ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Học làm điều đúng hay học làm người tự do?
Tuesday, October 15, 2013 4:54
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Giáo dục Việt Nam có chiều hướng dậy mọi người những điều đúng – sai, âm – dương, trong – ngoài, trên – dưới, lạc hậu – văn minh hơn là giúp con người nhận thức thế giới đa dạng. Rõ ràng thế giới không chỉ có trắng – đen nên với cách giáo dục hiện tại, con người dễ có một niềm tin tuyệt đối vào những điều mình cho là đúng, và những gì khác bị coi là sai hoặc lệch chuẩn cần phải điều chỉnh hoặc loại bỏ.
Điều này không những thể hiện ở hành vi cá nhân, mà còn ở thái độ xã hội, thậm chí trong cả chính sách của nhà nước. Nó chính là cội nguồn của định kiến và kỳ thị, làm cho quá trình thay đổi xã hội diễn ra khá chậm, hoặc cái giá phải trả cho sự thay đổi khá cao.
B4INREMOTE-aHR0cDovLzEuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy1qMjd5cjVJb1FtVS9VbDBnM05QcVlrSS9BQUFBQUFBQUp6MC9ZOFIwMzdhTTQwRS9zMTYwMC90dWRvLmpwZw==
Quyền tự do tư tưởng là quyền cơ bản của con người (Nguồn: CRD)

Người kinh sống ở miền xuôi văn minh, đối nghịch với người dân tộc thiểu số sống ở miền núi lạc hậu là diễn ngôn khá phổ biến có nguồn gốc từ cách suy nghĩ này. Những ngôn từ như “rừng thiêng nước độc”, “nghèo nàn” rất phổ biến trong trên báo chí và chính sách của nhà nước. Như một phản ứng tự nhiên, để phát triển “người miền núi cần phải tiến kịp miền xuôi” và những tập quán canh tác, tập tục văn hóa và lối sống “cổ xưa” phải được loại bỏ. Như vậy, người Kinh đã lấy mình làm trung tâm, coi mình là chuẩn mực của phát triển và các dân tộc khác cần phải học theo.

Ví dụ, một số chương trình của nhà nước, do người Kinh thiết kế và triển khai cho người dân tộc thiểu số, thường xây nhà trệt ba gian giống nhà ở đồng bằng cho người dân tộc vì tin rằng kiến trúc đó là “văn minh”, còn nhà sàn là biểu hiện của sự “lạc hậu” cần xóa bỏ. Họ không biết rằng nhà sàn là sản phẩm của văn hóa, xuất phát từ điều kiện sống gần rừng, tránh thú dữ ngày xưa và rắn rết ngày nay. Nó cũng phù hợp với lối sống gần với tự nhiên, coi mình là một phần của tự nhiên hơn là ông chủ của tự nhiên để “cải tạo” tự nhiên như người Kinh thường nghĩ. Chính vì vậy, các ngôi nhà trệt nhà nước xây thường bị bỏ trống vì người dân không thể ở trong đó.
Nghiêm trọng hơn, có những chính sách lớn như “định canh định cư” được triển khai vì người Kinh tin rằng “di canh di cư” là xấu, là phá rừng. Nhà nước vận động người dân định cư định canh và chia đất theo lô theo khoảnh cho người dân tộc thiểu số. Việc áp đặt “điều đúng” của người Kinh đã phá hủy hoàn toàn “điều đúng” của người dân tộc thiểu số, đó là hệ thống canh tác hài hòa với thiên nhiên bền vững của họ. Trước đây, người dân canh tác trên một vạt nương từ 3-4 năm, sau đó chuyển qua những vạt khác. Mỗi thôn bản có khoảng 10 vạt rừng như vậy, và sau 30-40 năm quay lại thì rừng đã tự tái sinh và hồi phục. Trước khi nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra đời, những vạt rừng đó đã có chủ là các cộng đồng dân tộc bản địa. Nhưng sau khi định canh định cư, nhà nước không tin những vạt “rừng thiêng nước độc” kia đã có chủ, nên lấy giao cho người Kinh di cư lên, hoặc các lâm trường quốc doanh. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm người dân tộc thiểu số còn nghèo, cho dù nhà nước vẫn có các chương trình phúc lợi dành cho họ. Sự thật là khi nền tảng cho phát triển đã phá vỡ thì các chương trình phúc lợi chỉ có thể cứu đói chứ không tạo ra động lực phát triển được.
Tương tự như vậy, người dân được học trong nhà trường, ở gia đình và trong xã hội về giới nam và giới nữ. Lớn lên, nam và nữ lấy nhau sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống và truyền thống gia đình. Rất nhiều người Việt Nam không hiểu nổi tại sao có người chuyển giới (sinh là là nam nhưng có mong muốn trở thành phụ nữ hoặc ngược lại), và người đồng tính (là nam giới nhưng lại yêu một người nam giới khác hoặc là phụ nữ nhưng lại yêu một người phụ nữ khác). Do tư duy nhị phân trắng đen về giới tính (không là nam thì phải là nữ; con gái phải yêu con trai, con trai phải yêu con gái) nên rất nhiều người không hiểu nổi sự đa dạng của tính dục, cho rằng chuyển giới và đồng tính là lệch chuẩn nên không thể thừa nhận. Thậm chí, có nhiều kỳ thị, định kiến hoặc bạo lực với người chuyển giới và đồng tính, chỉ vì họ khác với “chuẩn mực đúng” mà người dân được học.
Bên cạnh các câu chuyện về sắc tộc và giới tính, ở Việt Nam còn vô vàn những ví dụ khác để cho thấy phương pháp giáo dục và tư duy theo kiểu “đúng chuẩn” và “lệch chuẩn” đã tạo ra vô vàn vấn đề khác nhau. Chính việc bất bình đẳng giới giữa nam và nữ mãi không giải quyết được cũng do hậu quả của việc chuẩn hóa vai trò của nam giới và phụ nữ trong gia đình và xã hội. Nó dẫn đến việc phụ nữ phải phục tùng đàn ông và nhà chồng, còn đàn ông phải tung hoành trong xã hội và làm trụ cột gia đình. Nó giúp “định hướng” cho cha mẹ dậy dỗ con trai con gái trong gia đình, thầy cô dậy dỗ học sinh nam học sinh nữ trong nhà trường, và các đoàn thể hướng các hoạt động của hội viên trong xã hội. Mọi môi trường đều nhằm định khuôn thái độ, hành vi và thậm chí cả nghề nghiệp cho con trai và con gái theo chuẩn mực nam tính và nữ tính. Những người “lệch khuôn” chắc chắn sẽ nhận được những chỉ trích cũng như ngăn cản từ mọi phía.
Nhưng nghiêm trọng hơn, những “chuẩn mực”, “khuôn mẫu” hay “điều đúng” đã được nội tâm hóa bởi người dân tộc thiểu số, người đồng tính, song tính và chuyển giới, và phụ nữ. Người dân tộc nghĩ họ đúng là lạc hậu và kém cỏi hơn so với người Kinh, luôn lấy chuẩn của người kinh để so sánh và phấn đấu (cho giống người kinh); hay người chuyển giới và đồng tính nghĩ họ lệch chuẩn với tự nhiên “nam phải ra nam, nữ phải ra nữ” hay “nam phải yêu nữ, nữ phải yêu nam” và cố gắng sống theo chuẩn dù chỉ là vỏ bọc và dối mình; hoặc người phụ nữ đang vui vẻ tuân thủ các khuôn mẫu giới giành cho họ, bởi họ tin con người cần phải hòa hợp âm dương, hạnh phúc của phụ nữ là hy sinh để vui lòng người đàn ông, gia đình và xã hội. Đây chính là rào cản lớn nhất đối với sự bình đẳng, vì nạn nhân nghĩ họ đang thuận theo lẽ phải ở đời!
Như vậy, việc giáo dục nhằm giúp con người nhận ra cái đúng, cái sai, cái tốt cái xấu theo chuẩn mực định sẵn đã tạo ra những thế hệ tư duy cứng nhắc, có niềm tin tuyệt đối vào “cái đúng của mình” mà khó hoặc không chấp nhận được cái mới, cái khác, cái phát sinh trong cuộc sống. Nó làm con người dễ phán xét, áp đặt một cách duy ý chí “cái đúng của mình” lên người khác. Nếu có quyền lực, họ có thể duy trì “cái đúng của mình” một cách có hệ thống, thông qua giáo dục, diễn ngôn xã hội, hoặc thậm chí luật pháp.
Để thay đổi, chúng ta phải thay đổi triết lý giáo dục. Học không phải là để sống tốt sống đúng theo các chuẩn mực có sẵn. Học để có tư duy mở và phản biện, khám phá sự đa dạng của cuộc sống, tìm hiểu sự khác biệt và trân trọng nó. Có như vậy, con người mới được khai sáng và tự do, vì con người chỉ tự do khi hành động theo nguyên tắc do mình tự đặt ra, chứ không phải nguyên tắc định sẵn bởi người khác.
(Theo Bình Lê/ Diễn Ngôn)

Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.