(Bài viết được đăng trên báo “Sức Khỏe & Đời Sống” cuối tuần số ngày 21/03/2014)
Nhiều người chúng ta trải qua một thời gian dài đau buồn và sầu khổ khi người thân của mình qua đời. Sự đau khổ của bạn thực chất là một phản ứng bình thường trước một mất mát lớn như thế. Nỗi đau đó có thể bao gồm nhiều phản ứng về mặt tinh thần, thể chất, xã hội hoặc cảm xúc khác nhau. Những phản ứng cảm xúc và tinh thần thường bao gồm giận dữ, mặc cảm tội lỗi, lo âu, buồn bã và trầm cảm. Những phản ứng thể chất gồm rối loạn giấc ngủ, khó ăn, những triệu chứng bất thường trên cơ thể và bệnh tật.
Nỗi đau mất người thân kéo dài bao lâu tùy thuộc vào mối quan hệ và mức độ thân thiết giữa người đã khuất và bạn và nhiều nhân tố khác. Gia đình, bạn bè và niềm tin là những chỗ dựa có thể giúp bạn vượt qua nỗi đau. Bạn cũng có thể nhờ đến những sự tham vấn hoặc các liệu pháp của bác sĩ tâm lý để giúp bản thân mình nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường sau mất mát.
.
NHỮNG NGUY CƠ VỀ MẶT SỨC KHOẺ
Nỗi đau mất mát người thân có thể là một chuỗi ngày dài căng thẳng và nặng nề đối với cơ thể, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mặt sức khỏe như mệt mỏi, kiệt sức, tình trạng khóc hoài không dứt, rối loạn giấc ngủ, tim đập nhanh, khó thở và nhức đầu. Ngoài ra, nỗi đau mất người thân còn có thể dẫn đến những triệu chứng khác trầm trọng hơn như nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, huyết áp cao, mất cảm giác ngon miệng khi ăn, rối loạn tiêu hóa, rụng tóc hoặc rối loạn chu kỳ kinh nguyệt đối với nữ giới. Nỗi đau mất người thân cũng có thể khiến một số bệnh tình của những ai đang mắc các bệnh đó trầm trọng hơn như suyễn, chàm bội nhiễm và ảo giác.
Ảnh hưởng lên hệ thần kinh
Nhiều người đau đớn vì mất người thân thường trải qua các cơn mệt mỏi hoặc bơ phờ bất thường. Nỗi đau mất mát khiến cho cơ thể phản ứng căng thẳng, liên tục tiết ra steroid tự nhiên làm cho hệ thần kinh hoạt động không ngừng nghỉ, đặc biệt là hệ thần kinh tự quản – trung khu điều khiển sự sẵn sàng hoạt động của cơ thể. Để đáp ứng nhu cầu của hệ thần kinh bị kích thích, tim phải đập nhanh hơn bình thường, gây nguy cơ cao huyết áp hoặc tắc nghẽn mạch máu.
Suy giảm sức đề kháng
Sự căng thẳng thần kinh gây ảnh hưởng lên hệ miễn dịch. Nỗi đau mất người thân có thể làm trì trệ hoạt động của các T-lymphocytes – những tế bào có chức năng đề kháng sự truyền nhiễm, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh cảm và bệnh lây nhiễm.
Với những ai vốn đã mắc bệnh, nỗi đau mất người thân có thể khiến bệnh tình của họ trầm trọng hơn, bao gồm chứng viêm khớp và nhiều bệnh mãn tính khác. Ngay cả những bệnh thông thường hơn như tiểu đường và huyết áp cao cũng có thể trở nặng nếu người bệnh không giữ gìn sức khỏe tốt trong khi đau đớn vì mất người thân.
Những điều trên cũng giải thích vì sao những người đang chịu đựng nỗi đau mất người thân có tỉ lệ tử vong cao trong năm đầu tiên kể từ sau biến cố. Tỉ lệ tử vong ở nam giới cao hơn phụ nữ, một phần vì họ không được những người thân và bè bạn quan tâm hỗ trợ như phụ nữ.
Tình trạng thể chất và tinh thần
Những bất ổn về tâm lý rất dễ xảy ra trong suốt nỗi đau mất người thân. Vì thể chất và tinh thần có mối liên hệ mật thiết với nhau, bất ổn tâm lý cũng có thể dẫn đến những vấn đề về thể chất. Chẳng hạn như trầm cảm có thể gây rối loạn giấc ngủ, chán ăn, và khiến cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể trở nên trì trệ. Lo âu cũng là một triệu chứng phổ biến, có thể gây căng mạch máu, đổ mồ hôi, khó ngủ và chán ăn.
Ngoài ra, y văn cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp người chịu nỗi đau mất người thân thường có ảo giác về người đã khuất. Họ nói rằng mình nhìn thấy và nghe thấy tiếng người thân của mình trong nhà, thậm chí trò chuyện với người đã khuất. Những ảo giác này là một phản ứng bình thường và dễ hiểu khi nỗi đau mất mát quá lớn và chúng thực sự xuất hiện ở nhiều người. Đôi khi người ngoài lầm tưởng những triệu chứng này là dấu hiệu của chứng mất trí hoặc bất ổn về mặt tâm thần. Sự hiểu lầm này có thể dẫn đến nhiều chuyện bi hài, chẳng hạn như ép buộc người đang chịu nỗi đau mất mát phải đi điều trị những bệnh mà họ không mắc phải hoặc giam lỏng họ, trong khi điều họ đang cần là những sự hỗ trợ chân thành và đúng đắn để vượt qua chính nỗi đau.
Những nguy cơ đối với trẻ em
Trẻ em khi mất người thân cũng trải qua nỗi đau mất mát và những triệu chứng kèm theo như đau dạ dày, nhức đầu, tè dầm và mất ngủ.
Ngoài ra, trẻ em bị mất người thân cũng dễ phát sinh những bất ổn về hành vi, trở nên hung hãn, ương bướng hoặc lãnh đạm và cáu kỉnh vì các em không biết làm thế nào để giải tỏa nỗi đau của mình cũng như làm thế nào để thích nghi với sự ra đi của người thân để có thể phát triển một cách bình thường như trước kia.
Đối với cả người lớn lẫn trẻ em đang phải gánh chịu nỗi đau mất người thân, điều họ cần là sự thấu hiểu và hỗ trợ chân thành từ những người xung quanh. Họ có nhu cầu được chia sẻ và giải tỏa những cảm nhận, nỗi lo lắng cũng như cần thời gian để hồi phục về mặt cảm xúc.
Việc chữa trị những triệu chứng về mặt thể chất cũng quan trọng không kém, nên đừng ngần ngại đi khám bác sĩ. Trừ những chứng bệnh thực sự nghiêm trọng cần phải dùng thuốc và các phương pháp chuyên môn, những rối loạn như mất ngủ hoặc chán ăn có thể được điều trị bằng những liệu pháp đơn giản thông thường; thậm chí người bệnh cũng có thể tự mình vượt qua và bình thường trở lại một khi nỗi đau nguôi ngoai.
CHƯỚNG NGẠI TRONG QUÁ TRÌNH VƯỢT QUA NỖI ĐAU MẤT NGƯỜI THÂN
Đôi khi chúng ta khó lòng vượt qua nỗi đau mất người thân, thậm chí nó càng lúc càng trở nên tệ hại hơn. Sau đây là một số nguyên nhân gây kìm hãm quá trình vượt qua nỗi đau để trở lại cuộc sống bình thường:
- Không chấp nhận được sự thật rằng người thân của mình đã ra đi;
- Không nhận được những sự hỗ trợ cần thiết từ những người xung quanh;
- Bất hòa trong hôn nhân hoặc gia đình;
- Cảm giác lẫn lộn bất nhất đối với người đã khuất;
- Gặp khó khăn trong việc chia sẻ, giải phóng những cảm xúc và nỗi đau;
- Cố gắng quá sức để kiềm chế bản thân;
- Tự dằn vặt bản thân;
- Lo lắng về những vấn đề khác, chẳng hạn như chi phí, tiền bạc…;
- Hối tiếc vì những dự định còn dang dở với người đã khuất;
- Tiếp tục đau buồn vì một sự mất mát người thân khác cách đó nhiều năm trời;
- Không có cơ hội được thăm viếng hoặc tâm sự nỗi lòng với người đã khuất vì nhiều lý do,…
.
TỰ MÌNH VƯỢT QUA NỖI ĐAU MẤT NGƯỜI THÂN
“Khi một người thân yêu của bạn qua đời, có thể bạn sẽ cảm thấy cuộc sống mình vô nghĩa, rồi cảm thấy tuyệt vọng suốt vài tháng, thậm chí nhiều năm trời. Nhưng thực chất có rất nhiều cách khác nhau mà bạn có thể áp dụng để tự mình vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời như thế này,” – bác sĩ Ann Dent từ New York chia sẻ.
- Tử tế với bản thân: Đừng cố gắng thúc ép bản thân mình phải quên đi nỗi đau càng nhanh càng tốt. Thay vào đó, hãy cho phép bản thân được buồn đau và khuây khỏa trong một thời gian. Hãy tha thứ cho bản thân về mọi lỗi lầm với người đã khuất!
- Chăm sóc bản thân: Việc thiếu ngủ và chán ăn thường xuyên sẽ khiến cơ thể bạn yếu ớt và dễ mắc bệnh. Do vậy, hãy cố gắng ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ để đảm bảo sức khỏe!
- Tập thể dục hoặc vận động: Đừng chỉ ngồi lì trong nhà gặm nhắm nỗi đau. Hãy ra ngoài trời và vận động! Không cần phải cố gắng những bài tập thể dục phức tạp, chỉ cần đi bộ dạo mát để tận hưởng không khí trong lành đã là lý tưởng.
- Tuyệt đối tránh xa rượu, bia và đồ uống có cồn: Việc lạm dụng rượi bia có thể giúp bạn quên buồn trong chốc lát, nhưng chắc chắn sẽ tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn về lâu dài.
- Không lạm dụng thuốc ngủ: Đây cũng là một thói quen bạn tuyệt đối nên tránh. Nếu dùng thuốc ngủ trong vài ngày đầu, chúng có thể giúp bạn dễ ngủ, nhưng sẽ kìm hãm quá trình quen dần với nỗi đau mất mát của chính cơ thể bạn. Thuốc ngủ cũng có thể gây nghiện và khiến bạn trở nên phụ thuộc.
- Yêu thương bản thân mình: Tập thói quen làm một điều gì đó mình yêu thích vào mỗi tuần, chẳng hoa như đi xem phim hoặc tự mua hoa tặng bản thân mình nếu bạn thích hoa.
- Quản lý những cảm xúc của chính mình: Hãy tập thói quen viết vào nhật ký những cảm nhận hoặc cảm xúc bức bối trong lòng bạn vào mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ, vì thói quen này sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn. Đừng ngại chia sẻ những cảm xúc hay nỗi buồn của mình với những người thân yêu trong gia đình! Điều này không chỉ tốt cho chính bạn, mà còn có thể có lợi cho những thành viên khác trong gia đình, vì biết đâu họ cũng có những nỗi buồn đau của riêng mình sau biến cố và có nhu cầu được chia sẻ giống như bạn. Ngoài gia đình, bạn cũng có thể tâm sự với một người bạn đáng tin cậy. Trong trường hợp bạn vẫn không muốn chia sẻ vấn đề của mình với người thân và bè bạn, bên ngoài cũng có những nhóm tự giúp có thể giúp đỡ bạn, hoặc bạn cũng có thể tìm gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý.
- Tôn trọng bản thân: Sự ra đi của người thân có thể khiến bạn tự dày vò, dằn vặt hoặc đánh mất bản thân mình. Để hạn chế điều này, bạn có thể mua cho mình một quyển sổ hay một cuốn nhật ký, mỗi ngày viết vào đó năm điều khiến bạn vui vẻ hoặc tâm đắc. Năm điều đó cũng có thể là những công việc nho nhỏ hoặc những thành quả tuyệt vời mà bạn hoàn thành được trong ngày.
- Hồi tưởng lại những ký ức đẹp: Việc nhớ lại những khoảng thời gian tuyệt vời bên người đã khuất có thể khiến bạn buồn đau một chút, nhưng kỳ thực lại có tác dụng chữa lành vết thương lòng rất tốt. Việc nhìn lại những tấm ảnh cũ, làm kỷ yếu và gìn giữ những kỷ vật về người đã khuất sẽ giúp bạn lấy lại được những cảm xúc tích cực trong mình.
- Không nên vội vàng hay gượng ép: Mọi nỗi đau đều cần một khoảng thời gian nhất định để nguôi ngoai. Những việc quan trọng như chuyển nhà, thay đổi công việc hoặc bắt đầu một mối quan hệ mới nên tạm thời trì hoãn ít nhất sáu tháng. Bạn vừa gánh chịu một mất mát lớn và bạn thực sự cần thời gian để ổn định cuộc sống trước khi nghĩ đến những việc quan trọng khác.
./.
PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
CEO Nhà sách trực tuyến Sức Mạnh Ngòi Bút:
http://www.SucManhNgoiBut.com.vn
(tổng hợp trên Internet)
2015-01-13 05:13:17