Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu năm 2008 đã tác động mạnh đến nền giáo dục Mỹ. Báo cáo tháng 9/2012 của Trung tâm Ưu tiên Chính sách và Ngân sách cho thấy từ năm 2008 đến thời điểm ra báo cáo đã có 35 bang ở Mỹ cắt giảm ngân sách giáo dục.
Không khí đón chờ ngày tựu trường năm học mới ở Mỹ khá ảm đạm vì các bang đua nhau đóng cửa trường học, sa thải giáo viên… để tiết giảm chi phí.
Sa thải giáo viên, đóng cửa trường học
Tháng 5 vừa rồi, TP Chicago đã phải đóng cửa gần 50 trường học. Tháng 6, hơn 850 giáo viên bị sa thải. Tháng 7, thêm hơn 2.000 giáo viên và nhân sự giáo dục nữa bị sa thải. Năm học 2013-2014, chính quyền bang Michigan buộc phải đóng cửa một nửa số trường học ở TP Detroit. Năm 2012-2013, TP Beaverton (bang Oregon) đã sa thải 344 nhân sự giáo dục.
Theo hãng tin CNN, năm học này ngân sách giáo dục bang Pennsylvania bị cắt giảm 1 tỉ USD. TP Philadelphia phải đóng cửa 218 trường học, hai năm trước đó Philadelphia đã đóng cửa 30 trường. Mùa hè rồi, TP này cũng sa thải gần 3.800 nhân sự giáo dục, trong đó có nhiều trợ lý hiệu trưởng và giáo viên họa.
Chưa hết, hiện Giám đốc Sở Giáo dục TP Philadelphia William Hite và Thị trưởng TP Philadelphia Michael Nutter đang tích cực thương lượng với Hiệp hội giáo viên Philadelphia để các giáo viên không bị sa thải chịu làm việc với mức lương thưởng eo hẹp hơn trước (lương giảm 5%-13%, chi phí cho bảo hiểm y tế nhiều hơn).
Biểu tình phản đối đóng cửa trường học tại TP Chicago hồi tháng 5. Ảnh: EI.IE.ORG
Năm học này, bang North Carolina giảm ngân sách giáo dục khoảng 500 triệu USD. Những năm gần đây, mức lương giáo viên ở bang North Carolina liên tục giảm. Năm học 2005-2006, bang này đứng thứ 27 trên cả nước về mức lương giáo viên, tuy nhiên năm học 2012-2013 vị trí này tụt xuống tới 46.
Năm học 2013-2014, chương trình Head Start (hỗ trợ trẻ em nghèo từ năm tuổi trở xuống đến trường) bị cắt giảm 400 triệu USD (tương đương 5%), mức cắt giảm nhiều nhất kể từ khi thành lập (1965). Thông tin từ hãng tin Bloomberg (Mỹ), ít nhất có 18.000 giáo viên, nhân viên thuộc chương trình Head Start chịu ảnh hưởng như bị sa thải, giảm lương. Vì thiếu thốn kinh phí, năm học 2013-2014 sẽ có khoảng 57.000 trẻ em nghèo không tiếp cận được với các trường mẫu giáo chính phủ tài trợ, đứng đầu là bang California, đến Texas, New York… Trước đó, Bộ Giáo dục Mỹ ước tính con số này khoảng 70.000.
Giáo dục bậc cao (ĐH, CĐ) cũng không nằm ngoài vòng xoáy cắt giảm chi tiêu. Theo Thống đốc bang California Jerry Brown, mức cắt giảm chi tiêu cho toàn bộ trường CĐ và ĐH công của Mỹ trong tài khóa 2014 là 1,7 tỉ USD, dự kiến tương lai sẽ còn nhiều hơn.
Năm học tới, hệ thống ĐH bang California (CSU) sẽ bị cắt giảm ít nhất 500 triệu USD, tương đương 18% so với năm trước. CSU đã phải thông báo giảm tuyển 10.000 sinh viên đầu vào năm học mới, cắt giảm nhân sự và tăng sĩ số lớp. Hai năm trước, CSU cũng đã giảm đầu vào 15.000 sinh viên.
Loay hoay thích ứng
Thiếu hụt tiền bạc, các trường phải thu nhỏ quy mô chương trình giảng dạy. Các môn bị cắt giảm đầu tiên là thể dục, nhạc, họa. Giáo viên dạy các môn này cũng là thành phần bị sa thải đầu tiên. Trong khi đó, các nghiên cứu đã khẳng định một nền giáo dục chú trọng đến nhạc, họa sẽ giúp học sinh phát triển trí thông minh, kỹ năng ngôn ngữ và điểm số học tập.
Đóng cửa trường học, sa thải bớt giáo viên đồng nghĩa các trường không bị đóng cửa phải nhận học sinh từ các trường phải đóng cửa về, sĩ số lớp tăng lên. Lượng giáo viên còn lại phải kham nhiều học sinh hơn, chưa kể còn bị huy động dạy các môn học mình không vững chuyên môn.
Chẳng hạn, ở bang Michigan sĩ số học sinh các lớp giờ lên đến 60 vì phải sáp nhập lại. Sĩ số lớp ở TP Beaverton tăng lên khoảng 50 học sinh/lớp. Tỉ lệ giáo viên trên đầu học sinh trên cả nước giảm trung bình 4,6% trong thời gian 2008-2010. California là bang có số lượng học sinh cao nhất nước nhưng có tỉ lệ giáo viên trên học sinh thấp nhất nước.
Tình trạng tăng sĩ số lớp học hiện nay đi ngược lại xu hướng những năm 1980 tạo những lớp học ít học sinh, chỉ 13-17 học sinh ở bậc tiểu học so với 22-25 học sinh tiểu học một lớp hiện nay. Hai ảnh hưởng tiêu cực dễ nhận ra là sự mệt mỏi của giáo viên và chất lượng đào tạo giảm đi vì giáo viên ít điều kiện quan tâm học sinh hơn.
Tiền bạc eo hẹp, các trường giảm số ngày học trong tuần xuống còn bốn. Chẳng hạn, tại bang South Dakota, khoảng 300 học sinh không đến trường vào ngày thứ Sáu hằng tuần. Mô hình này đã nhân rộng ra nhiều trường học ở 292 TP khắp nước Mỹ.
Số ngày học trong tuần bị giảm sẽ làm gián đoạn quá trình liên tục của sự học, giảm khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh, suy giảm tiêu chuẩn giáo dục vì nghiên cứu cho thấy thời gian học sinh không đến trường càng kéo dài, khả năng học sinh quên bài đã học càng lớn, đặc biệt đối với các học sinh gia đình nghèo.
Ngân sách eo hẹp cũng khiến các trường phải từ bỏ các lớp bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu, kém. Đây là điều thiệt thòi cho học sinh.
Khỏi phải nói các bậc phụ huynh bức xúc thế nào. Có trường hợp phụ huynh còn góp tiền yêu cầu trường duy trì các lớp này hoặc mời thầy về dạy cho một nhóm con em tại nhà.
Hậu quả đáng ngại
Tháng 8, hơn 200 giáo viên ở Philadelphia đã biểu tình phản đối nguy cơ giảm lương. Liên tục trong hai tháng 6 và 7, mỗi thứ Hai, hàng ngàn nhân sự giáo dục và cả cha mẹ học sinh ở bang North Carolina đều biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách giáo dục. Hàng trăm trường hợp bị bắt giữ.
Tháng 5, giáo viên và học sinh TP Los Angeles (bang California) cũng biểu tình phản đối siết chặt ngân sách giáo dục. Đầu năm học 2012-2013, giáo viên ở TP Chicago (bang Illinois) đã đình công tám ngày phản đối lương thưởng bị cắt giảm.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chỉ là phản ứng bề nổi. CNN dẫn lời Giám đốc Sở Giáo dục TP Philadelphia William Hite cảnh báo nếu TP Philadelphia không có tiền để khôi phục việc làm cho nhân sự giáo dục, các trường học trong TP sẽ không hoạt động đủ chức năng, đủ trách nhiệm và hiệu quả, chất lượng dạy và học sẽ không đảm bảo. Thậm chí ông còn cảnh báo nguy cơ phải dời ngày tựu trường lại vì lực lượng giáo viên quá mỏng. Trang web giáo dục CustomWritings.com (Mỹ) cũng nhận định những biện pháp đối phó ngân sách giáo dục bị cắt giảm ở các bang sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những tiêu chuẩn và chất lượng giáo dục.
Thông tin từ hãng tin AP (Mỹ) cho thấy 31% học sinh tốt nghiệp trung học (ACT) năm 2013 không đủ khả năng học lên CĐ, ĐH. Cụ thể, số học sinh này không đủ trình độ theo học các môn tiếng Anh, khoa học, toán, kỹ năng đọc hiểu ở bậc CĐ, ĐH. Tỉ lệ học sinh đủ trình độ sẵn sàng vào ĐH chỉ 26%. Tỉ lệ này đặc biệt thấp ở các trường dành cho học sinh da đen, chỉ 5%.
Theo đài VOA (Mỹ), điều trần trước Thượng viện hồi tháng 3, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Arne Duncan cho rằng giáo dục nên được ưu tiên không cắt giảm hoặc cắt giảm cuối cùng vì nó là nơi đào tạo năng lực, bản lĩnh cho công dân vượt qua những thách thức, cạnh tranh từ kinh tế toàn cầu. Trước đó, ông cũng cảnh báo việc cắt giảm ngân sách đã làm cho hệ thống giáo dục Mỹ giảm tính cạnh tranh so với hệ thống giáo dục các nước Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ.
Theo CNN, chính phủ Mỹ ước tính 17% việc làm mới ở Mỹ năm 2020 sẽ thuộc về lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên chỉ 6% học sinh tốt nghiệp trung học năm 2013 tỏ ý mong muốn được làm trong lĩnh vực này. Rất nhiều người làm trong ngành giáo dục tuyên bố họ không khuyến khích con họ trở thành giáo viên. CNN cho rằng thực tế lớn mạnh của hệ thống trường đặc cách (trường do chính phủ thành lập nhưng hoạt động như trường tư, được phép độc lập về tài chính, có trách nhiệm hơn về thành tích học tập của học sinh) cũng làm phức tạp hơn hoạt động và tình hình tài chính của các trường công. Ngày càng nhiều học sinh bỏ trường công sang học trường đặc cách mà mỗi học sinh rời đi, trường công mất đi một khoản hỗ trợ từ chính phủ. Năm 2008 TP Philadelphia chỉ có 16% học sinh học ở trường đặc cách, năm học 2013-2014, tỉ lệ này tăng lên hơn 30%. |
2013-09-14 23:55:09
Nguồn: http://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/giao-duc-my-tut-doc-c216a572301.html