Gà
Ảnh: Live Science
Gà mái coi việc làm mẹ hết sức nghiêm túc. Việc cung cấp canxi để hình thành vỏ trứng bảo vệ phôi gà con là một việc khá khó khăn với chúng, và nếu chúng không được cung cấp đủ canxi trong khẩu phần ăn, chúng sẵn sàng lấy canxi từ trong xương của mình ra hỗ trợ cho quá trình hình thành vỏ trứng.
Chim cu
Ảnh: Live Science
Chim cu có một cách rất độc đáo để không phải mệt nhọc khi chăm sóc con non. Chim cu mẹ sẽ lén lút đẻ trứng vào tổ của một loài chim khác. Bằng cách này, chúng lừa được những con chim khác gánh hộ việc chăm con.
Trứng chim cu thường nở đầu tiên, và chim cu non lớn rất nhanh. Chúng đẩy những con non khác ra khỏi tổ và khiến chúng bị chết. Những con chim cu non từ đó có được sự chăm sóc toàn diện của chim bố mẹ nuôi, vậy nên chúng có nhiều cơ hội sống sót hơn.
Kiến hút máu
Ảnh: Live Science
Loài kiến đang bị đe dọa Adetomyrma ở Madagascar có cách bộc lộ tình yêu với con non rất kỳ quái.
Khi kiến chúa đẻ ra ấu trùng kiến, nó và kiến thợ sẽ cắn một lỗ nhỏ trên mình ấu trùng kiến và hút huyết dịch từ đó (huyết dịch là một loại dịch tuần hoàn trong cơ thể ấu trùng kiến, giống như máu ở động vật có vú).
Các nhà khoa học vẫn chưa thể nói chính xác tại sao loài kiến này lại làm như vậy. Việc truyền dịch cho nhau là một hành vi xã hội của loài kiến, và có thể việc làm này là một minh họa có tính sơ khai của điều đó.
Những ấu trùng kiến không chết vì bị hút dịch, nhưng đây thực sự là một cách nuôi con quái dị.
Cá voi xám
Ảnh: Live Science
Cá voi xám rất tận tụy với việc chăm sóc con non. Chúng vượt hàng nghìn dặm từ vùng biển Bắc Cực lạnh lẽo và giàu sinh vật phù du đến vùng biển nhiệt đới ít thức ăn ở Mexico để sinh con.
Chuyến đi này khiến chúng xa khỏi nguồn thực phẩm, nhưng lại tránh được nhũng con cá kình nguy hiểm thường săn cá voi con. Vùng biển an toàn này cũng giúp cá voi con yên tâm tiêu thụ nguồn sữa bổ dưỡng chứa tới 53% chất béo từ mẹ chúng nhằm hình thành một lớp mỡ dày trước khi quay về Bắc Cực.
Giống như gấu trắng, cá voi mẹ sẽ phải nhịn đói trong nhiều tháng, trong khi vẫn phải cung cấp đầy đủ nguồn sữa cho cá con, do đó chúng thường giảm tới 8 tấn khối lượng cơ thể trong thời gian này.
Nhện
Ảnh: Live Science
Với nhiều loài nhện, việc kết đôi và giao phối cũng đồng nghĩa với việc cuộc đời chúng sắp kết thúc.
Ở loài nhện Stegodyphus, tình yêu của nhện mẹ không chỉ là thường xuyên canh chừng tổ của chúng. Nhện cái sẽ đẻ trứng lên mạng nhện và canh chừng cho tới khi trứng nở.
Khi nhện con chui ra, nhện mẹ sẽ ăn rất nhiều thứ và sau đó sinh ra một dạng chất lỏng giàu dinh dưỡng cho lũ nhện con.
Khoảng một tháng sau, khi nhện con lớn, nhện mẹ sẽ để chúng bò lên người mình, dùng chất độc của chúng giết chết mẹ. Sau đó, lũ nhện con sẽ ăn thịt nhện mẹ. Rồi lũ nhện con sẽ quay ra ăn thịt lẫn nhau. Chỉ còn một số con khỏe nhất sống sót và khi đó chúng mới rời mạng nhện, bắt đầu cuộc sống riêng.
Rận biển
Để giao phối và sinh con, những con rận biển cái phải trải qua nhiều sự đau đớn. Chúng sẽ phải giao phối với những con rận biển đực có khả năng giao phối với 25 con cái cùng một lúc.
Điều tồi tệ nhất là khi rận biển cái sẵn sàng sinh nở, những con rận biển con sẽ gặm nhấm từ bên trong cơ thể mẹ chúng để mở đường chui ra thế giới bên ngoài.
Ếch độc
Ảnh: Live Science
Ếch độc là một trong số những loài rất nghiêm túc với việc làm mẹ. Mỗi lần chúng chỉ đẻ năm quả trứng, và ếch mẹ sẽ trông chừng cho tới khi trứng nở thành nòng nọc.
Sau đó, ếch mẹ sẽ cõng từng con nòng nọc lên một cái cây cao khoảng 100 feet (khoảng 30m), và tìm cho mỗi con nòng nọc một khoảng nước đọng trên lá cây, tạo cho chúng một môi trường sống an toàn và độc lập nhất.
Êch mẹ con nuôi lũ nòng nọc bằng cách cho chúng ăn những quả trứng nó đẻ ra nhưng không nở được, trong khoảng thời gian từ 6-8 tuần. Những con nòng nọc bằng cách này sẽ trưởng thành mà không phải ăn thịt lẫn nhau.
2014-05-13 00:32:16