Lệnh trừng phạt mà Mỹ mới áp đặt cho Iran sau khi Iran thử tên lửa có thể đánh dấu sự khởi đầu cho thời kỳ “giá lạnh” giữa hai nước Mỹ-Iran.
Theo hãng tin Reuters, lệnh trừng phạt Mỹ vừa áp đặt với Iran thực ra đã nằm trong kế hoạch từ lâu. Các biện pháp trừng phạt mới với Iran đã được Mỹ đề cập trong thời gian dài và quyết định thử tên lửa của Iran ngày 29/1 đã biến nó thành hiện thực dù Washington không cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
Lệnh trừng phạt mới này có thể đánh dấu sự khởi đầu cho một chính sách khắc nghiệt hơn đối với Iran của Mỹ, điều mà ông Trump hứa sẽ thực hiện trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016.
Gói dự luật này, nhắm mục tiêu tới cả các thực thế và cá nhân, đã được thực hiện theo cách sẽ không vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc lớn trên thế giới trong đó có người tiền nhiệm Barack Obama thực hiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra lệnh trừng phạt với Iran. |
Những tác động của lệnh trừng phạt mới sẽ mang tính biểu tượng hơn là hiệu quả thực tế, đặc biệt khi động thái này không làm ảnh hưởng đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ và quốc tế theo thỏa thuận hạt nhân. Thêm nữa, một số các thực thể của Iran bị Mỹ nhắm tới lần này có tài sản tại Mỹ đã bị đóng băng từ trước và một số công ty của Mỹ, trừ một vài ngoại lệ, cũng đã bị cấm làm ăn với Iran.
Dẫu vậy, chính quyền Mỹ đang làm việc với Quốc hội và các chuyên gia về một kế hoạch toàn diện nhằm mục đích gia tăng thêm nhiều áp lực đối với Iran, bao gồm chương trình hạt nhân bị hạn chế, phát triển tên lửa và sự hỗ trợ các nhóm quân sự trong khu vực của nước này.
Động thái trừng phạt mới với Iran của ông Trump giành được sự đồng thuận lớn từ các thành viên đảng Cộng hoà. “Tôi sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran,” ông Paul Ryan, chủ tịch Hạ viện, Mỹ chia sẻ với các phóng viên tại một cuộc họp báo hàng tuần.
Giống như ông Paul Ryan, nhiều nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa cũng cho biết họ đã làm việc với chính quyền ông Trump nhằm thống nhất tinh thần càng cứng rắn với Iran càng tốt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa sẽ làm tăng nguy cơ bất ổn quốc tế để đi tới việc phá bỏ thỏa thuận.
“Bây giờ chúng tôi có một đối tác (ông Trump) sẵn sàng để đối phó với Iran theo cách Iran cần được đối phó. …”, Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết.
“Các hoạt động về tên lửa và khủng bố liên tục của Iran sẽ dẫn đến nhiều hành động mới từ Mỹ và các biện pháp trừng phạt của quốc hội đầy khắc nghiệt”, Mark Dubowitz, một chuyên gia về trừng phạt Iran và đang tham mưu cho chính quyền Trump và các nhà lập pháp cho biết.
Tuyên bố của ông Trump về việc không có điều gì được bỏ qua trong hành động đáp trả Iran dường như cũng để ngỏ khả năng mở ra hành động quân sự, dù theo các chuyên gia, cả hai bên sẽ cố tránh đối đầu vũ trang ở vùng Vịnh giàu dầu mỏ này. Dẫu vậy, mối đe dọa hành động đáp trả từ Mỹ, cùng với phản ứng đầy thách thức của Iran đã làm tăng căng thẳng giữa hai nước.
Các đời Tổng thống Mỹ gần đây, gồm cả ông Obama, đều từng tuyên bố rằng lựa chọn quân sự không bị bỏ qua trong việc ngăn chặn Iran tiếp nhận vũ khí hạt nhân. Nhưng ông Trump và một số phụ tá của ông đã đi xa hơn nữa trong lời nói, đặc biệt là việc chỉ trích thỏa thuận Iran là yếu ớt, không hiệu quả.
Thỏa thuận hạt nhân Iran rõ ràng đang có nguy cơ bị xóa sau những căng thẳng mới giữa Mỹ và Iran dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Và lệnh trừng phạt mới từ Mỹ có thể báo hiệu thời kỳ “giá lạnh” giữa hai nước.
Xem thêm >> Iran tiếp tục thử tên lửa thách thức lệnh trừng phạt của Mỹ
Thanh Hiền
2017-02-04 18:40:07