ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: phannguyenkhanhdan
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
8 CHIẾN LƯỢC được Người Thành Công tin dùng để ứng xử với những “Kẻ Khó Ưa”
Tuesday, March 28, 2017 10:42
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Làm thế nào để xử lý đồng nghiệp ganh ghét và những kẻ thích “đâm bị thóc, chọc bị gạo” mà vẫn bảo toàn được uy tín và hình ảnh bản thân?

*Nguồn bài viết gốc: Business Insider
*Dịch giả: ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Không sớm thì muộn, sẽ có những thời điểm trong cuộc sống chúng ta buộc lòng phải gặp gỡ và làm việc với những kẻ khó ưa hoặc những người không phù hợp với tính cách của mình. Những người khó ưa đó có thể là cộng sự, đồng nghiệp ở cơ quan, hay thậm chí là… mẹ chồng của bạn, hiện hữu trong chính gia đình bạn.

Theo chuyên gia marketing Deep Patel, để có thể ứng xử thành công với những người khó ưa, chúng ta cần nhớ rằng trên đời này không ai là hoàn hảo – bao gồm chính chúng ta. Trong một bài viết đăng trên Entreptreneur.com, Patel chia sẻ cho chúng ta vài chiến lược được ưa dùng bởi người thành công để giao tiếp với những người không hợp tính với mình. Lưu ý chung để áp dụng các chiến lược này: Cuộc sống không thiếu những khi bạn không có quyền lựa chọn loại người sẽ đồng hành cùng mình trong công việc hay một dự án nào đó. Hầu hết chúng ta không thể trốn tránh trách nhiệm tương tác với vài người mình không thích, và chúng ta cũng không nên làm thế. Nếu bạn kén cá chọn canh với những người mình sẽ hợp tác, bạn đang tự giới hạn khả năng thành công của chính mình – theo Patel.

Thay vì đóng cửa mọi cơ hội đến với mình, hãy học cách thích nghi với những kẻ khó ưa và làm cho họ hữu dụng với mình – Đây chính là lựa chọn của những người thành công trên thương trường. Sau đây là 8 chiến lược của người thành công trong việc giao tiếp với những “kẻ khó ưa” được Business Insider tổng hợp từ chuyên gia Deep Patel và nhiều nguồn khác:

  1. Chấp nhận thực tế rằng mình không thể làm hài lòng tất cả mọi người:

Nhiều người trong chúng ta hy vọng rằng thế giới xung quanh mình là một nơi hoàn toàn đáng yêu, bao gồm cả những con người trong đó – rất tiếc, đây không phải là hiện thực!

Theo Patel, nguyên tắc đầu tiên giúp bạn ứng xử hiệu quả với những người mình không thích chính là thay đổi ngay từ trong tư duy của mình: Rằng việc mình kết giao được với người này nhưng lại không thể thân thiết với người khác là một điều bình thường của cuộc sống. Việc bạn và người nào đó không thể chơi thân với nhau không có nghĩa là bạn không tốt, cũng chẳng phải do họ xấu.

Theo tiến sĩ tâm lý Susan Krauss, bạn và người kia chỉ đơn giản không hợp nhau. Còn theo chuyên gia tư vấn Beverly D. Flaxington, nguyên nhân của sự không hợp nhau có thể đến từ sự khác biệt về phong cách hành xử của hai người. Một số người thích “ăn to nói lớn” và giữ thế đàn áp trong cuộc giao tiếp, vài người khác nhút nhát hoặc có xu hướng khiêm nhường hơn. Một số người sống theo chủ nghĩa lạc quan và nhìn đời bằng lăng kính màu hồng, vài người khác yêu cầu tính thực tế trong mọi việc.

Theo một nghiên cứu của Hamstra và các cộng sự về khái niệm “sự hòa hợp được điều chỉnh”, con người có xu hướng dành nhiều thời gian và tâm huyết hơn cho những điều mình thích. Do vậy, khi chúng ta không ưa ai đó, chúng ta cũng đồng thời không dành thời gian tìm hiểu và giao tiếp với họ, và không nỗ lực củng cố mối quan hệ với họ. Theo thời gian, chính sự hờ hững này gây ra những sự hiểu lầm và mâu thuẫn không đáng có.

  1. Chấp nhận sự thật rằng những kẻ khó ưa không hành xử giống mình:

Theo tiến sĩ Krauss, cuộc sống sẽ dễ thở hơn khi bạn nhìn nhận và tôn trọng sự khác biệt trong cách hành xử của mỗi người. Việc mẹ chồng của bạn dùng những lời lẽ khó nghe đối với bạn không có nghĩa là bà ấy thực sự có ý đó, và việc những người đồng nghiệp nhỏ to những điều không hay về bạn không có nghĩa là họ đang thực sự muốn hạ thấp bạn.

Kể cả khi những kẻ đó quả thực đang âm mưu gây thiệt hại cho bạn, việc nổi nóng với họ chẳng những không giúp bạn giải quyết vấn đề, mà còn là tổn hại hình ảnh của chính bạn. Thay vào đó, hãy tập trung làm tốt việc của bạn, và tôn trọng cách hành xử khác biệt của những người xung quanh!

  1. Quản lý cảm xúc của bản thân mình

Người thành công biết rõ tầm quan trọng của những cảm xúc của bản thân mình. Bạn không thể thay đổi được cách hành xử của người khác, nhưng bạn có toàn quyền làm chủ những cảm xúc và cách hành xử của bản thân với mọi việc xung quanh mình. Người khác chỉ có thể khiến bạn nóng giận và trở nên xấu xí khi và chỉ khi chính bạn cho phép những phản ứng đó xảy ra. Do vậy, đừng để bản thân mình bị chi phối bởi những cảm xúc bốc đồng mà phản ứng thiếu suy nghĩ!

Nếu một kẻ khó ưa nào đó đang cố gắng chọc tức bạn để hạ thấp hình ảnh hoặc danh dự của bạn, hãy nhận diện những cảm xúc khó chịu trong lòng mình rồi để chúng qua đi mà không cần phải ăn miếng trả miếng với đối phương. Đôi khi chỉ cần một nụ cười hay một cái gật đầu nhẹ nhàng là đủ để bạn giải quyết tình huống.

Theo Patel, chìa khóa để giao tiếp hiệu quả với mọi loại người khác nhau chính là tôn trọng tất cả họ với mức độ công bằng như nhau. Điều này không có nghĩa là bạn phải đồng ý hay chiều theo mọi ý kiến của kẻ khó ưa. Dù hoàn cảnh thế nào, hãy luôn cư xử lịch thiệp và có văn hóa. Làm được điều này, bạn vừa giữ được lập trường của mình mà không phải ăn thua đủ với ai, và chính điều này sẽ giúp bạn luôn giữ được thể chủ động trong mọi tình huống và có được lợi thế thành công về lâu dài.

  1. Không phản ứng tiêu cực:

Hầu hết những sự bất đồng trong giao tiếp giữa con người với con người xuất phát từ sự hiểu lầm. Tuy vậy, nếu bạn thực sự không thể nhất trí với người kia, hãy cố gắng nhìn nhận sự việc từ góc độ của họ.

Tuyệt đối không tranh cãi gay gắt hay phản ứng tiêu cực một cách quá mức cần thiết, bởi lẽ điều này sẽ khiến người kia “tấn công” lại bạn, khiến cho “chuyện bé xé ra to”. Còn nếu người kia phản ứng gay gắt với bạn, hãy tập trung vào vấn đề cần giải quyết thay vì bị phân tán bởi phản ứng của họ. “Hãy tập trung vào thông tin và vấn đề cần giải quyết, – Patel nhấn mạnh – “chứ không phải con người!”

Nếu bạn cảm thấy cần được yên tĩnh, hãy làm ngay. Bạn luôn có quyền được thiết lập giới hạn với các mối quan hệ của mình, có quyền được quyết định mức độ tương tác giữa bản thân mình và những người xung quanh. Hãy rời khỏi cuộc tranh luận một cách lịch sự và cho phép bản thân mình được thư giãn nếu cần! Tiến sĩ Travis Bradberry – chủ tịch của công ty tư vấn TalentSmart – giải thích điều này bằng một ví dụ minh họa dễ hiểu: Những kẻ khó ưa giống như những người vô tư hút thuốc lá bất chấp việc hành vi đó gây phiền hà đến những người xung quanh, bạn có định ngồi đó suốt buổi chỉ để “chịu trận” khói thuốc của họ? Chắc chắn là không rồi, bạn luôn có quyền được bảo vệ sức khỏe của chính mình, rời khỏi chỗ đó để tận hưởng không khí trong lành bên ngoài.

  1. Thể hiện cảm nhận của bản thân một cách bình tĩnh và xem xét việc mời đến người trung gian hòa giải:  

Dân gian có câu “Của cho không bằng cách cho.” Giao tiếp cũng tương tự, những gì chúng ta nói không quan trọng bằng cách thức chúng ta diễn đạt chúng. Nếu người nào đó vẫn bất chấp sự nhún nhường của bạn, liên tục kiếm chuyện làm phiền bạn để rồi dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn, đấy là lúc bạn phải lên tiếng.

Bạn không nhất thiết phải đối mặt với họ một cách hung hãn. Chuyên gia Patel đề xuất bạn nhấn mạnh đại từ “Tôi” một cách rõ ràng và quyết đoán: “Tôi cảm thấy rất phiền khi anh/chị làm như vậy, thay vào đó, tại sao anh/chị không…!”

Bạn trình bày càng rõ ràng và cụ thể, đối phương sẽ có xu hướng tiếp thu và hạn chế hành động chĩa mũi dùi về phía bạn. Trong vài trường hợp thuận lợi, họ sẽ chịu chia sẻ cho bạn biết vấn đề của họ cũng như lý do vì sao họ làm phiền bạn.

Theo tiến sĩ Krauss, chúng ta có thể đề xuất mời một người thứ ba làm công việc trung gian hòa giải để đảm bảo tính khách quan trong cuộc giao tiếp giữa mình và đối phương. Kể cả khi bạn và người khó ưa không thể trở thành bạn bè thân thiết, cả hai vẫn cần tìm ra những cách thức hiệu quả để làm việc và giao tiếp với nhau. Tiến sĩ Krauss nhấn mạnh rằng việc học cách ứng xử hiệu quả với những người khó chịu là một kinh nghiệm vô giá trong cuộc đời của mỗi người, bởi nó sẽ giúp bạn nâng cao khả năng vượt khó và sự kiên gan bền chí – những phẩm chất quan trọng hàng đầu của người thành công.

  1. Đừng lãng phí thời gian cho những kẻ không tôn trọng mình:

Đôi khi giải pháp tốt nhất chính là cho qua. Chúng ta không cần phải lãng phí thời gian và tâm sức cho những chuyện không đáng. Hãy tự hỏi bản thân mình rằng vấn đề có đáng phải làm ầm ĩ lên như kẻ kia muốn, hay chuyện sẽ tốt hơn nếu mình cho qua và tiếp tục tập trung làm tốt việc của mình.

Theo chuyên gia Patel, cách tốt nhất để trả lời câu hỏi trên chính là xác định xem đây chỉ là vấn đề ngắn hạn, hay nó sẽ còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác? Nếu vấn đề có nguy cơ tiếp diễn hoặc tái diễn, chúng ta nên chấp nhận dành thêm chút thời gian và công sức để giải quyết nó một cách thuận tiện nhất có thể.

  1. Im lặng không phải lúc nào cũng là vàng!

Nếu một kẻ khó ưa nào đó liên tục soi mói những khuyết điểm của bạn và gây sự với bạn, đừng “cắn” lại họ. Ăn miếng trả miếng ngay lập tức là phương án tồi tệ nhất mà chúng ta có thể làm lúc đó. Nếu bạn làm thế, nhiều khả năng đối phương sẽ còn hung hãn hoặc hả hê hơn, bởi đó có thể chính là điều họ muốn: hạ thấp giá trị của bạn, làm cho bạn mất hình tượng và trở nên xấu xí trước mắt người khác. Thay vào đó, chuyên gia Patel đề xuất bạn nên đối mặt với họ, biến họ thành nhân vật chính của cuộc giao tiếp bằng cách hỏi họ những câu hỏi dứt khoát, chẳng hạn như họ thực sự muốn gì và lý do vì sao họ cứ làm phiền bạn như thế.

Nếu họ ức hiếp bạn, yêu cầu họ ra mặt nói chuyện một cách bình tĩnh và thẳng thắn. Nếu họ muốn bạn tôn trọng họ hơn, chính họ phải tự tìm lấy sự tôn trọng bằng cách cư xử lịch sự và có văn hóa với bạn. Theo tiến sĩ khoa học thần kinh Berit Brogaard, những sự ức hiếp, đàm tiếu và thị phi nơi công sở kỳ thực là những hình thức khác nhau của trò chơi vương quyền mà trong đó, kẻ tung tin sử dụng sức ép của đám đông hoặc dư luận để buộc nạn nhân phải hạ mình “biết điều” hơn và không còn đe dọa quyền lực hay vị thế của họ.

  1. Cuối cùng, hãy nhớ rằng Bạn chính là người duy nhất có quyền quyết định Hạnh Phúc của mình!

Nếu người khác liên tục “đâm bị thóc, chọc bị gạo” vào tâm trí chúng ta, quả thực chúng ta khó lòng nhìn thấy được bức tranh tổng thể của vấn đề. Tuy vậy, hãy nhớ rằng bạn luôn có toàn quyền quyết định với thành công và hạnh phúc của bản thân mình – bao gồm cả việc “cấm cửa” những kẻ không đáng muốn xen vào cuộc sống của bạn.

Nếu vài lời gièm pha của họ tác động đến tâm trí của bạn, hãy tự hỏi bản thân vì sao như vậy. Bạn có đang quá lý trí, hay quá lo lắng về vấn đề nào đó trong công việc? Hãy tập trung chăm sóc bản thân thay vì lãng phí thời gian nghe ngóng những thị phi “độc mồm độc miệng” của thiên hạ.

Bạn là người chủ tối cao của chính mình, và bạn có toàn quyền quyết định những cảm xúc buồn vui của bản thân. Không một ai có thể làm bạn buồn hay thất vọng nếu bạn không cho phép điều đó xảy ra. Thế nên, ngừng ngay việc so sánh bản thân mình với người khác. Thay vào đó, hãy tự tin vào những phẩm chất và thành tựu của bản thân mình, và tuyệt đối không cho phép ai đó bỗng dưng nắm quyền kiểm soát cuộc sống của mình chỉ vì vài lời thị phi vô căn cứ!

.

~ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế (Master of International Business)
Giám đốc công ty phát hành sách Con Đường Tri Thức
Website: http://conduongtrithuc2015.wordpress.com

.

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.