Haratour liên tục gặp khó khăn trong thời gian gần đây, doanh thu sụt giảm liên tục, trụ sở công ty cũng là nguồn thu chính lại xuống cấp, nhếch nhác giữa lòng Thủ đô dù có vị trí đắc địa.
Toà nhà văn phòng 142 Lê Duẩn, Hà Nội của CTCP Dịch vụ Du lịch Đường sắt Hà Nội (Haratour) đã xuống cấp |
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội mới công bố quyết định đấu giá bán cổ phần của CTCP Dịch vụ Du lịch Đường sắt Hà Nội (Haratour) do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sở hữu.
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiến hành đấu giá công khai toàn bộ 484.000 cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/CP – tương ứng 40% vốn điều lệ thực góp của Haratour vào ngày 31/03 tới.
Với giá khởi điểm mà Tổng công ty Đường sắt đưa ra là 33.400 đồng/cổ phần, nếu chào bán thành công, VNR sẽ thu về 16,2 tỷ đồng sau đợt thoái vốn trên.
CTCP Dịch vụ du lịch Đường sắt Hà Nội được thành lập từ năm 1970 trên cơ sở hợp nhất Công ty ăn uống đường sắt và trạm bán hàng trên tàu thành công ty phục vụ đường sắt.
Chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 4/2005, Haratour đăng ký vốn 16 tỷ đồng nhưng cho đến nay, các cổ đông chỉ thực góp 12,1 tỷ đồng trong đó công ty TNHH Xây dựng và DVTM Anh Khang góp 58,22% và Tổng công ty đường sắt Việt Nam góp 40%.
Theo đánh giá của Tổng công ty đường sắt VN trong bản công bố thông tin về việc thoái vốn, quy mô vốn của Haratour khá nhỏ, khó mở rộng kinh doanh, bên cạnh đó, trình độ nhân lực chưa cao, nhân sự bị cắt giảm mạnh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong việc tìm kiếm khách hàng.
Kết quả kinh doanh của Haratour khá thất thường, doanh thu giảm mạnh trong ba năm trở lại đây, năm 2014 ghi nhận doanh thu đạt 69,4 tỷ, năm 2015 đạt 50 tỷ nhưng 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đem về 14,5 tỷ đồng.
Sau khi bất ngờ báo lãi 684 triệu vào năm 2015 (năm 2014 lỗ 262 triệu), những tưởng tình hình kinh doanh đã khởi sắc trở lại nhưng đến nửa đầu năm 2016, Haratour đã phải chịu lỗ 40 triệu đồng mặc dù đặt kế hoạch lãi 1,5 tỷ.
Đáng chú ý trong thương vụ này, cũng giống như hàng loạt doanh nghiệp có bóng dáng của các ông lớn nhà nước khác thì Haratour cũng có “đặc quyền” được sử dụng hàng loạt khu đất lớn nhỏ có vị trí đắc địa ngay Thủ đô.
Điển hình nhất là khu đất có diện tích 2.300 m2 tại địa chỉ số 142 Lê Duẩn, quận Đống Đa Hà Nội được Haratour thuê trong vòng 30 năm kể từ tháng 4/2005, hiện công ty đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất trên.
Đây cũng là địa chỉ được Haratour sử dụng để làm trụ sở công ty và cho thuê mặt bằng làm văn phòng, siêu thị, nhà hàng …
Với vị trí nằm ngay ngã tư Lê Duẩn – Khâm Thiên sầm uất, gần ngay cạnh ga Hà Nội cùng hàng loạt tổng công ty nhà nước, đây được đánh giá là một khu đất “vàng” của Thủ đô.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV ANTT.VN, tòa nhà 142 Lê Duẩn đã xuống cấp do không được đầu tư cải tạo, mặt tiền đặc biệt là khu vỉa hè bị chiếm dụng bán hàng rong gây mất mỹ quan.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của Haratour, công ty đã quyết định đầu tư cải tạo tòa nhà này, ủy quyền HĐQT xây dựng phương án chấm dứt cho thuê mặt bằng tại tòa nhà. Đáng nói, đây là nguồn tiền chính của Haratour hiện nay, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chắc chắn bị ảnh hưởng lớn.
Ngoài tòa nhà 142 Lê Duẩn, Haratour còn quản lý và sử dụng 3 lô đất khác ở Hà Nội là số 6 ngõ 88 Trần Quý Cáp, Đống Đa diện tích 1,734 m2; số 145 Lê Duẩn diện tích 124m; số 12 Nguyễn Khuyến diện tích 524 m2. Những mảnh đất này lại có tính pháp lý không chắc chắn, là đất nằm trong quy hoạch hoặc có thời hạn thuê ngắn – trong vòng 3 năm khiến Haratour không dám đưa vào khai thác.
Hoa Liên
2017-03-02 20:48:12
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tong-cong-ty-duong-sat-rut-chan-khoi-dat-vang-giua-thu-do-a317285.html