Ảnh một vũ công của bộ lạc thổ dân. (Shutterstock*)
Chỉ cách đây một thế hệ trước, trẻ con trong các trường học Úc vẫn luôn được dạy rằng người thổ dân không biết đếm quá con số năm, họ lang thang trên sa mạc để tìm kiếm thức ăn, họ không hề có một nền văn minh tiên tiến, không thể định vị đường đi chính xác và yên phận chấp thuận nền văn minh phương Tây đến để soi sáng cho cuộc sống mông muội của họ vào năm 1788.
Làm sao mà chúng ta lại có thể sai lầm đến như vậy?
Trong rất nhiều năm, nhà sử học người Úc Bill Gammage và những người khác đã chỉ ra rằng đất đai đã từng được thổ dân Aborigine (thổ dân bản địa của Úc) canh tác cẩn thận nhằm tối đa hóa sản lượng. Điều này dẫn đến đất trồng trọt vô cùng màu mỡ, nhưng giờ đây nó đã bị khai thác kiệt quệ và gần như bị hủy hoại bởi nền nông nghiệp thâm canh quá mức.
Trong một số trường hợp khác, thổ dân Aborigine đã thiết lập được hệ thống số đếm tinh vi, cũng hiểu biết về thảo dược, và có thể định hướng nhờ vào bản đồ truyền miệng và vị trí các ngôi sao để củng cố hoạt động giao thương trong khắp khu vực.
Họ đã phản kháng lại rất mạnh mẽ trước sự xâm lược của người Anh, và đôi lần giành được thắng lợi quan trọng, ví như trong các cuộc đột kích của chiến binh thổ dân Aborigine tên là Pemulwuy.
Chỉ cho tới bây giờ chúng ta mới bắt đầu hiểu được trí tuệ và những tựu khoa học của thổ dân Aborigine.
Từ lâu, Tộc người Yolngu, cư trú tại phía Đông Bắc của vùng đất Arnhem ở Miền Bắc, đã nhận biết được mối liên hệ giữa thủy triều và các tuần trăng.
Vào đầu thế kỷ thứ 17, ngay cả nhà khoa học người Ý Galileo Galilei vẫn còn đang tuyên bố một cách sai lầm rằng mặt trăng không có liên hệ gì đến thủy triều.
Một số thổ dân Aborigine đã phát hiện ra cơ chế hoạt động của nguyệt thực, và biết cách thức vận hành khác biệt giữa hành tinh với ngôi sao. Họ đã áp dụng kiến thức này để điều hòa chu kỳ đi lại từ nơi này đến nơi khác, đồng thời đảm bảo tối đa nguồn dự trự thực phẩm theo mùa.
Tại sao đến tận bây giờ chúng ta mới khám phá ra điều này?
Hầu hết các hiểu biết của chúng ta về văn hóa của thổ dân Aborigine trước khi tiếp xúc với người Châu Âu là đến từ những nhà nhân chủng học vĩ đại của thế kỷ 20. Kho tàng tri thức của họ đã kể cho chúng ta rất nhiều về nghệ thuật, tín ngưỡng và các bài hát của thổ dân Aborigine, nhưng đáng ngạc nhiên là không hề đề cập đến các thành quả khoa học của họ.
Họ hầu như không đề cập đến hiểu biết của thổ dân Aborigine về cách thế giới vận hành, hoặc phương thức định hướng. Trong một cuốn sách năm 1938 của nhà nhân chủng học Adolphus Elkin với tựa đề ‘Thổ dân Úc: Làm thế nào để thấu hiểu họ’ ông dường như đã tự mình nghe được ít nhất một câu hát (là bản đồ truyền miệng) mà không ý thức tầm quan trọng của nó.
[…] vòng tuần hoàn trong những trải nghiệm của vị anh hùng, khi chàng bắt đầu hành trình từ bờ biển Bắc và đi xuống phía Nam và sau đó đi ngược về Bắc một lần nữa […] Bây giờ, tại đất nước ấy, rồi sau đó tại một nơi khác, và cứ như thế, luôn luôn tiến đến gần hơn, cho tới cuối cùng đó là nơi chúng ta đang ghi chép lại.
Làm sao mà những bộ óc kỳ cựu của ngành nhân chủng học này lại không thể nhận thức ra được tầm quan trọng của những điều mà họ đã được thuật lại?
Câu trả lời đã trở nên rõ ràng hơn khi tôi có buổi diễn thuyết về khả năng định vị đường đi của thổ dân Aborigine tại Thư Viện Quốc Gia Úc, và tôi đã đặt ra chính câu hỏi này cho thính giả.
Sau đó, một trong những nghiên cứu sinh tiến sỹ của Elkin đã bảo tôi rằng Elkin làm việc trong một cái khung tư tưởng cố định về những yếu tố hình thành nên nền văn hóa thổ dân Aborigine. Tôi chợt nhận ra rằng cô ấy đang diễn tả điều mà triết gia người Mỹ Thomas Kuhn đề cập đến khi ông đặt ra từ “khuôn mẫu” (paradigm).
Vấn đề về khuôn mẫu
Theo Kuhn, tất cả chúng ta (thậm chí kể cả các nhà khoa học và nhân chủng học) đều có thể phạm sai lầm. Chúng ta lớn lên với một khuôn mẫu (ví dụ như nói rằng “Văn hóa thổ dân Aborigine rất là thô sơ”) mà chúng ta nhìn nhận là đúng. Và bất cứ thứ gì không phù hợp với khuôn mẫu đó sẽ bị loại bỏ vì nó không liên quan hoặc không đạt chuẩn.
Chỉ 200 năm trước đây, mọi người đã thảo luận về khả năng những thổ dân Aborigine là “giống người cấp thấp” trong hệ tiến hóa của con người. Các quan niệm dần dần thay đổi, nhưng dư âm của chúng vẫn tồn đọng, thậm chí rất lâu sau khi nó đã được chứng minh là sai.
Vào tận những năm sau đó như năm 1923, thổ dân Aborigine của Úc vẫn bị mô tả là “một chủng tộc vô cùng nguyên sơ của nhân loại”.
Không quá nguyên sơ
Khuôn mẫu phổ biến trong thời đại của Elkin là nền văn hóa thổ dân Aborigine rất nguyên sơ, và những người thổ dân không có khả năng nói về bất cứ điều gì hữu ích trong cách thức trồng trọt, hoặc định hướng.
Vì vậy nhà nhân chủng học có lẽ đã nghiên cứu thổ dân Aborigine như là các đối ượng, theo cái cách mà một nhà sinh học nghiên cứu côn trùng dưới kính hiển vi, và sẽ chẳng khám phá được gì từ chính những người thổ dân này.
Thậm chí cho tới ngày hôm nay, cái khuôn mẫu này vẫn tồn tại. Theo kinh nghiệm của tôi, thì những người Úc da trắng có trình độ, những người đã rất cố gắng để có được tư tưởng khôn ngoan và đúng đắn, thường vẫn rất khó để thoát ra khỏi cái ấn tượng đã ăn sâu từ khi còn bé về hình ảnh “nguyên sơ” của thổ dân Aborigine.
Chúng ta phải khắc phục được sự cố chấp trong suy nghĩ đã hạn chế chúng ta trong cái khung tri thức cũ xưa đó, và đã ngăn chúng ta nhận thức đúng đắn về sự đóng góp to lớn của nền văn hóa thổ dân Aborigine vốn có thể giúp chúng ta hiểu biết hơn về thế giới xung quanh, và cũng góp phần vào những nỗ lực của chúng ta trong việc kiểm soát thế giới này.
Như Thomas Kuhn đã từng nói:
[…] khi khuôn mẫu của chúng ta thay đổi, thế giới xung quanh tự nó sẽ thay đổi theo.
Vẫn cần học tập
Trong những năm gần đây, ai cũng đã hiểu khá rõ ràng rằng thổ dân Aborigine truyền thống biết khá nhiều về bầu trời, về chuyển động tuần hoàn của các vì sao và về sự vận động phức tạp của mặt trăng, mặt trời và các hành tinh.
Thậm chí người ta đã phát hiện được một kiểu Vòng Tròn Đá Của Thổ Dân Aborigine (Aborihinal Stonehenge), hướng thẳng về phía mặt trời lặn vào ngày hạ chí và ngày đông chí. Và tôi ngờ rằng đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng kiến thức thiên văn của thổ dân Aborigine.
Vì vậy trong cuộc tranh luận rằng có nên hay không nên đưa các quan điểm của thổ dân Aborigine vào chương trình giảng dạy cho các em học sinh, tôi lý luận rằng trẻ em học khoa học ngày nay cũng có thể học được rất nhiều từ cái cách mà thổ dân Aborigine nguyên thủy sử dụng khả năng quan sát của họ để xây dựng hình ảnh về thế giới xung quanh.
Cái “khoa học sắc tộc” này cũng tương tự như khoa học hiện đại trên rất nhiều phương diện, nhưng nó được biểu đạt theo ngôn từ văn hóa chừng mực, mà không cần đến máy gia tốc hạt hay mấy chiếc kính viễn vọng xa xỉ.
Vì vậy nếu bạn muốn hiểu về giá trị cốt lõi trong cách thức mà khoa học vận hành, cách thức mà mọi người học cách giải quyết vấn đề trên thực tiễn, câu trả lời có thể sẽ rõ ràng hơn ở trong một cộng đồng thổ dân Aborigine thay vì ở bên trong một căn phòng thí nghiệm công nghệ cao.
Ray Norris không làm việc cho, tư vấn cho, hoặc sở hữu cổ phần hoặc nhận được nguồn quỹ từ bất kỳ công ty hay tổ chức mà có thể hưởng lợi từ bài viết này, và cũng không có các chi nhánh đoàn thể liên quan.
Bài viết này được đăng bản gốc trên trang The Conversation. đọc bản gốc ở đây.
Theo Vietdaikynguyen