Anh và eurozone: Hai mảng màu sáng tối
Với dự báo trên của IMF thì trong năm nay, nhiệm vụ của eurozone là thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm, trong khi một quốc gia châu Âu khác đang được ca ngợi ca vì sự phục hồi ấn tượng với số liệu mới công bố trong tuần qua. Kinh tế Anh đã đánh dấu sự phục hồi ấn tượng nhất trong vòng 3 năm qua với 0,8% tăng trưởng GDP trong quý III/2013.
Trước tiên, hãy thử tìm hiểu lý do vì sao kinh tế Anh tăng trưởng tốt hơn khu vực eurozone và vẫn đạt một tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng bất chấp biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ dưới sự điều hành của thủ tướng David Cameron?
Những nỗ lực củng cố ngân sách của chính phủ Anh đã đóng góp vào 0,8% GDP trong năm 2010-2011 và 1,6% trong năm 2013. Nhưng những con số trên cũng chỉ ngang bằng với tính toán dành cho khu vực eurozone và so với “lệnh tự động cắt giảm chi tiêu chính phủ” của Mỹ thì đóng góp của củng cố ngân sách tại Anh chưa có gì đáng kể. Bí mật sự phục hồi của kinh tế Anh phải được tìm kiếm ở những nơi khác.
Giá trị đồng bảng Anh ổn định là yếu tố quan trọng giúp kinh tế Anh phục hồi |
Thành công của BOE
Trên thị trường tiền tệ, có thể nói tỷ giá hối đoái là một thành công của kinh tế Anh. Tương tự như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có thể kiểm soát giá đồng bảng Anh. Vào năm 2008, giá trị đồng bảng Anh đã giảm hơn 20% so với đồng USD và đồng euro. Điều này giúp hỗ trợ nền xuất khẩu của Anh. Nhưng kể từ đó, giá trị bảng Anh đã ổn định trở lại.
Mặt khác, nhiều chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng, sự linh hoạt trong thị trường lao động có thể giải thích cho sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Anh. Số liệu của Eurostat cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh bắt đầu giảm vào cuối năm 2011, từ 8,2% trong tháng 1/2012 xuống còn 7,9% trong tháng 7/2013. Ngược lại, khối eurozone tiếp tục tăng trong cùng kì (từ 10,8% lên 12%).
Trên hết, lợi thế chính của kinh tế Anh so với khu vực eurozone đến từ sự phản ứng chính sách trên thị trường tiền tệ. Sau khi mua trái phiếu chính phủ Anh, ông Bruno Cavalier, tại công ty chứng khoán Oddo khẳng định: “BOE phản ứng nhanh hơn nhiều so với ECB”.
Tổng dư nợ công do BOE nắm giữ đã gia tăng nhanh chóng, từ 3% GDP trong năm 2009 lên tới hơn 20% hiện nay. Ngay cả tại Nhật Bản, tỷ lệ này cũng không tăng nhanh đến vậy (9% lên 14%). Nhờ tỷ lệ nắm giữ cao mà BOE đã thành công trong việc trấn an thị trường và lãi suất tại trung tâm giao dịch London hiện chỉ khoảng 2,6% và luôn duy trì ở mức thấp trong suốt cuộc khủng hoảng.
Ngược lại, trong suốt một khoảng thời gian dài của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, bản thân ECB đã không ban hành được bất kì quy chế nào cho phép mua trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp (mua ngay sau khi phát hành). Kết quả là các nước gặp khó khăn trong khu vực eurozone không có một ngân hàng trung ương đủ mạnh để đứng ra đảm bảo cho những khoản vay của mình, niềm tin của các nhà đầu tư giảm xuống kỉ lục vào năm 2010 và chi phí vay nợ của các chính phủ cũng lên đến đỉnh điểm.
Mãi đến giữa năm 2012, chủ tịch ECB Mario Draghi mới tuyên bố ban hành cơ chế mua trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp.
Tiêu dùng là “yêu nước”
Giá tài sản cũ không trực tiếp hạch toán vào GDP nhưng lại đem đến tác động mạnh mẽ đến các kênh truyền dẫn trực tiếp, đặc biệt là tiêu dùng.
Quả thật, những phản ứng nhanh chóng của BOE đã giúp “thổi” giá cổ phiếu và bất động sản trong nước một cách nhanh chóng, kéo theo đó ngành dịch vụ (lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất tại Anh) cũng tìm thấy đà hồi phục. Và đang chú ý là phần lớn các khoản tiết kiệm của người dân Anh đều nằm dưới dạng cổ phiếu và bất động sản, những tài sản đang tăng giá.
Thêm vào đó, các ngân hàng tại London thậm chí còn cho vay thoải mái hơn so với chính số tài sản của các hộ gia đình, nhờ đó sức tiêu dùng tại Anh cũng được cải thiện đáng kể.
Nhưng thật không may, sự cải thiện trong cầu tiêu dùng lại không được thực hiện trong khu vực euzozone. Nguyên nhân không chỉ vì sự hạn chế hơn trong lựa chọn tiêu dùng của các hộ gia đình tại eurozone so với Anh, mà sự sẵn sàng chi trả cũng bị hạn chế do các khoản cho vay của ngân hàng chủ yếu căn cứ trên thu nhập và chứ không phải tổng tài sản như ở Anh. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi số liệu từ Eurostat cho thấy, tín dụng dành cho khu vực tư nhân tiếp tục giảm 1,9% trong tháng 9 vừa qua, tại 17 nước thành viên của khối tiền tệ chung.
Kinh tế Anh – một hình mẫu lý tưởng cho eurozone?
Điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa một cách nhanh chóng, kết hợp với tính chất linh hoạt trên thị trường lao động và sự điều chỉnh tích cực trong hành vi người tiêu dùng chính là những bí mật cần tìm kiếm trong sự phục hồi của kinh tế Anh. Ngược lại, cơ chế vận hành chung tại eurozone không cho phép một sự linh hoạt như vậy. Sự khác biệt giữa các nền kinh tế, độ trễ trong chính sách và tính cứng nhắc trên thị trường lao động đã và đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế tại các nước thuộc khu vực eurozone. Có lẽ đã đến lúc liên minh tiền tệ nên học tập một quốc gia ngoài khối, không cần phải đi đâu xa, bởi chỉ cần ngay trên lục địa già các nhà lãnh đạo eurozone đã có thể tìm kiếm một hình mẫu tốt từ “người hàng xóm” Anh quốc.