(InfoTV) - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vừa đưa ra mục tiêu tái cơ cấu toàn bộ hệ thống ngân hàng trong năm 2015, trong đó giải quyết dứt điểm phần nợ xấu, bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, khuyến khích thị trường vốn, trái phiếu DN phát triển…
Thời gian qua, cụm từ “điểm nghẽn của hệ thống ngân hàng” đã được nhiều chuyên gia nhắc đến khi nói về nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhưng 6 tháng đầu năm 2013, nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng đã có nhiều thay đổi.
Nợ xấu tự gỡ?
Tháng 12/2012, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,08%. Đồ thị theo đường hình sin của nợ xấu đi lên thẳng đứng trong tháng đầu 2013, ở mức 4,03%. Lần lượt 3 tháng tiếp sau là 4,46%; 4,51%; 4,67%. Và 4,67% trở thành mốc đỉnh đánh dấu đường đi xuống của đồ thị. Tháng 5/2013, nợ xấu gần như giữ nguyên (chỉ giảm 0,02%). Tháng 6 có mức giảm đáng kể, xuống còn 4,46%. Tương ứng, báo cáo tài chính của các Ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng niêm yết có định kỳ công bố thông tin, đều cho thấy nợ xấu đã giảm đẹp xuống dưới mức 3% – ngưỡng mà nếu vượt lên các ngân hàng sẽ phải bán nợ xấu cho Cty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Sự thay đổi kể trên quả là một phép màu thần kỳ, và nó dẫn đến kết quả chỉ trong hơn nửa năm, việc xử lý nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm gần 3%, về mức 6% theo công bố của Văn phòng Chính phủ vào tháng 6/2013. Sự sụt giảm của nợ xấu toàn hệ thống xảy ra trước cả thời điểm VAMC “bố cáo” ra mắt và đi vào hoạt động, đã khiến nhiều người trước đây lo ngại VAMC với số vốn điều lệ cỏn con 500 tỷ đồng sẽ chẳng thể làm lay chuyển được khối nợ ước trên 200.000 tỷ đồng, nay lại chuyển hướng lo ngại khác: Hình như sự ra đời của VAMC có thể sẽ thành… thừa. Vì nếu không có VAMC, với tốc độ sụt giảm nợ xấu này, chẳng mấy chốc mà nợ xấu của hệ thống ngân hàng VN sẽ về dưới 3%, theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Nỗi lo minh bạch…
Có thể nhìn nhận nợ xấu một cách thực tế hơn qua lăng kính nào khác không?
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng muốn xử lý nợ xấu thì trước tiên phải gỡ nút thắt bất động sản, mà cụ thể là phải làm sao đẩy đi được “đống” khách sạn, nhà hàng, chung cư cao cấp đang tồn đọng thì lúc đó lượng vốn cơ bản của nền kinh tế mới được giải thoát. Trong cơ cấu BĐS có hơn 90% vốn đã được dồn vào các dòng phân khúc này. Nhưng phân khúc nhà này có giá rất đắt vì phí bôi trơn, lãi suất phải trả cao khiến tổng chi phí lớn. Thậm chí, người ta còn cho rằng, có tới 50% chi phí xây dựng đã phải trả cho lãi suất ngân hàng. Chủ đầu tư đã bỏ nhiều chi phí rồi giờ phải bán hạ giá thì lỗ. Đây chính là điểm khó gỡ nhất khi giải tỏa nút thắt bất động sản, đặc biệt là bất động sản cao cấp”. Và nếu từ lăng kính thị trường bất động sản cao cấp hoàn toàn đang đóng băng và làm khó hầu hết các DN bất động sản phát triển phân khúc này, thì rất khó để lý giải làm sao nợ xấu có thể giảm”, ông Phong nhấn mạnh.
Hai nguyên tắc xử lý
Cũng theo TS Phong, có hai nguyên tắc khi xử lý nợ xấu. Đầu tiên phải là nguyên tắc thị trường. Điều thứ hai không kém phần quan trọng là phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô vì lợi ích tổng thể, và làm sao phải hài hòa nguyên tắc thị trường với kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đánh giá lại khối lượng nợ chính xác nhất. Nợ bao nhiêu? Lý do nợ như thế nào? Nằm ở đâu?… Tức là bức tranh về nợ và nợ xấu phải rất rõ ràng, minh bạch thì mới giải quyết được. Căn cứ vào đó để có những nguyên tắc xử lý cụ thể. Làm sao vẫn đảm bảo nợ xấu giải quyết theo đúng nguyên tắc thị trường. Đồng thời khoanh nợ, giãn nợ, thương lượng lại nợ, cơ cấu lại một phần nợ… Phải có một bức tranh tổng thể về nợ chính xác, minh bạch nhất, đặc biệt là cần có một nguyên tắc tránh lạm dụng, tránh lợi ích nhóm..
Trở lại với việc 15 ngân hàng công bố tỉ lệ nợ xấu, chỉ có 3 ngân hàng có tỉ lệ vượt mức 3%, chưa đầy 1 tháng sau khi VAMC với nhiệm vụ xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng ra đời, và việc số lượng ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% chiếm áp đảo, đặc biệt là trong số này có sự góp mặt của hầu hết các nhà băng lớn, có tên tuổi trên thị trường, lúc này chưa thể dám nói là các ngân hàng đã nỗ lực tự giải quyết nợ xấu nhờ đâu. Song những giải pháp bán dứt điểm phần nợ xấu, bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, khuyến khích thị trường vốn, trái phiếu DN phát triển mà Thống đốc NHNN nêu ra, ngắn cũng như dài hạn, đang được giới quan sát cho rằng sẽ hé mở nhiều cơ hội cho các nhà băng lựa chọn khi tháo dần các nút thắt nợ xấu, bên cạnh hợp tác với VAMC (cũng đồng nghĩa phải công khai nợ xấu của mình là trên 3%?!).
Nhưng giải pháp đó có rộng đường cho các nhà băng tháo gỡ được mọi nút thắt, bao gồm cả nút thắt về minh bạch nợ?
TS Nguyễn Minh Phong Chuyên gia kinh tế: Hiện nay nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề cơ bản là thị trường vốn VN chưa thực hiện tốt chức năng huy động vốn trung và dài hạn, đã khiến DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hành trái phiếu do trái phiếu DN có tính thanh khoản thấp, thông tin tài chính của các DN chưa thực sự minh bạch để tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, để hoạt động của hệ thống ngân hàng về đúng với vai trò là kênh cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai tích cực các giải pháp về tín dụng để đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả dòng vốn tín dụng và từng bước giảm tỉ lệ cung ứng cho đầu tư phát triển từ hệ thống ngân hàng thương mại. Về phía các chính sách vĩ mô khác, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường tài chính, khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu DN, thúc đẩy TTCK phát triển bền vững và hiệu quả để thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn trong nền kinh tế. Đồng thời về phía các DN, để có thể huy động được nguồn vốn trên thị trường trái phiếu DN, cần phải chủ động xây dựng cơ cấu tài chính bền vững, hoạt động hiệu quả, đa dạng hóa nguồn vốn huy động cho sản xuất kinh doanh cũng như minh bạch hóa thông tin để tạo dựng uy tín và thu hút được các nhà đầu tư. Muốn phát triển thị trường vốn thì cơ sở hạ tầng về đánh giá tín dụng rất quan trọng. Một trong những kênh của thị trường vốn mà các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng chính là TTCK. Vấn đề quan trọng là đưa thị trường phi chính thức này trở thành một phần của thị trường chính thức. |
(DĐDN)
2013-09-05 21:12:13
Nguồn: http://infotv.vn/ngan-hang-tai-chinh/tin-tuc/83273-nut-that-va-nhung-no-luc-giai-quyet-no-xau