Ivan Zoric, nhà quản lý bóng đá giàu kinh nghiệm người Serbia đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, đã có những chia sẻ với Emanuele Giulianelli, nhà báo nổi tiếng của Italy, về những vấn đề rất thú vị của bóng đá Việt Nam.
Trong chuyến du lịch tới những nền bóng đá ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhà báo Giulianelli đã có dịp dừng chân ở khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt ấn tượng với bóng đá Việt Nam.
“Đội tuyển quốc gia Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 153 trên bảng xếp hạng FIFA, vị trí thứ 27 châu Á, kém hơn Madives nhưng xếp trên một bậc so với Ấn Độ. Thứ hạng FIFA cao nhất mà đội tuyển quốc gia Việt nam từng đạt được 84 năm 1998.
Trận chung kết giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (Tiger Cup) năm đó, Việt Nam đã để thua 0-1 trước Singapore. Đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng đã đạt được thành tích vào tới vòng tứ kết Giải vô địch bóng đá châu Á (Asian Cup) năm 2007, đó cũng là năm Việt Nam là một trong 4 quốc gia đăng cai giải.
Các tuyển thủ quốc gia Việt Nam phần lớn đều là những cầu thủ thi đấu ở giải quốc nội, ngoại trừ Lê Công Vinh đang khoác áo CLB Consolade Sapporo ở Nhật Bản và Michael Nguyễn đang thi đấu cho một CLB ở giải hạng hai ở Cộng hòa Czech”, nhà báo Giulianelli viết.
Để có cái nhìn sâu sắc hơn về bóng đá Việt Nam, cũng như đất nước Việt Nam, ông cũng đã có buổi gặp mặt Ivan Zoric, Giám đốc Marketing và Truyền thông ở CLB bóng đá TP. Hồ Chí Minh. Ivan Zoric khởi đầu sự nghiệp ở đội bóng thành phố quê hương Serbia, CLB Dinamo Pancevo, sau đó từng có quãng thời gian làm việc tại CLB trường Đại học Thể thao Victoria ở Uganda. Từ năm 2013 đến nay, Zoric làm việc tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện giữa nhà báo Giulianelli và nhà quản lý bóng đá Zoric.
Ivan Zoric (trái)
* Xin chào Ivan Zoric. Anh có thể nói cho tôi biết thêm về bóng đá Việt Nam? Môn thể thao này có được đón nhân nồng nhiệt bởi người Việt Nam?
- Tại Việt Nam, tôi không biết nhiều về miền Bắc nhưng ở miền Nam, trong thời điểm hiện tại, bóng đá không nhận được sự hâm mộ nồng nhiệt của người dân. Bóng đá là môn thể thao số một ở Việt Nam nhưng giải bóng đá nội địa lại không thu hút được sự chú ý của người hâm mộ nhiều như Giải ngoại hạng Anh (Premier League) và Giải vô địch Tây Ban Nha (La Liga).
* Anh có thể đánh giá như thế nào về giải bóng đá V-League ở Việt Nam?
- Chắc chắn là tôi không thể so sánh V-League ở Việt Nam với những giải bóng đá hàng đầu ở châu Âu. Tuy nhiên ở Đông Nam Á, V-League là một trong những giải bóng đá hàng đầu khu vực.
* Nguyên nhân nào đưa anh tới Việt Nam? Đây có phải là một điểm đến tiềm năng?
- Tôi được mời đến Việt Nam để thiết lập một dự án phát triển bóng đá của một học viện bóng đá chuyên nghiệp. Thực tế là FIFA có nhiều thành viên hơn cả Liên Hợp Quốc. Mọi nơi trên thế giới đều có một không gian dành riêng cho bóng đá. Dù ở một nơi nào đó bóng đá có thể không phải là môn thể thao số một nhưng điều mà bóng đá làm được so với những môn thể thao khác là có mặt ở ngay cả những quốc gia nhỏ nhất trên thế giới.
* V-League hiện nay có cầu thủ quốc tịch nước ngoài nào thi đấu?
- Những năm trước, bóng đá Việt Nam có khá nhiều cầu thủ ngoại đến thi đấu và lập nghiệp ở đây, bao gồm cả những huấn luyện viên ngoại. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế đã khiến bóng đá Việt Nam có những thay đổi. Hiện chỉ còn một số ít các cầu thủ nước ngoài thi đấu tại V-League, chủ yếu đến từ Brazil và châu Phi. Luôn có những quãng thời gian khó khăn với bóng đá ở khắp mọi nơi trên thế giới. Và những khó khăn đó đang hiện hữu ở Việt Nam. Nhưng tôi hi vọng rằng bóng đá Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ và thu hút được sự chú ý hơn trong thời gian tới.
* Bóng đá ở Việt Nam đạt tới mức chuyên nghiệp?
- Tôi có thể nói rằng mọi cầu thủ ở giải hạng Nhất và hạng Hai ở Việt Nam đều là những cầu thủ chuyên nghiệp. Cũng phải nói rằng CLB Arsenal cũng có một học viện bóng đá ở Việt Nam.
* Vậy còn về cơ sở vật chất?
- Cơ sở vật chất phục vụ cho bóng đá ở Việt Nam khá tốt. Năm 2005, thành phố Hồ Chí Minh có 91 sân bóng đá, 86 bể bơi, 256 phòng tập gym. Sân vận động lớn nhất ở thành phố mang tên sân Thống Nhất có sức chứa 25.000 chỗ ngồi. Sân vận động quân khu 7 từng đăng cai trận chung kết AFC Asian Cup 2007. Ngành Thể dục – Thể thao của thành phố cũng quản lý một số lượng lớn các CLB như Phan Đình Phùng, Thanh Đa và Yết Kiêu.
* Anh cảm thấy cuộc sống ở Việt Nam như thế nào?
- Việt Nam là một quốc gia tuyệt đẹp và an toàn. Thành phố Hồ Chi Minh là một trong những thành phố có nét đặc trưng mà bạn không thể tìm thấy được ở một nơi nào khác. Con người ở Việt Nam khá thân thiện. Điều duy nhất tôi phải làm quen đó là khí hậu nóng ẩm.
* Anh có thể chia sẻ thêm về đội tuyển quốc gia Việt Nam?
- À, vâng. Đội tuyển quốc gia Việt Nam nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính phủ cũng như người hâm mộ. Hiện tại đội tuyển quốc gia Việt Nam chưa thể nằm trong Top 100 của bóng đá thế giới nhưng tôi tin rằng trong khoảng 10 năm nữa, Việt Nam có thể bắt kịp với những nền bóng đá tiên tiến ở châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
* Anh có biết đến Denilson? Liệu anh ta có phải là cầu thủ nước ngoài nổi tiếng nhất từng thi đấu ở Việt Nam?
- Đó đúng là một nét mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam. Denilson đúng là một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất từng thi đấu cho một CLB ở Việt Nam. Tôi đã từng ở châu Phi, các cầu thủ bóng đá trong khu vực luôn mơ về một ngày được thi đấu ở Việt Nam.
* Anh có cho rằng Việt Nam có những cầu thủ đủ khả năng thi đấu ở giải bóng đá châu Âu?
- Có lẽ là trong tương lai. Còn những điều kiện hiện tại không cho phép điều đó xảy ra.