Được mệnh danh là một trong những bảo tàng nổi tiếng thế giới, hàng năm bảo tàng Louvre của Pháp đón trên bảy triệu lượt khách ghé thăm. Ngoài những bộ sưu tập giá trị tại đây, bản thân bảo tàng cũng là một điểm đến văn hoá, lịch sử, với không gian kiến trúc ấn tượng độc đáo của Paris.
Quần thể bảo tàng Louvre
Nằm ngay tại quận 1, cạnh cầu nghệ thuật nổi tiếng trên dòng sông Seine, tiền thân của Louvre là một pháo đài bảo vệ Paris về phía tây do vua Philip Augustus xây từ thời Trung cổ. Dưới thời vua Charles V, pháo đài có thêm chức năng cung điện hoàng gia. Tuy nhiên các đời vua vào thời phục hưng đã phá huỷ công trình cũ, xây dựng và mở rộng nhiều lần thành một cung điện thật sự. Đó là các công trình xây dựng bằng đá cắt còn tồn tại đến ngày nay, do kiến trúc sư Pierre Lescot thiết kế theo trường phái kiến trúc cổ điển thuần Pháp. Đặc biệt, mái lợp mansard hai lớp (mái có hình chóp cụt với độ dốc khá lớn, lợp ngói đá) đã truyền cảm hứng cho thiết kế của nhiều toà nhà thế kỷ 17 ở Paris, châu Âu cũng như ở Mỹ.
Từ thời Phục hưng đến khi Napoléon lên nắm quyền, hàng loạt hoạ sĩ và điêu khắc gia tại châu Âu liên tiếp được huy động về Louvre thực hiện các tác phẩm nghệ thuật trên kiến trúc của trần nhà, tường, cột, quanh lâu đài.
Cánh Denon (ảnh trên). Cánh Richelieu (ảnh dưới trái). Xếp hàng tại kim tự tháp lớn – cổng vào chính của bảo tàng (ảnh dưới phải)
Sau nhiều lần mở rộng và tái thiết, hiện quần thể lâu đài gồm ba cánh mang tên Richelieu, Denon, và Sully gồm các dãy toà nhà liền kề. Các toà nhà này đều có bốn tầng: một tầng ngầm, một tầng trệt và hai tầng lầu. Diện tích của Louvre rộng 21ha, trong đó khoảng 6ha dành cho trưng bày bảo tàng. Có tám khu chính theo chủ đề Phương Đông cổ đại; Ai Cập cổ đại; Hy Lạp, La Mã và Etruria cổ đại; nghệ thuật Hồi giáo; hội hoạ; điêu khắc; nghệ thuật hoạ hình và nghệ thuật trang trí. Ngoài ra, Louvre còn có khu trưng bày lịch sử cung điện và bộ sưu tập nghệ thuật châu Á, Phi, Mỹ và Úc. Các sân phía trong các cung điện thuộc cánh Richelieu cũng được lớp mái đón ánh sáng dành trưng bày những tác phẩm điêu khắc cỡ lớn.
Khi triều đình Pháp chuyển về lâu đài Versailles năm 1672, Louvre là nơi lưu trữ bộ sưu tập hoàng gia rồi dần chuyển thành bảo tàng. Sau hiệp ước Campo-Formio 1797, Pháp lần lượt đem về Louvre hàng loạt tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ giá trị từ Veneza và bộ sưu tập của Giáo hoàng. Thời gian sau đó, quân viễn chinh Pháp tiếp tục mang thêm nhiều hiện vật quý giá về Louvre sau những cuộc chinh phạt và ký kết với các quốc gia như Đức, Áo và Tây Ban Nha, nhờ điều khoản giành quyền kiểm soát những tác phẩm nghệ thuật. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, cổ vật tại bảo tàng phải di tản và mang gửi khắp nơi đến năm 1945 mới được đưa dần trở lại trưng bày trong bảo tàng. Hiện vật ở Louvre được đánh giá phong phú, đa dạng. Bộ sưu tập của bảo tàng Louvre hiện vào khoảng 380.000 hiện vật, mặc dù chỉ có khoảng 35.000 hiện vật được trưng bày thường xuyên. Nơi đây lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị văn hoá lớn, từ tranh vẽ, nghệ thuật hoạ hình, nghệ thuật trang trí đến những tác phẩm điêu khắc của các vĩ nhân như Renoir Rembrandt, Rubens, Titian, Poussin, David, và tất nhiên không thiếu bức hoạ nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci.
Một góc sân được che mái để trưng bày hiện vật
Cầu thang bộ tại kim tự tháp lớn và sảnh lớn dành cho phòng bán vé, gửi đồ, bán càphê |
Cánh Richelieu của bảo tàng Louvre nhìn từ bên trong kim tự tháp |
Kim tự tháp Louvre
Biểu tượng đầu tiên khi nói đến bảo tàng Louvre và cũng là nơi mà bất cứ du khách nào cũng phải bước qua đầu tiên chính là kim tự tháp nằm giữa sân lớn của bảo tàng.
Năm 1981, với quyết định chuyển toàn bộ không gian cung điện Louvre thành bảo tàng, Tổng thống Pháp François Mitterrand cho triển khai dự án Grand Louvre, nhằm thiết kế lại không gian nội và ngoại thất của cung điện Louvre. Kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa Leoh Ming Pei, được chọn tham gia nhóm thực hiện dự án, nhờ được biết đến qua những kiến trúc tại Mỹ như thư viện John F. Kennedy tại Boston, toà nhà phía đông của gallary nghệ thuật quốc gia tại Washington, D.C.
Ý tưởng đặt kim tự tháp bằng kính trong và khung thép vào giữa quần thể kiến trúc cổ điển của lâu đài Louvre được kiến trúc sư Pei đưa ra, với lập luận “là kiến trúc thích hợp mang lại ánh sáng ổn định cũng như tương thích nhất với kiến trúc của bảo tàng Louvre”. Một kim tự tháp lớn được ba kim tự tháp nhỏ và hệ thống bể nước bao quanh. Thiết kế kim tự tháp bằng kính cho phép lấy ánh sáng trời vào không gian phía dưới.
Không gian trưng bày tranh vẽ, tượng điêu khắc và cổ vật trong các phòng
Phần kiến trúc từ thời trung cổ duy nhất còn có thể nhìn thấy của bảo tàng Louvre |
Một phần kiến trúc được trưng bày trong khuôn viên lịch sử về bảo tàng |
Mặc dù Tổng thống Mitterrand hài lòng với kiến trúc này, nhưng giám đốc bảo tàng khi đó lại phản đối gay gắt. Ông từ chức vì cho rằng thiết kế này không khả thi và mang lại rủi ro cho kiến trúc. Nhiều kiến trúc sư trong nhóm tái thiết, một số nhà phê bình kiến trúc có ảnh hưởng và phần lớn người dân Paris cũng không đồng tình dẫn đến dự án Grand Louvre bị đình trệ.
Tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ của một số nhà văn hoá Pháp có tiếng lúc đó, một mô hình tương tự được trưng bày ngay tại không gian sẽ xây dựng để người dân cho ý kiến. Sau bốn ngày triển lãm, người dân Paris có vẻ nguôi giận và dự án được tiến hành. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực, toà kim tự tháp với 673 tấm kính được làm song song với việc xây dựng các công trình ngầm ngay phía dưới (còn gọi là tầng ngầm thứ hai), hiện được dùng các dịch vụ bán vé, gửi áo mũ, hiệu sách, nhà hàng, quán càphê.
Pei và ngay cả những người từng phản đối kiến trúc này cũng không ngờ kim tự tháp hiện đại nằm giữa lâu đài cổ điển ngày nay lại trở thành một biểu tượng độc đáo khi bất cứ ai nhắc tới bảo tàng Louvre.
2013-09-07 13:00:07
Nguồn: http://www.24h.com.vn/du-lich/bao-tang-louvre-sap-nhap-co-dien-va-hien-dai-c76a570285.html