Những “siêu sao ca nhạc” toả sáng trên bầu trời nghệ thuật cùng với danh vọng và những mỹ từ khen tặng. Những tràng pháo tay nức nở đã khiến cho nhiều vì sao quên mất rằng bản thân chúng không hề có ánh sáng mà chỉ vay mượn từ ánh nắng của mặt trời.
“Khi trót mang duyên kiếp cầm ca, em xin bằng lòng nghe tiếng trách chê của đời”, có mấy ai còn nhớ những lời da diết trong bài hát này chăng? “Khi biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho mọi người bỏ tiền mua vui, hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không?”.
Phải chăng xã hội phát triển càng rộng ra bao nhiêu thì lòng người lại càng hẹp lại bấy nhiêu. Mọi giá trị đều có thể đảo lộn, từ bị hắt hủi, khinh rẻ có thể trở nên danh giá và cao quý vô ngần. Điều này không hề ngoa ngữ khi nói về nghiệp ca sĩ bây giờ.
Nàng ca sĩ trong bài hát “Kiếp cầm ca” (Tình đời) ngày ấy thật dịu dàng và khiêm cung khi tự nhận mình chỉ là kẻ “xướng ca vô loài”. Nàng không dám đòi hỏi được ai đó mến mộ, chỉ mong được tự do sống trọn kiếp tằm đam mê dệt mộng cho đời.
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9
Còn bây giờ, nghiệp cầm ca đã một bước lên mây biến mình thành những superstar, những “siêu sao ca nhạc” toả sáng trên bầu trời nghệ thuật cùng với danh vọng và những mỹ từ khen tặng. Những tràng pháo tay nức nở đã khiến cho nhiều vì sao quên mất rằng bản thân chúng không hề có ánh sáng mà chỉ vay mượn từ ánh nắng của mặt trời.
Nếu đem hình ảnh ngôi sao ví von như vậy gán cho những người hoạt động nghệ thuật ca hát giải trí thì e cũng hơi ép uổng cho họ. Vì nếu bản thân không thể tự tỏa sáng, họ cũng phải bỏ ra rất nhiều công sức và đánh đổi để có được sự nổi tiếng. Những gì đáng công nhận thì nên công tâm tán thưởng vậy.
Nhưng, chúng ta lại bàn về scandal lùm lùm xoay quanh nhận xét của nhạc sĩ cao niên nhiều kinh nghiệm Nguyễn Ánh 9 và Mr Đàm gây bão mấy hôm nay. Ai cũng có cái lý của mình, nghe ai nói cũng hay cũng đúng, nếu không toàn bộ thì cũng được một vài câu.
Thật ra, nếu nhận xét về những gì mang tính cảm quan như âm nhạc và sự hưởng thụ âm nhạc thì cũng vô chừng, cũng không biết đâu mà lần chứ nói gì đến chuyện phân biệt ai đúng ai sai. Mỗi người có một sở thích riêng và những cái “gout” rất riêng biệt.
Nhưng thiết nghĩ, cùng là người nghe như nhau, nếu như không thể có cùng sở thích, “cùng gout” với ai đó thì cũng không nên phản bác ý kiến chủ quan của họ làm gì. Cảm thụ âm nhạc là vô chừng mà. Tôi vẫn còn nhớ một câu nói rất ấn tượng: chính thời gian mới chứng minh được ai là nghệ sĩ chứ không phải chúng ta.
Đó là cái cách mà những người cùng là khán thính giả như chúng ta đối xử và giao tiếp với nhau. Chúng ta có thể cùng nghe một bài hát, cùng một người hát và cùng bàn luận, nhưng sẽ có người thích và người không thích, người khen và người chê. Đó là quyền của người nghe và cũng là áp lực mà ai đã chọn nghề hát phải chấp nhận.
Nhưng chẳng lẽ vì không thích bài hát đó, ca sĩ đó, chúng ta quay sang trở mặt với nhau? Điều đáng nói ở đây là thái độ. Những lời nói, cử chỉ và cách mà siêu sao giải quyết vấn đề mới thật sự làm cho số đông không thể chấp nhận được.
Trong đám đông đó chắc chắn sẽ có phần lớn những người thuộc trường phái trung lập, không thích không ghét, hoặc những người đã từng yêu thích Mr Đàm quay ngoắt đi vì thất vọng. Một số yếu ớt còn lại cho đến thời điểm này vẫn ủng hộ, nhưng sắp tới thì không có gì đảm bảo nếu chàng ca sĩ họ Đàm còn tiếp tục sản xuất ra vài cái “tâm thư” với những lời lẽ đá xoáy thiếu tôn trọng, ít nhất là đối với người đáng tuổi cha mẹ mình.
Tuy mang “kiếp cầm ca” nhưng “sao Đàm” không bằng lòng nghe tiếng trách chê của đời. Thử đặt “sao Đàm” vào vai cô ca sĩ và người cô yêu là fan hâm mộ của anh trong bối cảnh lúc này, có lẽ chúng ta sẽ có một bài hát mới tên là “Kiếp làm siêu sao”.
Theo Vnexpress