Một cuộc tấn công bằng khí độc xảy ra tại phía Tây Bắc tỉnh Idlib, Syria khiến ít nhất 58 người, trong đó có 11 trẻ em thiệt mạng.
Theo Reuters, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria (SOHR) xác nhận, ngày 4/4 các máy bay chiến đấu đã tấn công nhằm vào thị trấn Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib, Syria khiến 58 người thiệt mạng. Các nạn nhân chết do tác động của khí độc, nhiều dân thường đã ngạt thở, ngất xỉu và trào bọt miệng.
Một nạn nhân phải sử dụng bình dưỡng khí, sau cuộc tấn công bằng khí độc nhằm vào thị trấn Khan Sheikhoun, thuộc tỉnh Idlib. |
“Vụ tấn công xảy ra lúc 6 giờ 30 phút sáng (theo giờ địa phương) nhằm vào thị trấn Khan Sheikhoun. Vụ tấn công đã giết chết hơn 50 người và làm 300 người bị thương”, Mounzer Khalil, người đứng đầu cơ quan y tế tỉnh Idlib cho biết. Ông Khalil nói thêm, hàng chục người đã gặp các vấn đề về hô hấp và các triệu chứng khác. Các bệnh viện Syria đang quá tải trước quy mô của cuộc tấn công.
Theo SOHR, tổ chức chuyên theo dõi tình hình Syria có trụ sở tại Anh, các máy bay phản lực của quân đội Syria được cho là đã thực hiện vụ tấn công. Song, các nguồn tin quân sự Syria phủ nhận mạnh mẽ cáo buộc này.
Có tới 11 trẻ em thiệt mạng trong vụ tấn công này. |
“Quân đội Syria không hề tàng trữ các vũ khí hóa học và càng không bao giờ sử dụng chúng”, nguồn tin khẳng định.
Hiện chưa thể xác định phía nào đã tiến hành vụ không kích nói trên. Phần lớn tỉnh Idlib nằm dưới quyền kiểm soát của một liên minh quân nổi dậy bao gồm nhóm Fateh al-Sham từng là thành viên mạng lưới al-Qaeda. Nơi đây thường xuyên là mục tiêu không kích của quân đội Syria, các máy bay Nga và cả liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Xem thêm >>> Mỹ ‘phủ đầu đòn thương mại’ trước cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình?
Trong một tuyên bố đưa ra sau vụ tấn công khí độc ở Khan Sheikhoun, tổ chức đối lập Liên minh Dân tộc Syria đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra vụ việc mà họ cáo buộc do chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad gây ra.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cần tiến hành họp khẩn về vụ tấn công này. “Cuộc tấn công vũ khí hóa học mới xảy ra thực sự nghiêm trọng. Pháp kịch liệt lên án hành động này”, Ngoại trưởng Pháp tuyên bố.
Vụ tấn công ngày 4/4 được cho là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tàn độc nhất ở Syria kể từ vụ tấn công bằng khí Sarin khiến hàng trăm dân thường ở Ghouta thiệt mạng hồi tháng 5/2013.
Theo Reuters, Chính phủ Syria đã gia nhập Công ước năm 1997 về cấm vũ khí hóa học và đã chuyển giao kho vũ khí hóa học của nước này hồi năm 2013, trong khuôn khổ một thỏa thuận nhằm tránh hành động quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, chính phủ Syria liên tục bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công nhằm vào phe nổi dậy ở Syria.
Xem thêm >>> Cựu cố vấn an ninh Mỹ quyết không tiết lộ các khoản thu nhập từ Nga
Phương Anh
2017-04-04 17:56:13