Triển vọng hợp tác chiến lược Mỹ-Nga có thể sớm đổ vỡ khi Nhà Trắng vừa lên án việc bắt giữ người biểu tình ở Moscow.
Những kỳ vọng rằng mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ sẽ trở nên thân thiện hơn khi ông Donald Trump đắc cử đang dần tan biến bởi Washington tiếp tục gửi đi những tín hiệu khắc nghiệt tới Moscow. Triển vọng cho một liên minh chiến lược giữa hai nước đang suy yếu dần, cây bút chuyên về quan hệ quốc tế Michael Crowley của tờ Politico nhận định.
Chính quyền Trump lần đầu tiên đưa ra thông điệp chỉ trích cứng rắn tới Moscow. |
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer mở đầu cuộc họp báo sáng thứ Hai bằng một tuyên bố, Mỹ “mạnh mẽ lên án” việc bắt giữ hàng trăm người biểu tình trái phép, bao gồm thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny của Moscow hồi cuối tuần vừa qua. Vụ bắt giữ diễn ra sau khi hàng nghìn người xuống đường tuần hành phản đối chính phủ và yêu cầu Thủ tướng Dmitry Medvedev từ chức.
Tuyên bố này được cho là có ngôn từ cứng rắn nhất từ trước đến nay mà Nhà Trắng gửi đến điện Kremlin.
Giới truyền thông mô tả, điều này đã làm các nhóm phản đối sự gần gũi Nga-Mỹ ngạc nhiên, bởi trước đó họ luôn tâm niệm rằng Tổng thống Trump sẽ tránh việc chỉ trích Nga.
Hơn nữa, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần cam kết sẽ nỗ lực cải thiện mối quan hệ hữu nghị Mỹ-Nga.
Hơn nữa, sự nhiệt tình của ông chủ Nhà Trắng đã lắng xuống trong một vài tuần gần đây khi các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử bắt đầu được tiến hành kỹ lưỡng hơn.
Nhưng theo Politico, vẫn chưa rõ rằng liệu tuyên bố này có phản ánh đúng chính sách của Mỹ sắp tới hay không. Bởi trên thực tế, các vị trí chuyên trách vấn đề Nga tại bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc vẫn chưa được hoàn thiện. Một quan chức của Nhà Trắng cho biết, người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia phụ trách các vấn đề về Nga – Fiona Hill – vẫn chưa sẵn sàng cho công việc của mình.
Trong khi đó, Điện Kremlin trong những tuần gần đây cũng không thiếu những lời phàn nàn dành cho chính quyền Trump. Moscow cũng đã cảnh báo về những bước đi của Washington đang gây ra những bất lợi đối với Nga.
Phía Nga cũng không hài lòng trước những quyết định gần đây từ Washington. |
Hôm 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng trước lệnh trừng phạt mới của chính quyền Trump đối với 8 công ty Nga. Trong một tuyên bố đăng trên Facebook, phát ngôn viên Maria Zakharova cho biết, Moscow cảm thấy “hoang mang và lo ngại” với động thái đến từ Mỹ.
Bà Zakharova cho biết, hành động của Mỹ “làm suy yếu triển vọng thành lập cơ chế hợp tác đa phương toàn diện” giữa hai nước trong nỗ lực chống khủng bố. Zakharova viết: “Washington một lần nữa có những bước đi phá vỡ sự hòa hợp trong quan hệ với Nga – điều vốn được coi là ưu tiên hàng đầu của họ”.
Và ngay trước khi ông Spicer phát biểu hôm thứ Hai, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết, một cuộc không kích của Mỹ vào ngày 17/3 đã giết chết khoảng 200 thường dân ở thành phố Mosul của Iraq.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, ông “giật mình” trước bản báo cáo này và cho biết Moscow đã yêu cầu một cuộc họp đặc biệt tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Ông Lavrov cũng hàm ý rằng cuộc tấn công chung của Mỹ và Iraq nhằm giải phóng Mosul khỏi IS tàn bạo hơn rất nhiều so với những gì mà truyền thông phương Tây mô tả về chiến dịch quân sự của Nga và Syria tại Aleppo.
Ông Lavrov nói: “Chúng tôi đã theo dõi hoạt động giải phóng Mosul kể từ khi bắt đầu, bởi vì chúng tôi nhớ đến lời một số đồng nghiệp phương Tây chỉ trích chúng tôi trong suốt thời gian hoạt động ở miền Đông Aleppo”.
Andrew Weiss, cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, chuyên gia từ viện hòa bình quốc tế Carnegie Endowment cho biết: “Chẳng có ai trong Lầu Năm Góc cảm thấy thoải mái khi người Nga thuyết giảng về những gì đã xảy ra ở Mosul”. Do đó, trạng thái quan hệ Nga-Mỹ đang nồng ấm có nguy cơ nguội lạnh trở lại.
Các quan chức tình báo Mỹ đã liên tục cáo buộc Tổng thống Putin can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 như một cách để trả đũa cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đã ủng hộ công khai những cuộc biểu tình chính trị chống lại ông trong năm 2011.
Một cuộc điều tra về cáo buộc đang được tiến hành trong khi chính quyền Trump nhiều lần phản đối những liên hệ mờ ám có liên quan giữa cộng sự của ông với chính phủ Nga.
Trong lịch trình mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tới Brussels vào cuối tuần này để tham dự cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao của NATO, trong đó Nga chắc chắn sẽ là một chủ đề chính.
Dự kiến tháng sau, ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ chính thức đến thăm Moscow, chuyến công du được cho là tâm điểm chú ý trong quan hệ hai nước trong giai đoạn đầu của “kỷ nguyên” Donald Trump.
Đọc thêm>>> Tiết lộ lý do con rể TT Trump sắp bị Thượng viện Mỹ chất vấn
Quốc Vinh
2017-03-28 03:32:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tuan-trang-mat-cua-tong-thong-trump-va-ong-putin-da-ket-thuc-a320082.html