tại CII, không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi thế mạnh nghề khai thác, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phương thức hợp đồng xây dựng -kinh doanh – chuyển giao (BOT); hợp đồng xây dựng –chuyển giao (BT)…mà công ty còn hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn bằng cổ tức bằng tiền, cổ phiếu thưởng khá cao hàng năm:
Lịch trả cổ tức và thưởng cổ phiếu của CII từ 2006
Hay như ở BCI, dù thị trường bất động sản đầy lúc thăng/ trầm nhưng mức cổ tức hàng năm công ty dành cho cổ đông cũng đủ khiến cho HFIC hài lòng vì đã dốc vốn đầu tư.
Hay như với Chứng khoán HSC (HCM), HFIC cũng rất hài lòng khi quá trình thanh lọc CTCK lại trở thành cơ hội cho HSC gia tăng thị phần, gia tăng lợi nhuận. Cổ tức bằng tiền hàng năm khá cao so với mặt bằng chung, năm nào cũng lãi đều đặn trên dưới 200 tỷ đồng, vài năm lại bán ưu đãi giá thực sự ưu đãi theo đúng nghĩa của nó đã giúp những nhà đầu tư dài hạn như HFIC vớ bẫm.
Tất nhiên, đầu tư trăm khoản cũng có khoản không như mong đợi. Ví dụ như khoản đầu tư vào TDH có phần kém “thu lãi” trong năm gần đây khi thị trường BĐS xuống dốc và lãi của công ty teo tóp dần. Q2/2013 TDH hứng khoản lỗ hơn 8 tỷ đồng.
Nhìn vào kết quả kinh doanh, tình hình cổ tức và lịch sử bán ưu đãi cổ phiếu của các công ty niêm yết mà HFIC dốc vốn có thể thấy: HFIC có đủ lý do để nắm giữ lâu dài bởi rất nhiều khoản đầu tư đã sinh lãi lớn, giúp HFIC “ghi tên” vào nhóm “Đàn gà đẻ trứng nghìn tỷ” cho Thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo Trí Thức Trẻ