Profile image
Tác giả: phannguyenkhanhdan
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
OÁi OĂm BỆnh NhÀn RỖi
Tuesday, January 13, 2015 6:15
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
0

(bài viết được đăng trên báo “Sức Khỏe & Đời Sống” cuối tuần số  ngày 07/03/2014)

Với hầu hết chúng ta, những ngày lễ, kỳ nghỉ dài hoặc những khoảng thời gian không phải làm việc là cơ hội tuyệt vời để được nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi và tái tạo sức lao động sau những giờ làm việc căng thẳng. Nhưng với một số người khác, cứ mỗi khi không phải làm việc thì họ lại phát bệnh.

Bạn có phải là một trong những người xui xẻo đó: thư giãn trên bãi biển và tận hưởng những cơn sóng mát lành với một cơn nhức đầu đau như búa bổ, hoặc lỡ mất bữa trưa chỉ vì một cơn cảm sốt bất ngờ?

Trên đây là vài ví dụ của “Bệnh nhàn rỗi” (“Leisure sickness”) – thuật ngữ chỉ chứng bệnh trên lần đầu tiên được gọi tên bởi nhà nghiên cứu Ad Vingerhoets, giáo sư khoa bệnh lâm sàng và tâm lý thuộc Trường đại học Tilburg, Hà Lan. Những người mắc phải chứng bệnh này có sức khỏe bình thường vào những ngày làm việc trong tuần, nhưng cứ đến cuối tuần hay những ngày nghỉ là họ phát bệnh với những triệu chứng như nhức đầu, cảm lạnh, khó chịu hoặc sốt.

 

 Cứ nghỉ là bệnh!

Cary Cooper, giáo sư môn tâm lý công sở Trường đại học Lancaster ở Anh, giải thích lý do vì sao bệnh nhàn rỗi hay xuất hiện ở những người thường xuyên đối mặt với áp lực công việc: “Hệ miễn dịch của bạn quen được kích thích bởi áp lực cao, vậy nên mỗi khi đối mặt với áp lực hay hạn chót trong công sở, bạn trở nên khỏe khoắn hơn bao giờ hết. Vậy nên, khi bạn bắt đầu nghỉ ngơi, hệ miễn dịch của bạn mất đi sự kích thích. Và thế là bạn mắc bệnh.

Khi bạn dừng công việc và áp lực kết thúc, bộ não yêu cầu cơ thể bạn ngừng miễn dịch. Khi đó, các cơn nhức đầu hoặc cảm sốt bắt đầu tung hoành.

Chuyên gia tư vấn về tâm lý và lối sống Liz Tucker đồng ý với cách giải thích của giáo sư Cooper: “Đó là một quá trình sinh học. Khi bạn bận bịu, cơ thể của bạn hoạt động hết công suất để vượt qua áp lực công việc. Nên khi bạn ngừng làm việc, cơ thể của bạn phải bất ngờ thắng gấp, và vấn đề phát sinh từ đây.”

Trong quá trình làm việc căng thẳng, não tiết ra adrenaline giúp bạn vượt qua áp lực như một bản năng cơ bản. Khi sự tiết adrenaline bất ngờ bị cắt đứt, cơ thể bạn rơi vào trạng thái mất cân bằng, khiến bạn phát bệnh.

.

Triệu chứng của bệnh nhàn rỗi

Để tìm hiểu sâu hơn về bệnh nhàn rỗi, Vingerhoets và các cộng sự đã thực hiện một cuộc khảo sát với 2000 người bao gồm cà đàn ông và phụ nữ vào năm 2002. Báo cáo của họ được đăng trên tạp chí khoa học uy tín Psychotherapy và Psychosomatics.

3,2% số người được phỏng vấn nói rằng họ hay mắc bệnh vào những ngày nghỉ hoặc những khoảng thời gian không làm việc. 3,6% đàn ông và 2,7% phụ nữ cho biết họ cảm thấy không khỏe vào mỗi dịp cuối tuần.

Những triệu chứng của bệnh nhàn rỗi được tổng hợp từ cuộc phỏng vấn bao gồm nhức đầu, đau nửa đầu, mệt mỏi, đau nhức các cơ và nôn ói. Một số người thậm chí dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm – chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cảm cúm – vào các kỳ nghỉ dài ngày.

Hầu hết những người mắc bệnh nhàn rỗi cho biết họ đã phải chịu đựng các triệu chứng trên hơn 10 năm, và chúng thường liên quan đến stress và căng thẳng thần kinh. Những người này luôn gặp khó khăn trong việc quyết định ngừng công việc để vui chơi hoặc thư giãn vì đối với họ, các kỳ nghỉ dài ngày hoặc những chuyến du lịch thường khiến họ thêm căng thẳng chứ không vui vẻ bao nhiêu.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người mắc bệnh nhàn rỗi có lối sống khác biệt so với người bình thường. Đó là những người thường xuyên sống chung với hàng núi áp lực quá sức, tham vọng thành đạt và có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Giáo sư Vingerhoets nói rằng bệnh nhàn rỗi phổ biến hơn ở những nghề nghiệp gắn liền với áp lực căng thẳng: bệnh nhân thường không nỡ ngừng việc, dẫn đến một loạt những triệu chứng bệnh tật mỗi khi giải lao hoặc nghỉ ngơi.

.

Bệnh nhàn rỗi và chứng đau nửa đầu

Đau nửa đầu là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh nhàn rỗi. Nhà thần kinh học Giles Elrington là giám đốc y khoa của Trung tâm Tư vấn và Điều trị chứng Đau nửa đầu Quốc gia có trụ sở tại Luân Đôn. Ông nói rằng cách tốt nhất để phòng tránh đau nửa đầu chính là giữ gìn nếp sinh hoạt điều độ: “Tôi từng gặp một bệnh nhân luôn luôn bị đau nửa đầu vào các ngày Thứ Bảy. Vào những ngày làm việc trong tuần, người này luôn dậy sớm vào lúc 6 giờ sáng để đi làm. Đến mỗi sáng Thứ Bảy, ông cũng dậy lúc 6 giờ sáng như một thói quen, nhưng sau đó ngủ tiếp đến 8 giờ vì không phải đi làm như mọi khi. Và thế là ông ta thức dậy với một cơn đau nửa đầu.” Trong trường hợp của bệnh nhân này, tiến sĩ Elrington đề xuất ông ta nên thức dậy lúc 6 giờ sáng cả trong ngày thứ bảy để chứng đau nửa đầu không tái diễn nữa.

Theo tiến sĩ Elrington, chính thói quen sinh hoạt thất thường hoặc sự đảo lộn nhịp sinh học là nguyên nhân gây đau nửa đầu. Đau nửa đầu cũng thường xảy ra ở những người thường xuyên đi nước ngoài, du lịch đến các quốc gia có múi giờ khác xa quê nhà. Giờ ăn bị đảo lộn và sự mất nước do di chuyển bằng máy bay cũng là những nguyên nhân phổ biến của chứng đau nửa đầu.

Lời khuyên của tiến sĩ Elrington là hãy duy trì một nếp sinh hoạt đều đặn và ổn định, kể cả những ngày cuối tuần và ngày nghỉ: thức dậy và ăn các bữa ăn hàng ngày trong một khung giờ cố định. Còn nếu bạn đi du lịch hoặc đi công tác bằng máy bay, nên ưu tiên những chuyến bay vào ban ngày để hạn chế tình trạng đảo lộn giấc ngủ.

“Nghỉ ngơi là tội lỗi!”

Bệnh nhàn rỗi có xu hướng phổ biến trong thời đại ngày nay, khi mà cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn hơn và nhiều người lao động cảm thấy có tội mỗi khi chưa làm hết việc. Bạn không thể đi đâu mà thiếu vắng chiếc laptop hay điện thoại di động – những thứ giúp bạn để dễ bề làm việc và liên lạc với mọi người bất kỳ lúc nào, khiến cho việc thư giãn hoàn toàn trở nên không tưởng. Kể cả những người rảnh rỗi, thất nghiệp hoặc chưa có việc làm cũng không ngừng chúi mũi vào laptop để tìm việc làm hay cập nhật tin tức để không bị lỗi nhịp so với nhịp sống đô thị. Nếu bạn cũng là một người bận rộn không ngừng nghỉ với những chiếc laptop và smartphone, bạn cũng sẽ sớm trở thành bệnh nhân của chứng bệnh nhàn rỗi, muốn nghỉ ngơi cũng không yên.

.

Không nên chủ quan với bệnh nhàn rỗi

 Bệnh nhàn rỗi là dấu hiệu cho thấy bạn đang mất cân bằng trong cuộc sống.” – chuyên gia tâm lý Liz Tucker lưu ý – “Bạn chẳng thể vui vẻ gì nếu liên tục bị nhức đầu mỗi khi đi ngủ hoặc đi chơi xa. Bạn cần phải xem lại thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình, vì đó có thể là hậu quả của một lối sống không lành mạnh.

Để luôn khỏe khoắn hàng ngày, mỗi người nên tập tổ chức cuộc sống của mình hợp lý, dành nhiều thời gian hơn cho các sở thích cá nhân, các hoạt động giao tiếp và vui chơi ngoải công việc. Tập thể dục đều đặn cũng là một thói quen có lợi cho sức khỏe của bạn về lâu dài, trong công việc lẫn trong cuộc sống.

Với những người mắc bệnh nhàn rỗi, bộ não của họ không quen nghỉ ngơi. Nó tiếp tục khiến bạn căng thẳng kể cả khi bạn không làm gì cả. Và thế là bạn buộc phải tiếp tục công việc nếu không muốn phát bệnh” – chuyên gia Tucker nói thêm.

Giáo sư Cooper miêu tả vòng luẩn quẩn của một người mắc bệnh nhàn rỗi điển hình: Họ cảm thấy khó chịu khi ngày nghỉ bắt đầu. Thế là họ quyết định nằm ngủ hàng giờ liền. Sau khi tỉnh dậy, họ cảm thấy khỏe khoắn. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, họ lại thấy phát bệnh ngay khi chuẩn bị cho ngày hôm sau đi làm.

.

Nghỉ ngơi cũng là nghệ thuật

Trong thời đại công nghiệp đầy áp lực của ngày nay, bỏ việc là chuyện không thể với hầu hết chúng ta. Do vậy, theo chuyên gia Tucker, giải pháp tốt nhất chính là dung hòa giữa công việc và nghỉ ngơi ngay trong sinh hoạt hàng ngày.

“Mạnh dạn cho phép mình được giải lao vài lần trong ngày!” – Tucker đề xuất.

Bạn có nhiều cách để thư giãn trong ngày, chẳng hạn như nói chuyện điện thoại với người thân, đi gặp gỡ bạn bè hoặc chỉ đơn giản là hít thở sâu trong giờ giải lao tại cơ quan.” Thực hiện được điều này trong nhiều ngày, bạn sẽ nhận thấy cuộc sống của mình dễ thở và thoải mái hơn hẳn so với trước kia.

Với việc thường xuyên tổ chức những khoảng thời gian thư giãn ngắn trong ngày, cơ thể của bạn sẽ quen dần với việc nghỉ ngơi và không còn xem đó là một cú thắng gấp so với hồi bạn còn làm việc căng thẳng. Những triệu chứng của bệnh nhàn rỗi sẽ dần biến mất để bạn có một cuộc sống cân bằng và thú vị hơn.

./.

PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
CEO Nhà sách trực tuyến Sức Mạnh Ngòi Bút:
http://www.SucManhNgoiBut.com.vn

(tổng hợp trên Internet)

BÌNH LUẬN

Lời bình của bạn
Question   Razz  Sad   Evil  Exclaim  Smile  Redface  Biggrin  Surprised  Eek   Confused   Cool  LOL   Mad   Twisted  Rolleyes   Wink  Idea  Arrow  Neutral  Cry   Mr. Green

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story
Share This Story:
Print this story
Email this story
Digg
Reddit
StumbleUpon
Share on Tumblr
GET ALERTS:

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.