Những mẫu máy bay hiện đại mới nhất thì số phận của chúng luôn được đặt ở những vị trí nổi bật của các tạp chí danh tiếng thế giới khi chúng vừa được ra mắt. Đối với những chiếc máy bay khi không còn được sử dụng nữa thì số phận của chúng sẽ ra sao?
Nguồn nguyên liệu tiềm năng
Theo tổ chức AFRA (Air Craft Fleet Recycling Association), tính đến năm 2020, số máy bay không được sử dụng nữa sẽ lên tới 12.000 chiếc, còn hiện tại thì số máy bay không sử dụng khoảng 2.000 – 3.000 chiếc. Những chiếc máy bay này chủ yếu tập trung ở những nước đang phát triển.
Khách sạn Costa Verde được xây dựng trong rừng nhiệt đới của Costa Rica
Khi những chiếc máy bay gần đến tuổi “nghỉ hưu” thì các hãng hàng không sẽ phải tính cách thanh lý số máy bay này. Trong số chúng có những chiếc sẽ ở trong tình trạng nếu sử dụng để bay thì quá nguy hiểm tới tính mạng của phi hành đoàn cùng hành khách, còn nếu đem đi để tái chế thì quá phí phạm.
Ở bang Arizona hay California (Mỹ) có những nơi được xây dựng làm một khu nhà kho để chứa đựng những chiếc máy bay cũ kĩ. Nhưng có một vấn đề nảy sinh là đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì không có nhiều nhà kho để chứa những máy bay ấy.
Khi một số bộ phận của máy bay, đặc biệt là phần máy móc đã tìm được nơi chốn mới là ở trên những chiếc máy bay mới được sản xuất thì các bộ phận còn lại cũng có thể tìm được một cách sống mới sáng tạo hơn, ví dụ là trở thành đồ nội thất được sử dụng trong gia đình.
Các nhà thiết kế cùng các kiến trúc sư tìm đến và coi những chiếc máy bay đã bị thải như một nguồn nguyên vật liệu tiềm năng, bởi bề mặt sáng bóng, khả năng chịu va đập cao, những đường cong thanh nhã của nó và những chiếc đinh tán hoàn toàn có thể sử dụng lại được trong tương lai. Công ty đi đầu trong lĩnh vực này là MotorArt, một công ty chuyên thiết kế các loại giường, bàn ghế, các tác phẩm điêu khắc quyến rũ và bóng bẩy từ xác những chiếc máy bay đã bị thải từ hơn một thập kỷ về trước.
Ông Dave Hall, giám đốc của công ty nói: “Chúng tôi có hơn 100 mẫu thiết kế và đã sản xuất hàng nghìn sản phẩm mà bạn có thể tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới từ Dubai Buji tới Sears Tower và thậm chí là những nơi xa lắc như ở tận Cực Bắc”.
Những vật dụng đắt tiền được tái chế từ những chiếc xe đẩy hàng không
Công ty của Đức là Bordbar đã nghĩ ra việc cải tiến xe đẩy hàng không thành những đồ nội thất được trang trí hoặc những vật dụng được tùy biến theo nhu cầu của khách hàng. Người đồng sáng lập của hãng Bordbar cũng chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi được bán trên toàn thế giới với xấp xỉ 220 đại lý. Đây quả là một thị trường rộng lớn cho những vật là đồ kéo”. Những chiếc xe đẩy của hãng Bordbar có giá bắt đầu từ 1.300 USD.
Một công ty khác của Đức là Skypak cũng chuyên làm “lấp lánh hóa” lại những chiếc xe đẩy của ngành hàng không, làm cho chúng trở thành những thiết kế đắt tiền, hút mắt và trang trí chúng bằng cách dát lên nó những lá vàng 24 carat. Sản phẩm thuộc hàng “sao” của công ty là một thiết kế được dát lên nó 82.000 viên pha lê Swarovski.
Những vật dụng thông thường của hãng Skypak có giá khoảng 1.833 USD nhưng những hàng cao cấp của nó sẽ có giá từ 5.180 – 37.000 USD. Chất liệu nhôm được sử dụng làm nên máy bay không giống như những loại nhôm mà ta thường thấy. Bởi vì thường được chế tạo bằng hợp kim để phù hợp cho những chuyến bay, do vậy nó rất cứng và khó có thể tái chế.
Bà Jennifer Ryan, giám đốc phát triển kinh doanh của Converings ETC nói: “Năng lượng dùng để tái chế nhôm của những chiếc máy bay đã sử dụng chiếm khoảng 5% số năng lượng được sử dụng trong quá trình sản xuất nhôm”.
Một chiếc ghế tựa xa xỉ của hãng Motor Art
Làm nhà và khách sạn
Những chiếc máy bay được sử dụng để làm thuyền hay còn gọi là “thuyền bay” thì rất hiếm gặp. Chiếc máy bay Boeing 307 Stratoliner được sản xuất năm 1939 được biến đổi thành một chiếc thuyền 13 hải lý đã gây sự chú ý về những chiếc máy bay tái chế.
Chiếc thuyền này có cái tên rất đáng nhớ là Cosmic Muffin và nó cũng có một lịch sử không kém phần thú vị. Đầu tiên, nó thuộc về người phi công nổi tiếng Howard Hughes vào những năm 1940. Sau đó, nó được điều khiển bởi phi công Jimmy Buffet và được người chủ hiện nay là Dave Drimmer mua lại năm 1981 và ông chuyển sang sinh sống tại nước ngoài.
Những chiếc máy bay “nghỉ hưu” được sử dụng để làm nhà. Với thiết kế của kiến trúc sư David Hert, một ngôi biệt thư kiểu vùng Malibu nguy nga đã được xây dựng với nguyên một cái xác máy bay Boeing 747. Thiết kế được xây dựng thật gần gũi với môi trường. Trên website của mình, kiến trúc sư Hert so sánh rằng việc tận dụng nguyên vật liệu này giống hệt việc người dân da đỏ bản địa có thể sử dụng được hết tất cả mọi bộ phận của con trâu. Chi tiết nổi bật nhất của thiết kế này là một mái nhà vòm cong mà trước kia chính là đôi cánh của chiếc máy bay cũ.
Một thiết kế với ngân quỹ nhỏ hơn nhưng không kém phần nguy nga là “dinh thự” Oregon của ông Bruce Campell. Đó là một máy bay Boeing 727-200 được giữ nguyên hoàn toàn và được rút ruột ở bên trong. Thêm một ngôi nhà được xây bằng vỏ máy bay nữa là “Dự án tự do” của ông Joe Axline. Ngôi nhà này gồm 2 xác máy bay MD-80 và DC-9-41 cũng được tái chế để tạo thành.
Thậm chí những chiếc máy bay “nghỉ hưu” còn được tận dụng để làm cả khách sạn. Thật khó tưởng tượng khi nghĩ rằng một hành khách vừa xuống khỏi một chiếc máy bay lại sẵn sàng đến một chiếc máy bay khác nghỉ qua đêm. Nhưng thực tế nếu có một vài khách sạn đã được xây dựng bằng một chiếc máy bay không còn được sử dụng, thì ắt sẽ có kiểu hành khách loại đó. Khách sạn Costa Verde là một khách sạn nguy nga, đắt tiền được xây dựng bằng xác chiếc Boeing 727. Nó được xây dựng ở trong một khu rừng nhiệt đới của Costa Rica.
Khách sạn này trông giống như một chiếc máy bay vừa bị rớt xuống một khu rừng, mặc dù đôi cánh của nó đã bị cắt bỏ. Còn phần thân bao gồm 2 phòng ngủ của chiếc 727 này thì được giữ nguyên vẹn. Bên cạnh đó, dù vẫn giữ các chi tiết đặc trưng của một chiếc máy bay hay các ô cửa sổ bên trong, nhưng khách sạn này sau khi được thiết kế vẫn đem lại cảm giác là một ngôi nhà gỗ hơn là một chiếc máy bay.
Sân bay Arlanda của thành phố Stockholm, Thụy Điển nổi tiếng bởi một khách sạn dành cho khách du lịch nghỉ ngơi tại sân bay được xây dựng bởi vỏ một chiếc Boeing 747 đã qua sử dụng. Khách sạn này được biết đến nhiều nhất bởi cái tên Jumbo Jet.
Chủ khách sạn là ông Oscar Dis nói: “Tôi muốn xây dựng một khách sạn thật đặc biệt và thân thiện với tất cả mọi người”. Với thái độ chào đón ấy, buồng lái của chiếc Boeing 747 cũ này đã vinh hạnh trở thành nơi tổ chức đám cưới cho rất nhiều cặp đôi và là nơi viếng thăm của nhiều du khách.
Hồng Minh (theo CNN)
2013-09-23 05:00:14
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tuyet-tac-moi-cua-nhung-chiec-may-bay-duoc-tai-che-a104802.html