Ai đó nói, khi mọi thứ ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng nhưng âm nhạc hiện tại đang tồn tại vấn đề tác phẩm âm nhạc thì nhạt nhẽo, ca sĩ thì hét hoặc thều thào nhiều hơn hát…
Ca sĩ Ngọc Anh: “Cống hiến đi rồi hãy hưởng thụ”
Chưa bao giờ giới trẻ lại ước ao trở thành ca sĩ như hiện nay, cũng chưa bao giờ, tổ nghề xướng ca lại ưu đãi đến thế cho các đồ đệ. Chỉ cần có hình thức, càng đẹp càng tốt, giọng hát tạm gọi là không quá phô, và căn bản, có một người đứng ra làm bầu sô, lăng xê, tạo scandal để hô biến. Vậy là đủ để đi làm ca sĩ.Làm ca sĩ thời nay còn cần thêm yếu tố không thuộc về chuyên môn nghiệp vụ, nhưng lại không thể thiếu, đó là có lòng dũng cảm “dám” làm ca sĩ. Nếu cộng thêm sự ảo vọng vào bản thân nữa thì càng tốt. Sự ảo vọng để làm gì? Để không nhận ra giọng ca của mình chỉ khào khào như mèo, chỉ khê khê như vịt, chỉ ông ổng như bò. Không hề hay biết bản chất thực sự của cái gọi là giọng ca thì mới đủ dũng cảm đứng trên sân khấu mà gào mà kêu mà rống vậy chứ? Mới đủ tự tin khoác lên mình danh xưng ca sĩ thật cao sang và đầy kiêu hãnh.
Trong khi một ca sĩ chân chính ở Việt Nam thôi, chưa tính đến các nước có nền công nghiệp phát triển khác, ít nhất phải mài đũng quần luyện thanh mỗi sáng hàng năm ròng trong giảng đường các nhạc viện, thì hiện nay, có “đốt đuốc ban ngày” cũng không dễ tìm ra trong số những ca sĩ hát nhạc thị trường một vài ca sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc. Vậy nhưng, không cần học, không cần luyện, họ vẫn kiếm tiền như nước, đi một bước là có các fan hâm mộ tung hô, thậm chí sẵn sàng khẩu chiến với nhau vì họ. Những bài hát của họ vẫn thành bài hit trên khắp các trang mạng, các phương tiện truyền thông đại chúng, dù khán giả nghe xong chẳng biết mình vừa nghe cái gì?
Không chỉ những “cây đa cây đề” trong làng nhạc Việt lên tiếng phê bình, mà rất nhiều khán giả không cho những ca sĩ này xứng với danh xưng ca sĩ. Người ta gọi họ là những người đi hát. Mặc kệ, những người đi hát bằng đôi chân dài miên man, bằng những scandal liên tục vô tình vướng phải, bằng cả sự thịnh nộ rất bản năng khi chẳng may bị người khác góp ý là hát dở vẫn cứ thế hồn nhiên đi hát.
Một thời gian dài người ta phát hoảng khi ngay đến đứa trẻ lên 3 nói còn chưa sõi cũng biết nhắm mắt, lắc đầu rên rỉ những bài hát thất tình với ca từ dễ dãi, thậm chí vô nghĩa được phát từ nhà ra phố. Thứ âm nhạc vịt kêu mèo khào hay bò rống được phát tán nhan nhản trên mạng những tưởng như vô hại vì chẳng có gì đáng để thưởng thức đó đã ngấm ngầm hoàn thành tác dụng… hại não của nó. Nó đã và đang làm hỏng thị hiếu âm nhạc, làm lệch lạc thẩm mỹ của người nghe, và đã khiến một, một vài thế hệ bất chấp tất cả đuổi theo một cái bóng hào nhoáng, sẵn sàng làm bất cứ điều gì, miễn là “hot”…
Những “ngôi sao” mèo khào bò rống vịt kêu mặc “trang phục hoàng đế” lên sân khấu biểu diễn đang thống trị làng nhạc. Thống trị các điểm biểu diễn, quyết định tương lai của thế hệ đàn em và cả thị hiếu của khán giả thông qua cái gọi là fanclup.
Cả nhân loại hiểu âm nhạc có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với con người. Rằng âm nhạc không phải chỉ để thưởng thức mà còn góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người. Còn chúng ta, nền âm nhạc của chúng ta đang bị thống trị bởi những vịt, mèo, bò? Có đáng để lo ngại không? Có đáng để nhức lòng không?
Suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa gốc rễ của vấn nạn danh hư giải ảo này vẫn là chính khán giả. Chính khán giả đã làm hư “nghệ sĩ”. Những xưng hô tán tụng đã biến họ thành những ông hoàng bà chúa với chiếc vương miện tự đội lên đầu. Lại xòe tay ra đếm, có mấy người đủ lắng tâm để nghe hết một bản nhạc cổ điển, giao hưởng. Mấy người yêu và thuộc được một bài dân ca?
Nhưng nếu nghĩ xa hơn, thì sẽ thấy một thực tế sự phát triển của nhạc giải trí cũng là một quy luật tất yếu. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước khác trên thế giới vẫn phải chấp nhận tình trạng nhạc giải trí lấn át nhạc tinh hoa. Bởi chính lý do mang tính tự thân: nhạc tinh hoa có đẳng cấp riêng, tính văn hóa thẩm mỹ cao hơn, nên không thể phổ biến tràn lan như nhạc giải trí.
Vậy, để có khán giả biết và thích nghe nhạc tinh hoa nhiều hơn, chẳng còn cách nào khác, ngoài việc mỗi người phải tự nâng cao kiến thức và gu thẩm mỹ của chính mình. Một khi hiểu giá trị của âm nhạc tinh hoa, tự khắc, khán giả sẽ quay lưng với nhạc thị trường. Khi khán giả quay lưng, thì các ông hoàng bà chúa cũng chẳng thể nào huyễn hoặc bản thân mình nữa.
Theo Petrotimes
2013-09-29 18:00:55
Nguồn: http://nhacvietplus.com.vn//Tin-nhac-viet/Thoi-cua-bo-rong-len-ngoi!/97/273/1124/1/204025