Thứ ba 24/09/2013 10:30
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang lên kế hoạch mua 20 máy bay vận tải MV-22 Osprey của Mỹ, nhằm tăng cường khả năng điều động nhanh chóng binh sĩ tới những điểm nóng xảy ra tranh chấp.
Nhật Bản sẽ mua 20 máy bay vận tải cánh quạt nghiêng Osprey vào năm 2015 |
Máy bay vận tải cánh quạt nghiêng Osprey của Mỹ đạt tốc độ di chuyển tối đa là 530 km/h – nhanh gấp đôi so với các thế hệ trực thăng vận tải hiện đang được sử dụng. Với tầm hoạt động 3.900 km – rộng gấp 5 lần so với trực thăng CH-46 Sea Knight, quân đội Mỹ đang ưu tiên sử dụng máy bay vận tải đa năng Osprey hiện đại.
Những đặc điểm nổi trội của máy bay Osprey hoàn toàn phù hợp với Nhật Bản trong việc tăng cường khả năng điều động nhanh chóng quân đội chiến đấu với những mối đe dọa xâm chiếm lãnh thổ tại quần đảo phía tây nam nước này. Trong đó, Tokyo nhìn nhận Trung Quốc là một trong những mối đe dọa, lấn chiếm các quần đảo thuộc hòn đảo Okinawa.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang hy vọng nhận được khoản tiền trị giá 100 triệu Yên phục vụ công tác nghiên cứu thỏa thuận mua bán và năng lực hoạt động của máy bay vận tải Osprey. Nếu công tác kiểm định được phê chuẩn, Nhật Bản dự kiến sẽ mua 20 máy bay Osprey vào năm 2015.
Máy bay vận tải Osprey có khả năng cất cánh thẳng đứng như một chiếc trực thăng và hoạt động bay như những máy bay thông thường. Ngoài ra, Osprey có thể chuyên chở cùng lúc 32 binh sĩ với trọng tải hàng hóa tối đa hơn 9 tấn – lớn gấp 4 lần so với các trực thăng mà quân đội Mỹ đang sử dụng. Osprey còn có thể hoạt động trên các tàu sân bay và nạp nhiên liệu ngay trong hành trình bay.
Tuy nhiên, máy bay vận tải Osprey hiện vẫn chưa được triển khai rộng rãi trên đảo Okinawa, mặc dù cách đây 3 năm, Hải quân Mỹ đã lần đầu tiên đưa Osprey tới đây. Nhiều người dân Nhật Bản đã lên tiếng phản đối Osprey do lo ngại về mức độ an toàn hoạt động của loại máy bay này. Phía Mỹ khẳng định các lỗi kỹ thuật của Osprey đã được khắc phục và sự cố rơi máy bay gần đây xuất phát từ “lỗi phi công”.
Mới đây, Tokyo đã thừa nhận mua máy bay đánh chặn tối tân F-35 thay thế cho phi đội lỗi thời F4 Phantoms nhằm chiến đấu với mọi khả năng đe dọa tấn công từ phía Không quân Nga và Trung Quốc.
Trong một động thái phản ứng lại các động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản, hôm 23/9, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Tokyo về kế hoạch lắp đặt hệ thống radar quân sự hiện đại của Mỹ nhằm kiểm soát hoạt động phóng tên lửa của Triều Tiên do lo ngại ảnh hưởng xấu tới tình hình ổn định trong khu vực.
Theo đó, hệ thống radar dải tần X sẽ giúp Nhật Bản theo dõi và đánh chặn các tên lửa hoạt động suốt dọc khu vực Biển Nhật Bản với sự góp mặt của 160 quân nhân và nhà thầu Mỹ tại vùng Kyoto.
Mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên ngày càng căng thẳng xung quanh chủ đề tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Hành động quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm ngoái của Nhật Bản đã làm bùng phát làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận Trung Quốc, khiến lực lượng tàu thuyền hai nước nhiều lần đối đầu căng thẳng trên vùng biển gần chuỗi đảo hoang.
Minh Thu
2013-09-23 20:22:24