Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng của thị trường này chỉ đạt 2,2%, thấp nhất từ trước tới nay. Hơn lúc nào khác, các doanh nghiệp bảo hiểm đang loay hoay tìm cho mình hướng đi…
Soán ngôi
Nhìn lại, 3 tháng đầu năm, toàn thị trường lần đầu tiên bị tăng trưởng âm. Không chỉ vậy, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ còn chứng kiến sự thay đổi “ngôi vị” trong “làng bảo hiểm”. Bảo hiểm PVI với những thay đổi hiệu quả trong định hướng phát triển kinh doanh đã trở thành DN bảo hiểm số 1 thị trường với 2.930 tỷ đồng, chiếm 24% thị phần, đẩy Bảo Việt xuống vị trí thứ hai thị trường với doanh thu bảo hiểm gốc là 2.580 tỷ đồng, chiếm 21% thị phần. Tiếp theo lần lượt là Bảo Minh 1.138 tỷ đồng (9,3% thị phần), Pjico 988 tỷ đồng (8,1% thị phần), PTI 688 tỷ đồng (5,6% thị phần),…
Chiếm tới 30% tỷ trọng trong bảo hiểm phi nhân thọ nhưng bảo hiểm xe cơ giới đang gặp khó do thị trường ô tô ế ẩm suốt thời gian dài. Bảo hiểm tài sản cũng gặp cảnh tương tự khi các doanh nghiệp không mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây được coi là là những lý do khiến thị trường phi nhân thọ “chao đảo”.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm, cho biết, các tài sản mới trong năm 2013 không tăng, do đó nhu cầu bảo hiểm cho những tài sản mới bị hạn chế nhất định. Còn những tài sản cũ tham gia bảo hiểm của năm 2012 chuyển sang năm 2013 đương nhiên bị giảm 10% theo khấu hao bình quân. “Khi người ta mua bảo hiểm với giá trị giảm 10% thì số phí bảo hiểm cũng bị giảm theo 10%. Vì thế, để tồn tại, không ít doanh nghiệp “nhắm mắt” hạ phí bảo hiểm nhằm thu hút khách hàng, tuy nhiên, con đường giảm phí, cho nợ phí để có doanh thu là con đường nhanh nhất để đi vào … sa lầy” – ông Lộc thẳng thắn.
Bóng ma trục lợi
Ông Hiroyuki Abe, Bộ phận quan hệ quốc tế, Ban triển khai hoạt động dịch vụ thuộc Tổ chức định phí bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản chia sẻ, tại Nhật Bản, các loại bảo hiểm mang tính cộng đồng cao là bảo hiểm tự nguyện xe ô tô, bảo hiểm hỏa hoạn và bảo hiểm tai nạn cá nhân. Những loại bảo hiểm này được xem là thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân và cần phải duy trì sự cung cấp ổn định sản phẩm bảo hiểm này với mức giá hợp lý.
Đồng thời, ông Hiroyuki Abe khuyến nghị, song hành cùng mục tiêu doanh thu, các công ty kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ cũng nên chú tâm vào các biện pháp nhằm chống trục lợi bảo hiểm, bởi lẽ, trục lợi bảo hiểm sẽ làm giảm niềm tin khách hàng và các cổ đông. Nó ảnh hưởng tới danh tiếng không chỉ công ty bảo hiểm mà còn tác động tới toàn bộ ngành bảo hiểm và làm suy yếu hệ thống bảo hiểm.
Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, “trục lợi bảo hiểm được phân thành hai loại là “tạo ra tai nạn” (bao gồm cố ý tạo ra tai nạn và tạo ra vụ tại nạn giả) và “lạm dụng bồi thường” (bao gồm khiếu nại bồi thường sai và khiếu nại bồi thường quá cao). Và “bí mật” đằng sau việc các công ty bảo hiểm cứ “tăng phí theo chiều thẳng đứng” là do thiệt hại gây ra từ các hành vi trục lợi bảo hiểm ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty bảo hiểm. Để bù đắp cho việc đó, các công ty bảo hiểm sẽ nâng phí bảo hiểm – “như vậy, thì những chủ hợp đồng bảo hiểm chính là nạn nhân của trục lợi bảo hiểm”, ông Hiroyuki Abe nhấn mạnh.
Theo Mai Hoa
Pháp luật Việt Nam
2013-09-07 18:00:22