THÁNG BA NHỚ BẠN
Hoàng Kim
Mận chín trĩu cành chờ tay hái
Tháng Ba lộc muộn, mận hồi xuân
Đất duyên, trời cảm, cây thêm quả
Mừng bạn về thăm ngọt trái cầm.
Tháng ba nhớ bạn; Mai chiếu thủy; Nhà tôi có chim về làm tổ; Ngày hạnh phúc và 18 cái lông chim là chùm thơ văn của những người bạn và chuyện vui chép lại. Hoàng Kim.
Lâm Cúc
Có nhiều loài cây có sức sống mãnh liệt và có thái độ “ứng xử đầy khí phách” khi vượt qua cay nghiệt, khiến tôi kinh ngạc, thần phục quá đổi. Loài hoa mai chiếu thủy là một trong những loại cây này.
Trong mùa mưa, có một số ngày tôi bận gì đó không ra vườn. Một hôm, tôi phát hiện cây mai chiếu thủy héo rũ. Đụng vào thân cây, lá vàng rơi lả tả. Đầu cành, không còn một ngọn non nào. Nhìn xuống gốc, chậu cây ngập nước, bộ rễ cây đã bị úng, thúi … Cây sắp chết.
Tôi nhổ cây ra khỏi chậu. Toàn bộ rễ non bốc mùi. Tôi cắt bỏ tất cả những phần rễ hư hại, cắt bỏ bớt cành. Sau đó đem cây để vào chỗ râm mát. 5 ngày sau, tôi trồng cây trở lại vào một chậu đất mới đầy mùn tơi xốp, lòng ái ngại khuôn nguôi. Vô ý quá làm chết một cây hoa quí! Tôi nghĩ ngợi và buồn.
Không thể tin được, hơn một tháng sau khi trồng lại, cây trổ hàng loạt ngọn mới chi chít trên mỗi cành. Từ mỗi ngọn mới nở đầy hoa trắng, thơm ngào ngạt.
Thoát chết, cây đã sống với một sức sống mới. Một sức sống khởi quật phi thường đi cùng với vạn nụ cười tươi roi rói trên cành. Mỗi bông hoa giờ đây nhưng một chiến binh nhỏ bé, kiêu hãnh, trang bị cho mình loại vũ khí tinh nhuệ hiếm thấy, đó là một hương thơm ngất ngây, quí phái có thể thách thức và hạ gục bất kỳ đối thủ nào.
Ngày hôm qua của cây, không còn chút dấu vết gì. Tại sao phải mang dấu ấn của những gì đã thuộc về quá khứ, đã qua đi?
Một dạo, đi qua một rừng cây nhỏ vừa bị máy ủi khai phá vài hôm trước, tôi nhặt được những gốc mai chiều thủy đã khô lá, trầy xước xơ xác, phơi giữa nắng nóng. Đem về chăm, vài tháng sau từ những gốc ấy lại xanh tươi mơn mởn chồi non.
Trước tết, tôi hái hết lá một cây mai chiếu thủy. Năm nay, trời lạnh hơn năm trước, cây đứng im như chìm sâu vào giấc ngủ trong nhiều tháng. Nhìn cây, thấy lo âu…nhưng vẫn chăm chút mỗi ngày. Gần đây, cây bật chi chít mầm xanh, hoa lại trắng xóa những nụ cười thiên thần trong đêm đầy ánh trăng.
THÁNG BA
Lâm Cúc
Tháng ba
Núi vã mồ hôi
Hổn hà hổn hển
Cõng trời oằn lưng
Gió nóng như bầy ngựa rừng
Rùng rùng tung vó, hú lưng chừng đèo.
Nắng quạt lửa dọc đường chiều
Nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông.
THÁNG BA
Phan Chí Thắng
Tháng ba
Trưa chẳng tan sương
Gió xuyên áo kép
Con đường mờ xa
Lạnh như cắt thịt xẻo da
Như ai đã nỡ bỏ ta đi rồi
Mưa giăng mảnh lưới ngang trời
Ta là con cá mắc hoài niềm yêu
THÁNG BA
Kim Oanh
Tháng ba
Nắng òa mặt đất
Nắng lên môi cười
Thầy em, tủm tỉm gọi mời
U em, lúng liếng, tươi tươi, giòn giòn
Nửa đêm hổn hển đầu non
Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không
Mình ơi
Thuận vợ thuận chồng
Tháng Ba sau
Có con bồng he…he…
THÁNG BA
Trần Đăng Khoa
Sau làn mưa bụi tháng ba
Lá tre bỗng đỏ như là lửa thiêu
Nền trời rừng rực ráng treo
Tưởng như ngựa sắt sớm chiều vẫn bay
THÁNG BA
Nguyễn Thu Thủy
Tháng Ba mưa bụi nhạt nhòa
Dăng dăng nỗi nhớ vỡ òa câu thơ
Mùa xuân xanh biếc non tơ
Ngập ngừng gõ cửa, người ngơ ngẫn lòng
Thấy như ở đáy mắt trong
Long lanh giọt nhớ, giọt mong, giọt chờ
Thoáng buồn, thoáng giận vu vơ
Tháng Ba lặng lẽ câu thơ ướt rồi!
Em đi để lại mình tôi
Bâng khuâng cùng với đơn côi bạn bầy
Đi tìm hơi ấm đâu đây
Dáng hình em vẫn còn đầy quanh tôi
Bàn tay, ánh mắt, dáng ngồi
Nhớ em tôi lại bồi hồi …tháng Ba !
BỒI HỒI THÁNG BA
Bi Bo
Giọt chờ, giọt nhớ long lanh
Đọng trên nhánh lộc non xanh xuân lòng
Thoáng hờn ở đáy mắt trong
Thoáng buồn lặng lẽ, người mong chưa về
Đơn côi tia nắng sang hè
Câu thơ thấm ướt, gió se se vần
Chập chờn hơi ấm thương thân,
Bóng hình anh vẫn rất gần đấy thôi
Bàn tay, ánh mắt , dáng ngồi
Bâng khuâng chợt tỉnh … bồi hồi tháng Ba
THÁNG BA
Lê An Tôn
mỏng mảnh đêm chừng qua vội
thời gian cũng chợt vỡ òa
tháng ba dùng dằng như thể
giữ dùm ai đó màu hoa.
tháng ba trời như xuống thấp
ngẩn ngơ mây trắng trên đầu
se se gió mùa đông bắc
ngập ngừng một chút hương cau.
tháng ba khoét sâu vào anh
vết đau một thời trai trẻ
ba hai năm rồi có lẽ
tư cơn sóng dậy đất bằng!
tháng ba tháng ba tháng ba
em đã mãi hoài xa lắc…
THÁNG BA CỦA EM
Nguyễn Thị Kim Liên
Tháng Ba của em là tấm gương soi
Ánh mắt mình lóng lánh
Tháng Ba bất ngờ trở lạnh
Em Nàng Bân trong ký ức của anh.
Trời bất chợt xám, bất chợt trong xanh
Em bất thần thấy mình đang đắm đuối.
Tháng Ba ơi, xin đừng lìa xa vội
Đã có gì đâu! Đã nói gì đâu!
Sao mỗi lần không được bên nhau
Sông Ngân Hà xa xôi, Vàm Cỏ Đông gần lắm
Con chim sáo sang sông, xổ lồng sáo tắm
Sông tháng Ba hồng thắm một lời mời.
Những Tháng Ba đã để lại trong đời,
Mùa hoan lạc, hoa đậu thành trái cấm
Em đợi anh, trao một lần áo ấm
Em Nàng Bân trong ký ức anh.
THÁNG BA
Nhược Mộng
Tháng ba
Xuân chửa kịp qua
Mai vàng nán lại
Hiên nhà tỏa hương
Gió mang chút nắng vấn vương
Rủ chim giục giã gọi thương nhớ về
Đành lòng dập tắt đam mê
Giữ tâm thanh tịnh nẻo quê thanh nhàn.
Tháng Ba (Hoa Nắng)
Cuối Tháng Ba (Nguyễn Bính)
Đường Tháng Ba (Đỗ Hồng)
Gửi chị Tháng Ba (Bình Nguyên Trang)
Khúc Tháng Ba (Phạm Ngọc)
Nỗi Niềm Tháng Ba (Bình Nguyên Trang)
“Tháng Ba cuốc đã gọi hè.
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”
Nguyễn Du
THÁNG BA, THƠ CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN
Trọng Toàn
HOCMOINGAY. Thơ là khoảng khắc, là cái chớp mắt của cảm xúc, nó như một ánh chớp từ trái tim mình. Thơ vì thế rất dễ làm mà cũng rất mộng mị,làm mãi không xong. Một câu thơ có khi viết cả đời không được. Nhưng một bài thơ hay có khi vụt sáng trên trang giấy chỉ trong khoảnh khắc. Cả ba bài thơ tháng Ba này là ba ánh chớp: không chuẩn bị, không toàn tính, không cố ý, không chứng tỏ, thơ vụt ra hồn nhiên, bắt đầu từ sự vỡ òa cảm xúc một cây bút thông minh nhưng đau đời là Lâm Cúc, chuyển sang bài thơ khiêm nhường như là sự sẻ chia với người bạn mình ơi nơi xa lắm của Phan Chí Thắng, rồi cuối cùng là bài của Hoa Lục Bình như cách để kéo hai người bạn kia lại, vào bàn cà phê, nói đi chuyện khác, quên đi niềm yêu, niềm đau cho bạn vui.Thế thôi mà thành thơ hay cả ba bài… Thiếu một trong ba bài, hẳn không trọn vẹn cho chúng ta đọc hôm nay. Thơ như thế, thì ngoài đời, tình bạn của họ chắc chắn khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.(Lời bình của Nguyễn Quang Vinh)
Có lẽ hiếm gặp trường hợp ba người bạn làm ba bài thơ dưới cùng một tên gọi “Tháng ba” với ba tâm trạng, ba lối tiếp cận chủ đề khác nhau, và bài nào cũng hay, cũng đặc sắc.
Xin cảm ơn ba tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ở một đất nước có nhiều vùng khí hậu như Việt nam, khi ở Tây Nguyên tháng ba đang là “mùa con ong đi lấy mật”, thì ở đồng bằng Bắc Bộ “tháng ba bà già chết cóng”. Còn ở Nam Bộ tháng ba là tháng nóng nực gần cuối mùa khô. Cái khác biệt về khí hậu được Lâm Cúc, Phan Chí Thắng và Kim Oanh mượn để nói lên ba tâm trạng khác nhau.
Nhà thơ Lâm Cúc làm bài thơ Tháng Ba:
Tháng ba
Núi vã mồ hôi
Hổn hà hổn hển
Cõng trời oằn lưng
Gió nóng như bầy ngựa rừng
Rùng rùng tung vó, hú lưng chừng đèo.
Nắng quạt lửa dọc đường chiều
Nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông.
Đọc bài Tháng Ba của Lâm Cúc, Phan Chí Thắng ngẫu hứng làm một bài Tháng Ba khác, với cấu trúc giống như bài của Lâm Cúc gồm ba câu lục bát, câu đầu bị bẻ vụn thành thể thơ tự do; ý định ban đầu chỉ là hoạ với bạn cho vui:
Tháng ba
Trưa chẳng tan sương
Gió xuyên áo kép
Con đường mờ xa
Lạnh như cắt thịt xẻo da
Như ai đã nỡ bỏ ta đi rồi
Mưa giăng mảnh lưới ngang trời
Ta là con cá mắc hoài niềm yêu
Kim Oanh, người không hay làm thơ, thấy vậy cũng tham gia viết một bài Tháng Ba theo cách riêng của mình:
Tháng ba
Nắng òa mặt đất
Nắng lên môi cười
Thầy em, tủm tỉm gọi mời
U em, lúng liếng, tươi tươi, giòn giòn
Nửa đêm hổn hển đầu non
Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không
Mình ơi
Thuận vợ thuận chồng
Tháng Ba sau
Có con bồng he…he…
Cái nắng nóng kinh người được nhà thơ nữ Lâm Cúc tả chân độc đáo một cách nghiệt ngã “Núi vã mồ hôi, hổn hà hổn hển cõng trời oằn lưng” nhưng lại khoáng đạt rất nam nhi “Gió nóng như bầy ngựa rừng”, để rồi cuối cùng vẫn quay trở lại làm người phụ nữ chua xót nhận thức một thực tế tàn nhẫn: người nghèo chỉ có tài sản duy nhất là giấc mơ mà tài sản đó cũng đã bị cái nắng kia làm cho khô cong đi. Tả nắng nóng đến như thế thì thật là tài!
Bài thơ Tháng Ba cũng như nhiều bài thơ khác của Lâm Cúc thường dẫn người đọc đến cực trị của cảm xúc, những biên độ lớn của hình ảnh và sự bất mãn. Đọc xong ta thấy choáng váng, đau đớn, day dứt không nguôi (trích cảm nhận của Hoài Vân).
Như tự mình đã viết: “Xin phép nhà thơ Lâm Cúc cho tôi viết một bài Tháng Ba, lấy cái lạnh đối với cái nóng, cái buồn cụ thể đối với cái buồn mông lung…” Phan Chí Thắng lấy giấc mơ yêu thương bất tận để cố quên đi giấc mơ nghèo vô vọng trong thơ Lâm Cúc.
Tháng ba lạnh, sương giăng đầy làm cho con đường trở thành mờ xa giống như hình ảnh người yêu xa vời vợi. Đối nghịch với cái nóng ngoại cảnh có bầy ngựa rừng tung vó là cái lạnh nội tâm thầm kín:
Lạnh như cắt thịt xẻo da
Như ai đã nỡ bỏ ta đi rồi
Ta lạnh không hẳn vì trời lạnh, mà còn vì ta cô đơn, nhưng ta cô đơn kiêu hãnh:
Mưa giăng mảnh lưới ngang trời
Ta là con cá mắc hoài niềm yêu
Ta chấp nhận sự cô đơn, ta sung sướng vì ta được buồn, vì trong cái lạnh cắt da cắt thịt kia ta có được hơi ấm từ bên trong – sự nồng nàn của tình yêu, của hy vọng. Yêu được gọi là một niềm, giống như niềm tin, niềm hy vọng.
Bài thơ Tháng Ba của Phan Chí Thắng như một sự chia sẻ với Lâm Cúc – bạn mình và cũng như một lời nhắn với bạn hãy cố thoát ra khỏi nỗi tuyệt vọng dai dẳng.
Rất hiểu điều này, Kim Oanh làm một bài thơ Tháng Ba nữa để tham gia vào cuộc chơi đối thoại giữa hai nhà thơ với giọng tinh nghịch xưa nay của mình. Tháng Ba của Kim Oanh đầy nhựa sống:
Nắng òa mặt đất
Nắng lên môi cười
Khi nắng đã lên môi cười thì hai vợ chồng tất nhiên trở nên tình tứ hơn:
Thầy em, tủm tỉm gọi mời
U em, lúng liếng, tươi tươi, giòn giòn
Và thật bất ngờ, tác giả mạnh dạn dẫn người đọc đến một “sự kiện” thú vị không thể khác được trong cái tháng ba mùa con ong đi lấy mật đó:
Nửa đêm hổn hển đầu non
Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không
Diễn tả cái chuyện vợ chồng như thế thật là tài hoa, thật là khéo? Nửa đêm hổn hển, sáng ra cái áo tội nghiệp kia vẫn còn bị bỏ quên đâu đó. Chuyện khó nói đã được nói ra một cách tinh tế và thơ mộng, một vài hình ảnh đủ cho người đọc hình dung ra một đêm tháng ba ân ái của cặp vợ chồng trẻ. Cái hổn hển của đất trời trong thơ Lâm Cúc được Kim Oanh dùng lại trong một bối cảnh khác và tuy bị dùng lại, hai từ đó vẫn đắt giá như thường.
Kim Oanh khẳng định hạnh phúc cao quý, ước mơ to lớn nhất của người đàn bà là:
Mình ơi
Thuận vợ thuận chồng
Tháng Ba sau
Có con bồng he…he…
Bài thơ kết thúc bằng một tiếng cười đùa “he… he…” như muốn làm vui vẻ hoá cuộc đối đáp giữa hai bạn thơ Lâm Cúc – Phan Chí Thắng, tác giả đã cố tình nghịch ngợm một cách thông minh hóm hỉnh.
Ba người làm thơ đều nói về thời tiết. Nắng mưa không còn là chuyện của trời, nắng mưa chính là chuyện của thời tiết nội tâm con người.
Ở bài thơ thứ nhất, bạn đọc không tìm thấy nhân vật “tôi”, nhân vật đó xuất hiện ảo, nó là nỗi lòng của tác giả. Ở bài thứ hai, “Tôi” được xưng là “Ta”. Là chúng ta chứ không phải một người. Tác giả cho phép mình đại diện cho cảm xúc không của riêng ai. Riêng bài thơ thứ ba, tác giả không tham gia vào câu chuyện, mà để câu chuyện tự đến với bạn đọc. Ba bài thơ, ba cách nói khác nhau.
Từ một bài thơ dữ dội, trĩu nặng đau buồn của Lâm Cúc, chúng ta có thêm bài thơ sâu lắng dịu dàng yêu thương của Phan Chí Thắng và cả bài thơ cũng rất tài hoa của Kim Oanh khi chị khẳng định rằng hạnh phúc vĩnh hằng của người đàn bà là được yêu, được làm mẹ.
Có thể nói chùm ba bài thơ Tháng Ba rất hay này là một sự lạ và vui trong thơ văn blog.
MỘT SỐ CẢM NHẬN
Cảm nhận của Hoài Vân
Một bài bình rất tuyệt, Trọng Toàn đã làm chùm thơ tháng 3 này sáng lên lấp lánh!
Cảm nhận của Thành Chung
Đọc ba bài là thấy rõ đặc điểm tính cách của từng tác giả.
Lâm Cúc lúc nào cũng trăn trở, vật lộn với từng con chữ và dù có nói đến thiên nhiên, đến thời tiết thì vẫn quay về với sự nghiệt ngã của đời thường: “nướng cong cả giấc mơ nghèo, dòng sông”. Cần phải nói thêm, lời bình của Hoài Vân cũng làm cho bài thơ của Lâm Cúc lấp lánh hẳn lên.
Lão Hâm lại là người luôn đắm đuối với “YÊU”. Trong cái se lạnh của rét Nàng Bân, Lão thấy như mình bị bỏ lại. Lão tự nhận mình “là con cá mắc hoài niềm yêu”. Nếu có đem quẳng Lão vào giữa vùng “Gió nóng như bầy ngựa rừng” của Tánh Linh, chắc hẳn thơ của Lão cũng vẫn có những “con đường mờ xa” với những “mảnh lưới ngang trời”.
Kim Oanh vốn được biết đến là một cây bút tinh nghịch, hóm hỉnh và thông minh với những “chán nhau thì cưới”; “đánh rơi một ông chồng”…Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu ta gặp trong bài thơ Tháng Ba một Kim Oanh rất nồng nàn, đam mê, một Kim Oanh muốn đi đến tận cùng của “làm chồng làm vợ” mà vẫn rất “chân quê”: “Thầy em tủm tỉm” và “U em lúng liếng”. Chắc hẳn nhiều người sẽ muốn gặp Kim Oanh “Sáng ra áo kép vẫn còn bỏ không” và để nghe giọng cười “he he” của chị.
Tôi từng nói với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo khi anh ở thăm New York: Lâm Cúc, Hoài Vân, Kim Oanh là “bộ ba XE-PHÁO-MÔ.
(Bốn người bạn từ trái sang phải: Lâm Cúc, Kim Oanh, Hoài Vân, Bích Nga)
Cảm nhận của Nguyễn Quang Vinh
Hình như là đọc hơn năm lần. Vì cách đây một năm, Bọ chưa biết Blog là gì. Thế mà khi ấy, các chị Hoa Lục Bình, Lâm Cúc và anh Phan Chí Thắng đã mần tháng Ba.
Thơ- theo Bọ vốn là người rất thèm làm thơ mà không biết làm – Thơ là khoảng khắc, là cái chớp mắt của cảm xúc, nó như một ánh chớp từ trái tim mình. Thơ vì thế rất dễ làm mà cũng rất mộng mị,làm mãi không xong. Một câu thơ có khi viết cả đời không được.Nhưng một bài thơ hay có khi vụt sáng trên trang giấy chỉ trong khoảnh khắc.
Cả ba bài thơ tháng Ba này là ba ánh chớp: không chuẩn bị, không toàn tính, không cố ý, không chứng tỏ, thơ vụt ra hồn nhiên, bắt đầu từ sự vỡ òa cảm xúc một cây bút thông minh nhưng đau đời là Lâm Cúc, chuyển sang bài thơ khiêm nhường như là sự sẻ chia với người bạn mình ơi nơi xa lắm của Phan Chí Thắng, rồi cuối cùng là bài của Hoa Lục Bình như cách để kéo hai người bạn kia lại, vào bàn cà phê, nói đi chuyện khác, quên đi niềm yêu, niềm đau cho bạn vui.Thế thôi mà thành thơ hay cả ba bài.
Không ai có thể tuyên bố rằng, tớ đang chuẩn bị làm thơ hay đây như có người mới vào Blog đã vội tuyên bố rằng, các bác chuẩn bị cảm nhận nhé, cảm nhận từ từ thôi để em còn kịp trả lời. He he
Hoa Lục Bình, Lâm Cúc Phan Chí Thắng làm Tháng Ba là vì nghĩa bạn bè, là vì tiếp cho nhau một niềm an ủi, một sự sẻ chia, người xứ ấm thì gửi cho bạn ở xứ lạnh mấy câu thơ sưởi ấm. Người đang vui thì gửi cho bạn đang đau đời mấy câu thơ an ủi, cười xòa với nhau để cùng nhẹ lòng.Ba bài thơ lúc đầu chỉ đơn giản thế thôi, lấy cái nghĩa bạn, tình đời làm bệ phóng cho cảm xúc.Ba bài thơ khi ấy chỉ là riêng tư với nhau, quây quần chữ nghĩa với nhau, đốt chữ thành lửa, kéo người xa lại gần bên nhau mà tâm sự.
Nhưng ba bài thơ đã thành tài sản thơ của mọi người. Vì ngay cả người thù ghét, người đố kị, người nóng mặt nóng mũi với ba tác giả này thì trong thẳm sâu lương tri của họ, ý thức của họ, chút trí tuệ cuối cùng của họ vẫn phải thừa nhận là thơ hay.
Thơ hay không cần phiên dịch.Lâm Cúc làm thơ hay vì biết vận đời mình vào từng dấu phẩu. Thơ chị là cao đời, chắt ra từ cảm nhận, từ mồ hôi nước mắt của mình, từ cái áo đẹp chần chừ không dám mặc, đến cái chốt cửa buồng riêng hàng đêm mà vẫn khao khát thương yêu. Tháng ba của chị với chữ thơ hao gầy như đời chị, sắc nhọn, lấm lem bụi đời đã viết nên những câu thơ ép ngực người đọc.
Phan Chí Thắng bị tháng Ba của Lâm Cúc đôt cháy cảm xúc, thương bạn và nghĩ đến mình, làm thơ về tháng Ba nơi mình ở nhưng cũng là thông điệp gửi đến bạn, nếu khao khát sống, khát yêu nơi bạn bị cháy như tro than, như lửa ngút thì tôi ở ngoài nay, ôm mãi một niềm yêu nhớ, như dao cắt thịt xẻo da, như ai đã bỏ ta đi rồi. Chia sẻ thế để nói với bạn rằng, dù ở đâu, nắng hạ hay đông giá, niềm đau giống nhau, nỗi nhớ giống nhau, niềm yêu thương giống nhau và tình thương mến giống nhau. Thông điệp ấy là một thông điệp lớn.
Hai bài thơ như gửi nhau, chia sẻ nhau trên tình bạn thương mến ấy sẽ không có sự lấp lánh nếu không xuất hiện Tháng Ba của Hoa Lục Bình. Trong khi Phan Chí Thắng và Lâm Cúc vịn vào tháng Ba nơi mình đang sống để làm bật lên nỗi niềm của mình thì Hoa Lục Bình lại hồn nhiên miêu tả tháng Ba trong náo nhiệt của hạnh phúc với những câu thơ hóm hỉnh, tươi tắn và vô cùng thông minh. Những câu thơ rất hay.
Và nhờ tháng Ba của Hoa Lục Bình, Lâm Cúc và Phan Chí Thắng như có cái cầu vui để bước qua lại bên nhau, cầm lấy tay nhau trong cái tình người, tình bạn đáng quí trọng. Hoa Lục Bình dùng những câu thơ hóm hỉnh, sắc sảo và chan chứa hạnh phúc giăng ra thành một vầng sáng tươi, ấm áp, mát mẻ cho hai người bạn của mình.
Thiếu một trong ba bài, hẳn không trọn vẹn cho chúng ta đọc hôm nay. Thơ như thế, thì ngoài đời, tình bạn của họ chắc chắn khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.
NHÀ TÔI CÓ CHIM VỀ LÀM TỔ
Hoàng Kim
Thích quá đi.
Nhà tôi có chim về làm tổ
Cây bồ đề cuối vườn
Cò đêm về trắng xóa
Gốc me cho con
Xanh non màu lá
Ong đi rồi về
Sóc từng đàn nhởn nhơ.
Cây sơ ri ba mẹ trồng
Lúc con tuổi còn thơ
Nay như hai mâm xôi
Tròn đầy trước ngõ.
Cây mai Bác trồng
Bốn mùa hoa thương nhớ
Trúc xanh từ non thiêng Yên Tử
Trúc vàng ân nghĩa Đào Công
Em ơi!
Hôm nay trên cây lộc vừng
Chim phượng về làm tồ
Mẹ dạy con tập bay
Sao mà đẹp thế !
Đá vàng trao hậu thế
Người hiền noi tiếng thơm …
CHIM PHƯỢNG HOÀNG ĐẤT VƯỜN NHÀ TÔI
Hoàng Kim
Phượng hoàng đất là Chim trĩ ( Buceros bicornis) là loài chim quý hiếm, với các loại trĩ đỏ, trĩ xanh và trĩ đen. Trong dân gian nó được ẩn dụ với loài chim phượng hoàng cao quý rất hiếm thấy, một trong tứ linh (long , ly, quy phượng), mà nếu ai gặp được thì rất may mắn. Theo Truyền thuyết về chim phượng hoàng thì Phượng hoàng là biểu thị cho sự hòa hợp âm dương , biểu tượng của đức hạnh và vẻ đẹp duyên dáng, thanh nhã . Phượng Hoàng xuất hiện ở nơi nào thì nơi đó được mừng là đất lành, thịnh vượng, và điềm lành. Rồng và Phượng (hoàng) là biểu tượng cho hạnh phúc vợ chồng, hòa hợp âm dương và thường được trang trí, chúc phúc trong các đám cưới ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước châu Á. Theo Kim Anh nguồn VN Express thì Phượng hoàng đất ở Tràng An là loài Buceros bicornis, loài to nhất trong họ hồng hoàng, được phát hiện thấy tại một số khu rừng ở Tràng An Ninh Bình. Ở phương Nam, trong điều kiện đồng bằng tôi bất ngờ gặp loài chim trĩ lông xanh đen (ảnh minh họa) là loài nhỏ hơn nhưng vẫn rất đẹp và quý mà tôi chưa có điều kiện để tra cứu kỹ ở Sinh vật rừng Việt Nam.
Bạn vừa thưởng thức bài thơ: Nhà tôi có chim về làm tổ. Vườn nhà tôi có cặp chim trĩ về làm tổ sinh ra bầy chim trĩ con tuyệt đẹp. Những cây cao trong vườn có cò, chào mào, sáo sậu, yến, …và sóc về nhiều. Chim hót đủ giọng và sóc chuyền cành thật vui.
Tổ chim Trĩ (Phương Hoàng đất) trên cây lộc vừng trước cửa nhà tôi bị gió lớn hất xuống sân. Con chim Trĩ non mới nở được nhà tôi cho vào một chiếc rỗ con treo lên cây để chim bố mẹ hàng ngày có thể cho ăn. Tối đó đi Phú Yên về, tôi rọi đèn ra thăm, trăng 16 đã hơi muộn. Chim non cánh vẫn còn ngắn… Sáng nay, nghe tiếng líu ríu của bố mẹ, hai con chim Phượng sà xuống lần lượt cho con ăn và gù rất lạ như là khuyến khích con bay lên.
Nó đậu chắc trên cây mai và chịu mưa gió mạnh suốt đêm. Tôi lo lắng hai ba lần ra soi đèn vẫn thấy chim đậu chắc trên cây chịu mưa gió. Tôi bỗng nhớ lời Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: “Chim Hồng hộc bay được cao và xa là nhờ sáu cái trụ lông cánh, nếu không khác gì chim thường”.
NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC VÀ 18 LÔNG CHIM
Hoàng Kim
Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 là ngày được Liên Hợp quốc chọn tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại. Mục tiêu của sự tôn vinh này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn là ngày của hành động, nỗ lực nhiều hơn để đem lại hạnh phúc tốt hơn cho người người trên trái đất.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Vương quốc Bhutan là được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ XX, Bhutan là quốc gia đã ghi nhận vai trò của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia bằng việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội. Họ cho rằng nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới, và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc còn khởi nguồn từ nhu cầu về một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế cân bằng, hợp tình hợp lý hơn, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, xóa nghèo và phấn đấu vì hạnh phúc và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người và xuất phát từ nguyện vọng mỗi người hãy chọn cho mình một quan niệm đúng về hạnh phúc, quan tâm đến vấn đề cốt lõi nhất trong sự tồn tại là làm sao tìm được thật nhiều niềm vui trong cuộc sống, làm lan tỏa những điều tốt đẹp nhất trên khắp hành tinh xanh.
Ngày này được Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên hợp quốc từ vào ngày 28 tháng 6 năm 2012. Việc Liên hợp quốc chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc xuất phát từ nguyên nhân đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau và người ta cho đó là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ.[3] Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực từ đó ngày này được cho là sẽ truyền tải thông điệp rằng cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.[4]
Ban Ki-moon cũng tranh thủ nhân đó kêu gọi công dân tất cả các nước cam kết giúp đỡ những người xung quanh, thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của nhân loại bằng tình yêu thương làm lan tỏa hạnh phúc và giúp chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn để khi tham gia làm việc thiện, bản thân chúng ta cũng nhận lại những điều tốt lành.[3]
Ngày xuân phân, chúng tôi thành công với lúa siêu xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất cao chất lượng tốt trên đồng ruộng. Tôi trở về nhà đúng ngày quốc tế hạnh phúc (*) và may mắn nhặt được18 lông chim trong đó có 9 lông chim trĩ rãi rác ở dưới gốc bồ đề, khóm trúc, vườn mai, khế, vú sữa … Thật đúng là sự may mắn an nhiên và niềm vui tình yêu cuộc sống.
20 tháng 3 năm 2014 ngày quốc tế hạnh phúc, với gia đình tôi là ngày xuân phân may mắn. Nhà tôi có chim về làm tổ. Tôi nhặt được 18 lông chim trong đó có 9 lông chim trĩ dưới gốc Cây bồ đề nhà tôi ra lá non sau khi Thăm siêu lúa xanh ở Phú Yên. (Ành HK)
VƯỜN CỔ TÍCH ANH VÀ EM
Hoàng Kim
Anh đưa em vào
Vườn thiêng cổ tích
Nơi trời đất giao hòa
Ong làm mật yêu hoa
Lá non đùa nắng mới
Nhạc đồng xuân thung dung
Đắm say hòa quyện
Ban mai mù sương sớm
Trời xanh trong như ngọc
Cá nước chim trời
Vui thú an nhiên…
Khoảng lặng đất trời
Bí mật vườn thiêng
(chùm ảnh: nhà tôi)
Xuân phân, tôi thật vui khi nông dân hài lòng với Năm giống sắn mới ở Phú Yên. Về nhà vui đọc lại: Nhà tôi có chim về làm tổ. Chim Phượng Hoàng đất vườn nhà tôi. Ngày hạnh phúc và 18 lông chim. Vườn cổ tích anh và em, nay lưu lại chuyện vui này.
CHÀO EM NGÀY MỚI NẮNG ĐẦY TIẾNG CHIM
Hoàng Kim
Hoàng Kim Bài viết mới trên TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
CNM365, ngày mới nhất bấm vào đây cập nhật mỗi ngày
2017-03-19 22:00:04
Nguồn: https://khatkhaoxanh.wordpress.com/2017/03/05/thang-ba-nho-ban/