Sinh mổ, mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như dính ruột, tắc ruột hay nhiễm trùng vết mổ.
Sinh thường hay sinh mổ là mối quan tâm của hầu hết các bà bầu trước ngày lâm bồn. Bác sĩ chỉ định sinh mổ trong những trường hợp thai thuộc nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên, ngày nay có không ít sản phụ dang “lạm dụng” sinh mổ vì tâm lý sợ đau. Dù vậy, bác sĩ sản khoa luôn khuyên mẹ bầu không nên đòi đẻ mổ khi không có bất cứ điều gì cản trở việc sinh nở thông thường. Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, hiện làm việc tại Phòng khám sản phụ khoa Song Hà) sẽ giải đáp thắc mắc của các mẹ về việc nên sinh thường hay sinh mổ và những nguy cơ có thể gặp phải khi mẹ chọn sinh mổ.
Có một độc giả đang mang thai được 37 tuần, được bác sĩ chỉ định sinh mổ. Tuy nhiên, sản phụ này bày tỏ lo lắng về việc sinh mổ có thể bị dính ruột. Bác sĩ có thể cho biết, nguy cơ mà sản phụ này quan tâm như thế nào?
Chào bạn! Hiện tại thai của bạn được 37 tuần, bạn có cao huyết áp và tiểu đường. Do vậy thai của bạn thuộc nhóm nguy cơ cao. Cao huyết áp thai kỳ có liên quan với các biến chứng thai kỳ, thường xảy ra hơn nếu cao huyết xuất hiện sớm trong thai kỳ, hoặc nếu tiến triển thành tiền sản giật hoặc sản giật.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết bất thường (có rối loạn dung nạp chất đường). Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện, sẽ biến mất sau 6 tuần sau khi sinh. Tiểu đường thai kỳ thường thì thai to nên sanh thường khó và dễ bị chấn thương khi sanh ví dụ như kẹt vai… Do vậy, bác sĩ của bạn đang theo dõi thai đã khuyên bạn nên mổ.
Sinh mổ ẩn chứa nhiều nguy cơ xấu như dính ruột, tắc ruột hay nhiễm trùng vết mổ… (ảnh minh họa)
Hiện nay mổ lấy thai tương đối an toàn. Tuy nhiên, khi sinh mổ cũng có thể có một số ít các nguy cơ sau:
- Nhiễm trùng vết mổ.
- Băng huyết, xuất huyết nội…
- Thuyên tắc tĩnh mạch
- Tai biến do gây mê, hồi sức…
- Dính ruột, tắc ruột, dính tắc ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung..
- Sẹo trên thân tử cung có thể bị nứt trong những lần có thai sau…
Những biến chứng trên còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như cơ địa có sẵn của bệnh nhân trước đó, bệnh lý đi kèm, phương tiện trình độ và kỹ thuật mổ…Thai kỳ của bạn thuộc nhóm nguy cơ cao bạn nên đến bệnh viên chuyên khoa sản có uy tín cao để được tư vấn theo dõi điều trị trước và sau khi sanh để hạn chế tối đa những biến chứng nêu trên. Chúc bạn mẹ tròn con vuông.
Trong trường hợp nào sẽ dễ bị dính ruột do mổ đẻ, thưa bác sĩ?
Dính ruột thường gặp ở những người có vết mổ cũ, do các loại bệnh khác trước đó không nhất thiết phải là mổ lấy thai. Bên cạnh đó những người bị viêm nhiễm vùng chậu, viêm phần phụ, lạc nội mạc tử cung hay viêm nhiễm do chlamydia… cũng hay gây dính ruột.
Theo bác sĩ, để tránh bị dính ruột do mổ đẻ cần chú ý điều gì?
Sau khi mổ lấy thai cần thực hiện các hoạt động chân tay nhẹ nhàng để lấy lại cảm giác. Xoay trở người, ngồi dậy nhẹ nhàng khi có thể, như thế có thể dự phòng bị dính ruột và thuyên tắc tĩnh huyết mạch.
Xin bác sĩ cho biết các nguy cơ có thể xảy ra với mẹ đẻ mổ và với bé?
a/ Đối với bé:
- Thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê.
- Bị chạm thương trong khi phẫu thuật.
- Hít phải nước ối.
b/ Đối với mẹ
- Nhiễm trùng vết mổ.
- Băng huyết, xuất huyết nội…
- Thuyên tắc tĩnh mạch
- Tai biến do gây mê, hồi sức…
- Dính ruột, tắc ruột, dính tắc ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung..
- Sẹo trên thân tử cung có thể bị nứt trong những lần có thai sau…
Những trường hợp mẹ bầu nào cần chỉ định đẻ mổ?
Trong các trường hợp mà sinh ngã âm đạo không an toàn cho mẹ và thai như: bất xứng đầu chậu, hay do quá trình chuyển dạ mà đầu thai nhi không cúi tốt có nguy cơ dọa vỡ tử cung, rối loạn cơn co tử cung… Các bệnh lý của đường sinh dục như: ung thư cổ tử cung, bệnh mào gà, herpes sinh dục. Nhau tiền đạo, nhau bong non, sa dây rốn. Các ngôi bất thường, Thai suy trong chuyển dạ, thai kém phát triển trong tử cung, thiểu ối nặng, vô ối. Thai có vết mổ cũ kèm các yếu tố không thuận lợi. Mẹ có bệnh lý nội khoa nặng, con so lớn tuổi.
Nếu sinh thường được, các mẹ bầu không nên yêu cầu đẻ mổ. (ảnh minh họa)
Bác sĩ có thể tư vấn cho độc giả về việc chăm sóc sau sinh mổ như thế nào, về chế độ ăn uống? sinh hoạt?
Sau khi sinh mổ, bạn được bác sĩ sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng sinh, co hồi tử cung và chăm sóc vệ sinh vết mổ. Bạn hãy yên tâm vì những thuốc này sẽ không ảnh hưởng đến nguồn sữa non bạn hãy tranh thủ cho con bú ngay sau sanh càng sớm càng tốt nhé. Trong trường hợp cảm thấy vết mổ vẫn đau, hãy nói với bác sĩ để được sử dụng thêm những loại thuốc giảm đau .
Bạn nên uống nước lọc, nước đường và ăn cháo thịt cho đến khi bạn đánh hơi được mới bắt đầu ăn thêm các loại khác như sữa, phở, nui… Sau khi ăn uống tiêu hóa ổn định bạn ăn cơm bình thường, ăn nhiều đạm, chất xơ trái cây và các thực phẩm có nhiều canxi để có sữa cho bé bú.
Làm thế nào để vết mổ đẻ nhanh lành, thưa bác sĩ?
Bạn nên làm theo những hướng dẫn của bác sĩ như giữ gìn vệ sinh vết mổ tốt để vết mổ nhanh lành. Bên cạnh đó chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất và vitamin thì vết mổ cũng sẽ mau lành hơn. Nếu phát hiện vết mổ đỏ căng tức, tiết dịch, đau… thì bạn đã bị nhiễm trùng vết mổ. Lúc này bạn cần đến bác sĩ để được chữa trị kịp thời.
Khoảng 2 tháng sau sinh mổ, bạn nên tránh vận động mạnh để không ảnh hưởng đến vết mổ, bởi sau sanh, các khớp và cơ còn yếu. Bạn nên nhờ người nhà giúp đỡ các việc trong gia đình.
Xu hướng hiện nay rất nhiều sản phụ thích đẻ mổ vì ngại đẻ thường, vậy theo bác sĩ có nên lạm dụng đẻ mổ không?
Sinh ngã âm đạo là hiện tượng sinh lý tự nhiên của phụ nữ mang thai, vì vậy không có lý do gì mà chúng ta không thuận theo tự nhiên. Sinh mổ là một phẫu thuật ngoại khoa được chỉ định khi không thể sanh được đường ngã âm đạo hoặc có vấn đề đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi mà phải chấm dứt thai kỳ sớm.
Do đó không nên yêu cầu mổ khi không có lý do nào làm ảnh hưởng đến chuyển dạ sinh thường của mẹ.
Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ rất hữu ích này!
2013-09-06 18:14:29
Nguồn: http://eva.vn/ba-bau/dinh-ruot-sau-sinh-mo-ai-de-mac-c85a150667.html