Cơ thể người luôn có những giới hạn nhất định – như giới hạn về tốc độ, thời gian nín thở, giới hạn chịu khát… Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các giới hạn “đỉnh điểm” trong năm giác quan của con người.
1. Thị giác
Nhiều người cho rằng thị giác là giác quan quan trọng bậc nhất. Điều này có thể nói là chính xác, bởi con người cần đến ¼ các neuron thần kinh não bộ để tiếp nhận và xử lý các thông tin hình ảnh. Và hãy thử xem những giới hạn thị giác của chúng ta là gì.
Giới hạn góc nhìn
Mắt người khỏe mạnh có tổng góc nhìn hai mắt là 200 độ theo phương ngang (trong đó có khoảng 120 độ là góc nhìn chung của cả hai mắt) và 135 độ theo phương thẳng đứng. Các góc độ này có thể thay đổi, dựa vào vị trí của mắt trên khuôn mặt của mỗi người.
Trong tự nhiên, những loài vật săn mồi – trong đó có loài người – có cấu tạo hai mắt nằm phía trước khuôn mặt, trong khi những loài vật phía dưới chuỗi thức ăn có mắt nằm ở hai bên đầu – như mắt của chim bồ câu.
Với cấu tạo mắt như vậy, những “con mồi” có được một góc nhìn rộng hơn, nhưng bù lại chất lượng hình ảnh tiếp nhận được là rất thấp. Tuy nhiên nếu xét về việc có thể bị ăn thịt bất kỳ lúc nào thì đây là một sự đánh đổi vô cùng hợp lý.
Điểm mù
Mắt người bao gồm rất nhiều tế bào tiếp nhận ánh sáng. Vật phản xạ ánh sáng, các tế bào này sẽ tiếp nhận và chuyển các thông tin hình ảnh đến não thông qua các dây thần kinh thị giác.
Cấu tạo giải phẫu học của mắt người: Blind Spot là điểm mù
Và vấn đề duy nhất là các dây thần kinh thị giác phải đi xuyên qua lớp các tế bào thụ quang phía sau nhãn cầu, khiến điểm này không có dây thần kinh đón nhận ánh sáng, tức là không thể tiếp nhận ánh sáng. Điểm này được gọi là “điểm mù”.
Thông thường, điểm mù sẽ không phải là vấn đề to tát khi chúng ta có hai mắt, cùng với một tầm nhìn phải nói là thực sự tốt, não bộ sẽ tiếp nhận thông tin từ cả hai mắt để bù đắp cho khiếm khuyết của từng mắt riêng biệt. Nhưng nếu lâm vào hoàn cảnh buộc phải dùng một mắt thì điểm mù sẽ gây khá nhiều phiền toái, thậm chí có thể gây nguy hiểm nếu đang di chuyển với tốc độ cao.
2. Thính giác
Thính giác cũng là một giác quan vô cùng quan trọng, thậm chí nhiều lúc có thể vượt thị giác khi có thể giúp con người tránh được rủi ro. Tuy nhiên, bạn đã hiểu hết về chúng?
Chúng ta đều biết rằng, phía sâu trong tai có một lớp màng chắn được gọi là màng nhĩ. Khi tiếng động bên ngoài truyền vào tai gặp màng nhĩ, màng nhĩ sẽ dao động. Sóng âm của dao động này sẽ tiếp tục qua các xương nhỏ truyền vào tai trong, rồi chuyển thành tín hiệu thần kinh truyền đến bộ não. Khi đó, ta sẽ cảm nhận, nghe được âm thanh.
Giới hạn ngưỡng nghe
Một người khỏe mạnh có thể nghe được âm thanh trong dải tần số từ 20 – 20.000 Hz. Ngưỡng nghe tối đa giảm dần theo độ tuổi. Ngưỡng nghe tối thiểu (absolute threshold of hearing) là thuật ngữ chỉ cường độ âm thanh nhỏ nhất tai người có thể nghe khi không có bất kỳ âm thanh nào gây xáo trộn. Ngưỡng nghe của từng người khác nhau, thay đổi theo độ tuổi, và đặc biệt phụ thuộc vào tần số của âm thanh đó.
Người bình thường có ngưỡng nghe tối thiểu từ 0-5 decibels (ví dư như tiếng lá rơi xuống đất, tiếng nước nhỏ giọt từ vòi xuống bồn), nhưng theo thống kê, cường độ âm tối thiểu con người có thể nghe thậm chí xuống đến -5 decibels. Khả năng người nghe được ở ngưỡng này này là khá hiếm, tỉ lệ này là khoảng 1/10 người.
Thử check độ “nghễnh ngãng” của tai ở đây nhé!
3. Vị giác và khứu giác
Vị giác và khứu giác chịu sự chi phối của hai cơ quan thụ cảm khác nhau – lưỡi và mũi, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ví dụ như nếu bị ngạt mũi (mất đi khứu giác), hương vị của thức ăn sẽ giảm đi đáng kể (vị giác).
Hạn chế khi cảm nhận hương vị
Vị giác có thể coi là giác quan “yếu” nhất trong 5 giác quan của con người. Vì ngay cả hương vị được cảm nhận bởi lưỡi cũng có thể sai lệch hoàn toàn nếu có tác động của “mùi” hay thậm chí là “màu”.
Nghiên cứu của Frédéric Brochet đã chứng minh điều đó. Ông mời 57 chuyên gia về rượu nếm hai ly rượu vang – đỏ và trắng nhưng thực chất chúng là một. Tuy nhiên không một ai có thể phát hiện ra màu đỏ của rượu là màu thực phẩm và họ miêu tả hương vị ly rượu đỏ giống mùi vị của bất kỳ loại vang đỏ nào khác.
Siêu nếm và ngưỡng cảm nhận vị
Chúng ta hiểu những “siêu nếm” là người có vị giác đặc biệt nhạy cảm với 4 vị cơ bản: đắng, ngọt, chua, mặn. Linda Bartoshuk – người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý, tâm lý học đã phát hiện và đưa ra khái niệm về “siêu nếm”.
Hình ảnh chụp lưỡi của những “siêu nếm”
Bartoshuk đã chứng minh được các cảm nhận vị giác có quan hệ mật thiết với những gai hình nấm trên lưỡi – hay còn gọi là vùng cảm nhận vị giác. Lưỡi của những siêu nếm sẽ có nhiều gai hình nấm hơn, điều này cho phản ứng mạnh mẽ hơn với các vị khác nhau, đặc biệt là vị đắng.
Tuy nhiên, việc xác định được giới hạn cảm nhận hương vị – dù là nhỏ nhất – vẫn đang là một thách thức không nhỏ đối với nhiều nhà khoa học trên thế giới.
Ngưỡng cảm nhận mùi
Tương tự như ngưỡng vị giác, ngưỡng khứu giác cũng rất khó để xác định. Theo giáo sư, bác sĩ tai mũi họng Thomas Hummel, đã có rất nhiều nghiên cứu và xét nghiệm về khứu giác, nhưng có rất ít trong số chúng đem lại hiệu quả, do sự thiếu đồng nhất, thiếu các dữ liệu quy phạm và hạn chế về quản lý xét nghiệm.
4. Xúc giác
Nghiên cứu về xúc giác khá phức tạp, vì nó liên quan đến sự cảm nhận về áp lực, nhiệt độ, thậm chí cảm giác ngứa ngáy. Hầu hết những cảm giác và cơ chế hình thành đều chưa được nắm rõ, tuy nhiên các dây thần kinh dưới da được cho là nguyên nhân.
Thí nghiệm “hai điểm phân biệt” (two points discrimination)
Có một điều chắc chắn là xúc giác có xu hướng cảm nhận rõ hơn tại những điểm tập trung nhiều neuron thần kinh. Nhà thần kinh học Marjorie A. Murray đã đưa ra một thí nghiệm đơn giản để chứng minh điều này – thí nghiệm “hai điểm phân biệt”.
Thí nghiệm như sau: Bạn cần 1 người tình nguyện. Đầu tiên, bạn uốn cong một chiếc kẹp giấy thành hình chữ U, sao cho hai cạnh chữ U phải bằng nhau và cách nhau 2cm. Sau đó ấn nhẹ đầu chữ U vào mu bàn tay người tình nguyện (người này không được nhìn).
Nếu anh/cô ấy cho biết cảm nhận được “một điểm duy nhất”, hãy thử ấn kẹp giấy vào vùng khác, cho đến khi người tình nguyện cho biết mình cảm nhận được “hai điểm”. Lúc này hãy dịch chuyển kẹp giấy xung quanh điểm đó, và xác định vùng “cảm nhận hai điểm” trên tay người tình nguyện.
Những thụ thể dưới da không phân bổ đều khắp cơ thể
Những “vùng hai điểm” bạn vừa xác định được chính là những điểm tập trung nhiều tế bào cảm nhận xúc giác. Và theo Murray, những thụ thể dưới da không phân bổ đều khắp cơ thể.
Tại những vùng như đầu ngón tay hoặc môi, những thụ thể này nhiều hơn đáng kể so với một số vùng như lưng, bắp đùi… Đó là lý do con người luôn nhạy cảm hơn với những gì tiếp xúc với tay hoặc mặt, trong khi lưng thì không được như vậy.
2013-10-11 14:32:06