“Không hẹn mà gặp”, những đại gia chơi ngông thuộc vào hạng nhất Việt Nam, đều có một tuổi thơ vô cùng nghèo khó và khá cơ cực. Điều trùng hợp thú vị nữa là, họ đều có “máu” kiếm tiền từ khi còn rất nhỏ.
Công mô tô – “kẻ chơi trội” với trực thăng cẩu siêu xe – kiếm tiền từ khi 9 tuổi
Công mô tô – ở thời kỳ đỉnh cao, là một đại gia chơi ngông có tiếng. Người ta nhớ đến Công mô tô bởi màn trình diễn gây choáng: “dùng trực thăng cẩu siêu mô tô, cùng dàn 300 siêu xe mô tô khác diễu hàng bên dưới”. Chi phí cho vụ “khuếch trương tên tuổi” này đã “ngốn” của Công mô tô ngót nghét 2,5 tỷ đồng.
Hơn hai mươi năm trước, tại bến xe miền Tây, một cậu bé mười tuổi đen nhẻm, gầy gò lang thang từ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An lên Sài Gòn, hàng ngày phụ việc đội bốc vác ở bến xe với mong muốn có được miếng ăn qua ngày đoạn tháng. Đó chính là Huỳnh Văn Xuân (tức Công mô tô)
Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, công việc hàng ngày của Công mô tô là lấm lem mò cua bắt cá quanh những kênh rạch của Cần Giuộc. Xuân từng cho biết, lúc đó chỉ có một mơ ước là gia đình mình khá khẩm hơn một chút.
9 tuổi, Công mô tô “quyết tâm” bắt xe mang tôm lên Sài Gòn bán. Ngay từ lúc đó, Xuân đã nghĩ, mình phải rời xa quê nhà để dấn thân vào cuộc sống phố xá nơi này. Mười tuổi, Xuân rời mái nhà lên Sài Gòn “lập nghiệp” với một đôi dép lào và một bộ quần áo duy nhất trên người, và vài ba xu tiền bạc ít ỏi chỉ đủ để đi xe đò và ăn vài ba bữa cơm khi lên phố.
Tại đây, Xuân đã có 7 năm bốc vác và ngủ vỉa hè với đủ mọi khổ ải trần gian.
Xuân từng tâm sự: “Tôi nhớ có một đêm, đang ngủ bên hè phố thì bị tỉnh giấc bởi tiếng động cơ chói tai ầm ầm lao qua. Tỉnh giấc, kịp ngoái lại nhìn, thì ra là một con xe motor vừa phóng qua mình, nhả lại làn khói đen đặc giữa đêm. Và lúc ấy, nghĩ tới chiếc xe bò nhỏ còn lấm láp của mình, tôi đã nhen nhóm trong lòng một ước mơ, làm sao một ngày nào đó, mình cũng có một con xe máy để chạy”
Đại gia chơi ngông bậc nhất xứ Tuyên: từng lau thuê 25 cái bếp gas
Về độ chơi ngông, thì Việt Nam này có lẽ hiếm ai theo kịp đại gia xứ Tuyên Quang Vũ Hữu Lợi. Anh sở hữu khối siêu xe ngót nghét trăm tỉ, vài ba căn nhà triệu đô và thêm những thứ “lặt vặt” trị giá tiền tỉ như … một chiếc kính mát.
Tuổi thơ của vị đại gia trẻ này được ghi nhận là trôi đi vội vã với những công việc của 1 đứa con nhà nông. Mẹ ốm đau triền miên, 5 anh em phải vật lộn, bươn chải với cuộc sống. Ký ức tuổi thơ của anh là những buổi lên đồi hái chè, những buổi chăn trâu hay vào tận rừng sâu kiếm củi. Chính quãng thời gian đó đã nung nấu trong anh ý chí, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống để thay đổi số phận.
Khi học đại học, Vũ Hữu Lợi từng mỗi ngày phải lau 25 cái bếp gas cho một hãng gas. Buổi chiều, buổi tối, anh ra tận chợ Long Biên mua những thứ đồ dùng như con dao, cái kéo, xà phòng… đại loại là tất cả những gì mà sinh viên KTX cần và bán cho họ…. Có thể nói Vũ Hữu Lợi có khả năng kinh doanh bẩm sinh. Đây cũng là yếu tố chính dẫn đến cuộc sống vương giả bên cạnh một kết quả kinh doanh thành công của anh như ngày hôm nay.
Năm 2004, anh quyết tâm vào Sài Gòn lập nghiệp với 600 USD trong tay và một vài sản phẩm của công ty nơi hiện nay anh đang xưng bá.
Nữ đại gia phố Núi đập nhà hơn 100 tỷ – tự kiếm tiền từ năm 11 tuổi
Theo lời nữ đại gia phố Núi Nguyễn Thị Liễu kể lại thì ngày xưa gia đình bà nghèo lắm. Thấu hiểu cái nghèo từ bé, nên muốn vượt qua cái nghèo. Bố mẹ đều là Việt kiều, bố gốc Lào, còn mẹ gốc Thái. Từ nhỏ, bà đã đam mê kinh doanh và ước mơ giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh nghèo.
Bà cho biết “Tôi tự kiếm tiền từ năm 11 tuổi. Nửa buổi đi học, nửa buổi đi bán hàng, chắt chiu từng đồng gửi mẹ. Năm 16 tuổi tôi vào Sài Gòn học cắt may ở một xưởng may của chú. Chỉ nhìn chú cắt quần một lần là tôi làm theo được”.
Năm 17 tuổi, bà Liễu trở về quê, mở cửa hàng cắt may và dạy may. Nổi tiếng ở xóm nghèo từ đó, nhưng máu đi buôn lại trỗi dậy, 25 tuổi bà bắt đầu sang Lào mua hàng về bán.
Năm 1995, có chút vốn và có tiếng làm quen, bà sang Thái Lan cùng bạn bè kinh doanh bất động sản. “Chúng tôi xây nhà liền kề ở Thái Lan bán, có lời, chúng tôi mở rộng thị trường sang Malaysia, Singapore, đầu tư vào xây dựng công trình, khách sạn”.
Ở các nước Áo, Đức, Tiệp hồi đó nhận thấy kinh doanh quần áo Trung Quốc rất tốt nên bà quyết định nhập quần áo Trung Quốc bán vào thị trường này. Bà mua các đồ điện, máy móc đã qua sử dụng bán sang Thái Lan và xuất khẩu gạo từ Thái Lan sang Nigieria.
Đại gia mua giường đắt nhất thế giới – tuổi thơ túng thiếu
Ông Lê Ân sinh năm 1938 (Mậu Dần) trong một gia đình đông anh em ở Quảng Nam. Ông là người con thứ 5, có một tuổi thơ nghèo khó, túng thiếu. Biến cố đầu tiên của cuộc đời đại gia Lê Ân xuất hiện khi ông bỏ nhà đào thoát vào thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long (nay là Bình Phước) để trốn quân dịch dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Đó là vào năm 1958.
Trốn vào An Lộc, Lê Ân mưu sinh bằng cách mướn một chiếc máy may hiệu Singer đã cũ, loại máy sử dụng bàn đạp bằng chân, rồi đặt trên vỉa hè trước một trại lính. Thời đó, quần áo lính thường được cấp phát theo kiểu đổ đồng, cái rộng cái chật. Vì thế, cứ mỗi lần lính được cấp quân trang, Lê Ân lại phải may cuống cuồng để kịp có đồ cho khách. Hơn năm sau, Lê Ân đã có đủ tiền mua lại cái máy may đã mướn. Đồng thời, mua thêm 2 cái máy may khác rồi thuê thợ làm thêm cho mình.
Một lần, Lê Ân tiếp vị khách lạ. Khách là đàn ông người Bắc, vào Nam từ năm 1948. Khách bảo “Thấy ông khéo tay, lại cần mẫn làm ăn. Nếu muốn học may áo vest thì tôi sẽ truyền cho”. Như người cùng đường gặp lối thoát, Lê Ân nhanh chóng nhận lời và trở thành đệ tử của vị khách lạ ấy.
Sau khi học hết nghề, với một tấm giấy hoãn quân dịch giả mua của một sĩ quan ở An Lộc, Lê Ân gom hết vốn liếng, về Sài Gòn, thuê một căn nhà trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) rồi mở một tiệm chuyên may đồ vest với tên gọi Chiến”s Tailor.
Chỉ một thời gian ngắn, Chiến”s Tailor trở thành một trong những tiệm may đồ vest hàng đầu của Sài Gòn.
Có tiền từ Chiến”s Tailor, Lê Ân bắt đầu mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh khác, như thành lập xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy, kinh doanh xe lam, xe buýt chạy tuyến đường Sài Gòn – Bảy Hiền – Bà Chiểu, thành lập công ty kinh doanh địa ốc, mua trái phiếu của người cày có ruộng, công khố phiếu quốc gia… Ngoài ra, ông còn trúng 5 năm liên tiếp trong việc độc quyền cung cấp thực phẩm, dụng cụ y tế cho toàn vùng 2 chiến thuật của chế độ Sài Gòn.
G.G (tổng hợp)
2013-09-16 20:24:49
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tuoi-tho-co-cuc-cua-cac-dai-gia-choi-ngong-nhat-viet-nam-a103650.html