Tả con người bắt buộc phải dùng những ngôn từ, hình ảnh đẹp đẽ; về nhà học thuộc lòng bài tập làm văn làm sẵn để đến lớp viết cho đúng; suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc theo… ý của cô giáo; thậm chí phải nói dối, phải tự “hành xác” để làm cho được bài tập làm văn… Đó là một số vấn đề mà những giáo viên “cứng nhắc” trong phương pháp giảng dạy đã sai lầm khi áp đặt với học sinh của mình.
Làm văn phải “nói dối”
Một ngày, bé Ngọc Anh (học sinh một trường tiểu học ở quận nội thành Hà Nội) về nhà hậm hực kể chuyện với bố mẹ: “Hôm nay con phải nói dối thì mới làm xong bài tập làm văn ở lớp”. Bố mẹ chưa kịp hiểu tại sao con lại phải “nói dối” và thật thà “khai nhận” như vậy, thì Ngọc Anh khẳng định thêm lần nữa: “Cô Minh buộc con phải nói dối…”.
Theo lời kể của bé thì cô Minh (giáo viên chủ nhiệm ở lớp) ra đề bài cho học sinh tả về con vật nuôi trong nhà. Cô đã hướng dẫn làm bài cho đủ ý và gợi ý các học sinh nên tả về các con vật quen thuộc như chó, mèo, chim… Bé Ngọc Anh nghĩ ngay đến chú chó “khó tính”- con vật nuôi duy nhất trong nhà trước đây. Bé bắt đầu viết bài tả về chú chó, trong đó nêu những tính cách “bướng bỉnh”, hay sủa linh tinh, cắn cả người nhà, có lần cắn cả bé. Mặc dù nó là một con chó nhỏ, gia đình tiêm phòng đầy đủ, nhưng lần bé bị cắn thì mẹ cũng lo lắng vô cùng. “Chú chó có vẻ không thích em, nên sau này mẹ đã cho một người bạn của mẹ nuôi hộ”- Ngọc Anh kể bé đã viết như vậy trong bài làm. Cuối giờ, cô giáo bảo Ngọc Anh và một số bạn trong lớp ở lại, vì đã không làm bài theo đúng gợi ý của cô. “Cô bảo tả con vật nuôi phải thân thương, gần gũi, phải bày tỏ tình thương với động vật và cũng phải miêu tả con vật yêu quý mình như thế nào. Con và một số bạn không viết được như vậy, bạn Trang còn viết con chó nhà bạn ấy chỉ sủa ầm ĩ mỗi khi bạn ấy đi học về, chứ không vẫy đuôi mừng rối rít như cô bảo phải viết thế mới hay… Nên chúng con phải viết lại bài nộp cô rồi mới được về”- Ngọc Anh buồn buồn kể lại với bố mẹ – “Bà đi đón phải chờ con làm lại bài. Còn con đã phải nói dối về con chó nhà mình để tả con chó theo yêu cầu của cô”.
Học sinh tiểu học đã phân biệt được rõ nói dối để làm được bài là không tốt. (ảnh: Thu Ba) |
Khác “tình cảnh” làm bài tập làm văn tả con vật của Ngọc Anh, Đức Duy (cũng học sinh tiểu học ở Hà Nội) đã phải làm lại bài tả em bé đang tuổi tập đi tập nói của mình như một em bé “xa lạ”. Vì cô giáo “nhiệt tình” sửa đỏ hơn 1 trang giấy mà em đã viết, với lý do: “Tả em bé như thế không hay, không đẹp. Phải dành những từ ngữ, hình ảnh đẹp đẽ để tả về em của mình”. Đọc phần nội dung bài tập làm văn con mình tự viết và phần sửa đầy bút đỏ từ cô giáo, phụ huynh của bé Đức Duy ngỡ ngàng. Bài văn Đức Duy làm ban đầu tả em bé của mình khi ở tuổi tập nói, tập đi “trông rất đáng yêu”, “thông minh”, “dễ thương”, “ngoan ngoãn”… (những câu từ theo “gợi ý” của cô cho học sinh cả lớp trước khi làm bài tập làm văn). Còn phần bé Đức Duy tả chân thực về em của mình thì bị cô gạch chân, sửa chữa rất nhiều. Chẳng hạn, Đức Duy viết: “Bé Bông nhà em hơi gầy vì thiếu sữa mẹ. Da bé ngăm ngăm đen, nhưng bé có mái tóc xoăn tự nhiên trông rất đáng yêu…”. Cô giáo viết ra lề và đè cả bút đỏ lên chữ viết mực tím của học sinh, sửa lại là: “Bé Bông nhà em đang tuổi bụ sữa, thân hình tròn trịa, nước da trắng ngần. Bé có mái tóc xoăn tự nhiên mềm mại như tơ, đôi má phúng phính ửng hồng… trông rất đáng yêu” (!?). “Cô bảo tả em bé của mình thì phải đẹp đẽ, xúc động. Không được dùng những từ ngữ không đẹp, hay hình ảnh xấu để tả về em bé. Nếu em bé chưa đẹp ở đặc điểm nào, thì khi tả nên tránh đặc điểm đó đi, tập trung nhiều hơn vào những đặc điểm đẹp. Như thế bài văn mới hay và được điểm cao” – Đức Duy khẳng định lại lời của cô giáo.
Bố của Đức Duy xem bài con mình viết, đã được cô giáo sửa và bắt làm lại mà không khỏi ngạc nhiên: “Thế này thì cô giáo gián tiếp dạy học sinh viết sai sự thật về những gì mà học sinh đã quá biết rõ. Dạy kiểu này rồi một lúc nào đó tích tụ lại, những đứa trẻ có thể sẽ quen nói dối để vừa lòng người lớn”.
Phơi nắng để tả một… cái cây
Phụ huynh của một trường tiểu học ở Hà Nội rất buồn khi kể lại hiện tượng xảy ra ở lớp con gái mình. Các bé học lớp 4 hôm đó được cô giáo cho làm bài tập làm văn tả về một cái cây. Trước đó mấy ngày, cô giáo đứng tuổi đã cẩn thận dặn học sinh cả lớp chú ý quan sát một cái cây nào đó rồi đến lớp tả lại, tốt nhất là tả luôn cây phượng trong sân trường. Giờ làm bài, cả lớp cặm cụi viết, nhưng cuối cùng không phải bạn nào cũng viết được kín 2 mặt giấy kiểm tra theo yêu cầu của cô. Vì nhiều bạn viết sơ sài, nên cô rất bực mình. Các bé sau này kể lại với phụ huynh rằng cô không chấp nhận bài tập làm văn viết sơ sài như thế, cô mắng “Có tả mỗi lá phượng và hoa phượng mà cũng không tả nổi…”.
Bắt học sinh làm tập làm văn theo một “khuôn mẫu” cứng nhắc là làm mất tính chân thật và trong sáng của các em. (ảnh: Thu Ba) |
Lúc đó là tháng 3, cây phượng trong trường chưa nở hoa, chỉ có những cành hoa nở tít trên cao, cây phượng lâu năm thì tán lá cao, người lớn quan sát chi tiết lá và hoa từ dưới gốc cây còn khó. Vậy nhưng, đầu giờ chiều, khi thời điểm nắng đang gay gắt, cả lớp đã phải lặng lẽ, trật tự đi xuống sân trường, không được nói chuyện ồn ào làm ảnh hưởng đến các lớp khác đang học… Và cô giáo yêu cầu cả lớp đứng dưới sân, nhìn lên cây phượng để “ngắm” xem lá như thế nào, hoa như thế nào… Ngắm cho đến khi nào có thể tả được về lá phượng, hoa phượng thì quay lại lớp làm bài.
Sau buổi được “ngắm” cây phượng dưới trời nắng chang chang như thế, phụ huynh bức xúc mà chẳng dám nói ra, ngày hôm sau hơn chục học sinh trong lớp có bé thì đau đầu sổ mũi, có bé thì cảm nắng, sốt phải nghỉ học ở nhà.
“Cô giáo quá cứng nhắc” – Phụ huynh kể – “Không biết có phải do cô lớn tuổi, sắp về hưu rồi, nên khó tính và bắt bẻ học sinh đến mức ấy?”.
“Hành” học sinh, rồi “hành” cả phụ huynh chỉ để hoàn thành cho bằng được bài học trên lớp, có giáo viên đưa ra phương pháp dạy và học thật “nhàn” bằng cách cho phép học sinh về nhà lên mạng Internet để tìm đọc những bài văn mẫu, những bài văn hay của các bạn ở trường khác để “học hỏi”. “Các em có thể biến bài văn của người ta thành bài văn của mình. Không được chép một cách thô thiển. Nhưng có thể chọn lọc những câu văn hay, những ý hay trong bài của người khác…” – Một giáo viên dặn dò học sinh trước khi làm đề bài tập làm văn trong tuần tới. Học sinh cũng “nghiêm chỉnh” chấp hành, về nhà “yêu cầu” bố mẹ cho được sử dụng máy tính, ipad để “lên mạng”… “tham khảo” văn của người khác. Đáng sợ hơn là cô giáo nói thẳng, học sinh về viết nháp bài văn, bố mẹ sửa lại cho hay, rồi chép sạch đẹp nộp cô để cô sửa lần nữa. Sau đó, cứ những bài văn cô và bố mẹ đã “gia công”, học sinh chép lại và có thể học thuộc lòng để viết ra khi làm bài thi kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ…
Áp đặt học sinh theo phương pháp cứng nhắc của giáo viên, thậm chí “nhào nặn” tư duy của học sinh theo một “khuôn mẫu” nào đó, dù với mục đích để hoàn thành nội dung bài học, bài kiểm tra, hay để đạt mục đích gì đi nữa… thì hậu quả cũng khôn lường.
Nguyễn Hồng Lê (Khoa Việt Nam học – Đại học Hà Nội)
2013-09-27 01:00:51
Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201305/Dung-day-tre-noi-doi-1969236/