ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Nguồn: phunutoday.vn
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Bộ trưởng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn về APEC
Tuesday, October 8, 2013 16:33
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


(Xã hội) – Ngày 8/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 diễn ra từ ngày 7-8/10 tại đảo Bali, Indonesia. Nhân kết thúc hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các nhà lãnh đạo APEC dự phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21.  Ảnh: Nguyễn Khang (TTXVN)

PV: - Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 vừa diễn ra thành công trong hai ngày 7-8/10 tại đảo Bali, Indonesia. Xin Bộ trưởng cho biết những dấu ấn của Hội nghị? 

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 diễn ra vào thời điểm tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến quan trọng. Kinh tế thế giới vẫn phục hồi yếu. Mặc dù hợp tác và liên kết kinh tế là xu thế chủ đạo, song hệ thống thương mại đa phương khó khăn, tốc độ tăng trưởng thương mại quốc tế giảm, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. Các thách thức toàn cầu diễn biến phức tạp và cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế của các quốc gia. 

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 9 cũng tại Bali nhằm thúc đẩy Vòng đàm phán Doha. Tuy là đầu tàu phục hồi kinh tế toàn cầu, tăng trưởng và thương mại của châu Á-Thái Bình Dương cũng như vai trò của Diễn đàn APEC đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Trong bối cảnh đó, có thể nói, Hội nghị Cấp cao APEC lần này đã đạt những kết quả và thỏa thuận quan trọng, đề ra những định hướng lớn để đẩy mạnh liên kết kinh tế-thương mại của APEC và tăng cường vị thế của Diễn đàn trong tình hình mới. Dấu ấn nổi bật trước hết là, các nhà lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố “Ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của WTO.”

Đây là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm chung của APEC, có ý nghĩa rất thiết thực khi các thành viên WTO đang nỗ lực cao để đạt được kết quả cụ thể, từ đó khôi phục lòng tin vào hệ thống thương mại đa phương và đóng góp vào nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu. 

Thứ hai, Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố các nhà lãnh đạo APEC về châu Á-Thái Bình Dương tự cường, động lực của tăng trưởng toàn cầu.” Để đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Bogo về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các nhà lãnh đạo APEC nhất trí thông qua những định hướng mới, gồm Khuôn khổ tổng thể, dài hạn về kết nối khu vực đối với hạ tầng, thể chế và con người, và Kế hoạch dài hạn phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư của APEC, hướng tới hình thành một châu Á-Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững. 

Thứ ba, tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững gắn với công bằng trở thành một nội dung ưu tiên của Hội nghị năm nay. Lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC thông qua Lộ trình hợp tác an ninh lương thực APEC đến năm 2020, Sáng kiến APEC về hợp tác các vấn đề liên quan đại dương, và đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh lương thực – nước – năng lượng. Những nội hàm hợp tác này có ý nghĩa thiết thực đối với nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và ứng phó với các thách thức toàn cầu. 

Thứ tư, tiếp nối các Hội nghị Cấp cao những năm qua, các nhà lãnh đạo APEC đã thảo luận sâu sắc định hướng duy trì vai trò của APEC trong khi hợp tác kinh tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do, gia tăng. Các nhà lãnh đạo nhất trí APEC cần giữ vai trò điều phối trong việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ chế liên kết quan trọng ở khu vực, tích cực góp phần định hình cục diện ổn định và bền vững, có lợi cho hòa bình, phát triển và thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương. 

Việc nhiều thành viên có nguyện vọng đăng cai Hội nghị cấp cao APEC từ nay đến năm 2022 cho thấy các nước coi trọng APEC trong chính sách của mình. Thành công của Hội nghị Cấp cao APEC năm nay và việc sẽ là chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 đã khẳng định vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Indonesia, qua đó góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

PV: – Xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể gì đối với thành công của Hội nghị cấp cao APEC? 

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Indonesia và các thành viên APEC tham gia tích cực và có những đóng góp nổi bật tại Hội nghị lần này, thể hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Chủ tịch nước ta đã chính thức khẳng định Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC và các hoạt động quan trọng của Diễn đàn trong năm 2017. 

Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả các thành viên, khẳng định sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế về vai trò và uy tín của Việt Nam. Chủ tịch nước ta đã được mời phát biểu dẫn đề tại Phiên họp đầu tiên của Hội nghị về “Vai trò của APEC trong củng cố thương mại đa phương trong tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay,” Chủ tịch nước đã nêu các đề xuất tạo xung lực cho liên kết kinh tế, ưu tiên thực hiện mục tiêu Bogo, và nhất là cần hành động mạnh mẽ và thể hiện sự linh hoạt cần thiết để Hội nghị Bộ trưởng WTO sắp tới đạt kết quả cụ thể.

Nhiều thành viên đánh giá cao vai trò của Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực chủ yếu trên thế giới, và hoan nghênh những đề xuất của ta góp phần thúc đẩy hợp tác hướng tới phát triển bền vững gắn với công bằng. 

Ta đã đề nghị đưa hợp tác bảo đảm an ninh về lương thực, nguồn nước, năng lượng thành một nội hàm ưu tiên của các cơ chế liên quan trong APEC, đồng thời tăng cường hợp tác về bảo vệ nguồn nước, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn trên biển… 

Từ kinh nghiệm triển khai kết nối trong ASEAN, chúng ta cũng đề nghị thúc đẩy triển khai định hướng mới của APEC về kết nối, tăng cường phối hợp của APEC với các chương trình kết nối tiểu vùng. Chúng ta đề nghị APEC tích cực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, phối hợp trong triển khai các dự án của ASEAN về hạ tầng cơ sở, kết nối chuỗi cung ứng, các chương trình tiểu vùng Mekong về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

PV: - Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa, kết quả của Cuộc họp Cấp cao Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng diễn ra tại Bali, ngay sau Hội nghị Cấp cao APEC?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Trước hết, các thành viên khẳng định cùng nỗ lực giải quyết các vấn đề còn lại để hoàn tất đàm phán trong năm 2013 nhằm đạt một hiệp định toàn diện, cân bằng, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên. 

Thứ hai, với sự tham gia lần đầu tiên của lãnh đạo ba thành viên mới là Nhật Bản, Canada, Mexico và việc nhiều nước trong khu vực bày tỏ quan tâm, TPP tiếp tục khẳng định là liên kết kinh tế tiềm năng ở khu vực, đóng góp 40% GDP và 1/3 thương mại toàn cầu. Thứ ba, Cuộc họp đề ra những biện pháp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc còn lại. 

Với nỗ lực và quyết tâm cao của các thành viên, cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương,” đánh dấu một mốc quan trọng của tiến trình đàm phán Hiệp định trong hơn ba năm rưỡi qua. Các thành viên đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của chúng ta vào tiến trình đàm phán và kết quả chung của cuộc họp nhằm thúc đẩy hoàn tất đàm phán theo lộ trình.

PV: – Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của các cuộc gặp và trao đổi song phương của Chủ tịch nước ta với các nhà Lãnh đạo APEC trong dịp này?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Tại Bali, Chủ tịch nước đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương rộng rãi với nhiều nguyên thủ, lãnh đạo thành viên APEC, trong đó có Tổng thống nước chủ nhà Indonesia, Quốc vương Brunei, Chủ tịch Trung Quốc, các Tổng thống Liên bang Nga, Peru, Trưởng đoàn Hoa Kỳ, các Thủ tướng Nhật Bản, Australia, New Zealand, Papua New Guinea… 

Chủ tịch nước cũng đã tiếp nhiều tập đoàn hàng đầu khu vực. Các cuộc tiếp xúc song phương đã đạt những kết quả rất cụ thể, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ với thành viên APEC và các đối tác trong khu vực.

Lãnh đạo ta và các nước đã nhất trí về nhiều biện pháp nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh các nội hàm hợp tác, đặc biệt là các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Ta và Indonesia đã ký kết Chương trình hành động giai đoạn 2014-2018 triển khai quan hệ Đối tác chiến lược vừa được thiết lập trong năm nay, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của quan hệ hai nước. Ta cùng với Peru đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ APEC khi hai nước lần lượt đăng cai các Hội nghị cấp cao APEC năm 2016 và 2017. 

Các nước và lãnh đạo nhiều tập đoàn khẳng định tiếp tục ủng hộ và sẽ cùng đồng hành với Việt Nam trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập quốc tế toàn diện. Các nước đánh giá cao sự đóng góp chủ động và tích cực của Việt Nam trong nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế ở khu vực và trên thế giới, đồng thời nhất trí tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương quan trọng. 

Tựu chung, những kết quả thiết thực đạt được tại các Hội nghị nói trên cũng như tại các cuộc gặp song phương một lần nữa khẳng định Diễn đàn APEC là nơi hội tụ nhiều đối tác chiến lược, kinh tế, thương mại hàng đầu, và sẽ tiếp tục là một trong những cơ chế hợp tác khu vực quan trọng đối với nước ta trong thời kỳ chiến lược mới. 

APEC cùng các cơ chế hợp tác khác ở khu vực như ASEAN, ASEAN với các đối tác, Cấp cao Đông Á (EAS), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đang hứa hẹn nhiều tiềm năng hợp tác mới, tạo thêm nền tảng củng cố xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. 

Đồng thời, những xu thế mới trong liên kết kinh tế khu vực với nội hàm sâu rộng, mức độ cam kết cao đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với quốc gia có trình độ phát triển còn thấp như nước ta. 

Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hết sức và khẩn trương trong việc chuẩn bị các điều kiện trong nước về mọi mặt, nhất là thể chế và năng lực, để hội nhập quốc tế hiệu quả và phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo TTXVN

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.