ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: phannguyenkhanhdan
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
MẶC CẢM TỘI LỖI và NHỮNG ẢNH HƯỞNG VỀ MẶT SỨC KHỎE
Tuesday, January 13, 2015 6:15
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


(Bài viết được đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống ngày 31/07/2014)

Phan Nguyễn Khánh Đan 2014 08 01

Mặc cảm tội lỗi là một trạng thái cảm xúc xung đột giữa tinh thần của bạn và những nguyên tắc sống của bản thân. Về lâu dài, mặc cảm tội lỗi có thể gây hại cho sức khỏe của bạn. Nó khiến bạn trở nên kém nhạy bén trong việc phản ứng với các tác nhân bên ngoài, làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể bạn để rồi dẫn đến nhiều bệnh tật về mặt thể xác.

MẶC CẢM TỘI LỖI và HỆ MIỄN DỊCH: 

Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa mặc cảm tội lỗi và hệ miễn dịch của con người. Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Psychosomatic Medicine, các đối tượng nghiên cứu được yêu cầu viết ra những trải nghiệm tâm lý có thể khiến họ cảm thấy có tội. Trước và sau khi viết ra các trải nghiệm đó, những người này được các nhà nghiên cứu kiểm tra sự thay đổi về lượng của ba loại chất liên quan đến hệ miễn dịch trong cơ thể: mức độ thụ thể yếu tố hoại tử u, 2-microglobulin và cortisol. Sau khi viết ra những trải nghiệm gây mặc cảm tội lỗi của mình trên giấy, các đối tượng nghiên cứu đều có nồng độ ba chất trên tăng cao hơn so với lúc trước khi viết.

Trong một nghiên cứu khác thuộc trường Đại học Hull, các đối tượng nghiên cứu được yêu cầu liệt kê ra những hoạt động khiến họ cảm thấy vui sướng nhất. Các hoạt động được chọn nhiều nhất là quan hệ tình dục, ăn kẹo sô-cô-la, tiệc tùng và hút thuốc. Sau đó, các nhà khoa học yêu cầu các đối tượng nghiên cứu sắp xếp thứ tự các hoạt động này dựa trên mức độ vui sướng và mặc cảm tội lỗi mà chúng gây ra cho họ. Trong suốt cuộc thí nghiệm, nhóm đối tượng nghiên cứu phải cung cấp mẫu nước bọt của mình cho các nhà khoa học để kiểm tra nồng độ immunoglobulin A. Nồng độ immunoglobulin A cao chứng tỏ hệ miễn dịch đang hoạt động tốt và khả năng đề kháng bệnh tật hiệu quả hơn.

Tuy vậy, trong cuộc nghiên cứu này, các nhà khoa học đã khám phá ra sự tụt giảm immunoglobulin A ở những đối tượng nghiên cứu mang cảm giác tội lỗi nhiều hơn niềm vui sướng. Tiến sĩ Geoff Lowe, một nhà tâm lý học có tên tuổi tham gia nhóm nghiên cứu, nhận xét rằng kết quả nghiên cứu này hoàn toàn trùng khớp với những công trình nghiên cứu trước đó của ông, rằng những người thường xuyên mang mặc cảm tội lỗi trong lòng thường có sức khỏe kém hơn, hay mắc các bệnh cảm và cúm, và thường phải đi khám bác sĩ nhiều hơn hẳn so với những người sống thanh thản và lạc quan.

.

TÁC HẠI CỦA MẶC CẢM TỘI LỖI

Nhiều người cho rằng việc sống chung với vài ba mặc cảm tội lỗi là điều bình thường, nhưng kỳ thực, việc phải chịu đựng chúng trong thời gian kéo dài có thể gây hiệu ứng tích lũy lên thể chất và tinh thần, làm hao mòn dần sức khỏe của bạn.

Về mặt sức khỏe thể chất, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng mặc cảm tội lỗi kéo dài có thể gây ra những triệu chứng bất ổn về mặt thể xác như các cơn đau thắt dạ dày, đau nửa đầu, mệt mỏi, cảm lạnh, cảm giác khó ở và trầm cảm. Mặc cảm tội lỗi cũng có thể làm trầm trọng hơn nhiều căn bệnh mà chủ thể đang mắc phải như mụn rộp (herpes), đau lưng và rối loạn miễn dịch.

Về mặt tâm lý, việc vương vấn với những cảm giác tội lỗi sẽ nhấn chìm bạn trong âu lo và bức bối thường trực, khiến bạn không thể tận hưởng những niềm vui của cuộc sống. Trầm trọng hơn, những cảm xúc tiêu cực này sẽ càng lúc càng mài mòn dần sự tự tin và lòng tự trọng của bạn trong cuộc sống hàng ngày. Những sự thay đổi hành vi dai dẳng này sẽ kéo theo nhiều bệnh tật nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần như lupus, fibromyalgia, mệt mỏi kéo dài và u xơ.

Bí mật của hạnh phúc

ỨNG PHÓ VỚI MẶC CẢM TỘI LỖI

  1. Nhận diện loại mặc cảm tội lỗi mà bạn đang mắc phải và nguyên nhân của nó.

Mục đích của mặc cảm tội lỗi là nhằm giúp chúng ta nhận diện và rút kinh nghiệm từ những hành vi không đúng của mình. Vấn đề phát sinh khi có những mặc cảm tội lỗi thực sự không đáng để chúng ta dằn vặt mình. Chẳng hạn, nhiều bà mẹ trở lại cơ quan sau thời gian nghỉ thai sản thường cảm thấy tội lỗi vì mình không thể tiếp tục ở nhà chăm sóc con. Đây là một mặc cảm tội lỗi không đáng có, vì trên thực tế nhiều đứa trẻ vẫn lớn lên và phát triển bình thường dù cả bố mẹ đều đi làm. Đây được gọi là mặc cảm tội lỗi tiêu cực – loại cảm giác chúng ta cần phải hạn chế tối đa.

Một ví dụ khác, nếu bạn cảm thấy tội lỗi vì mình vừa ăn hết năm thanh sô-cô-la to, đây là một mặc cảm tội lỗi tích cực, vì nó cảnh báo rằng bạn vừa ăn sô-cô-la quá nhiều so với mức độ cho phép, và thói quen này sẽ có hại cho sức khỏe. Đây là loại cảm giác tội lỗi bạn nên có vì nó giúp bạn nhận diện và hạn chế những thói quen và hành vi có hại với bản thân.

  1. Khắc phục, sửa chữa sai lầm càng sớm càng tốt:

Trong khi mặc cảm tội lỗi tiêu cực khiến bạn cảm thấy tệ hại một cách không đáng có, thì mặc cảm tội lỗi tích cực lại là một trạng thái cần thiết, nói cho bạn biết những điều mà bạn cần thay đổi để sửa sai hoặc hàn gắn các mối quan hệ. Nếu bạn mang cảm giác tội lỗi tích cực và chính đáng, hãy khắc phục và sửa chữa sai lầm ngay lập tức. Những mặc cảm tội lỗi chưa được xóa bỏ sẽ đè nặng tâm hồn, khiến chúng ta không thể vui sống. Hãy mạnh dạn xin lỗi những người mà bạn đã có hành vi không phải với họ.

  1. Thừa nhận những sai lầm của mình và tiến về phía trước:

Mọi sự xin lỗi hay hối lỗi của bạn chỉ có giá trị khi bạn thừa nhận sai lầm của mình và chấp nhận thực tế rằng bạn không thể thay đổi quá khứ. Điều quan trọng sau đó là hãy tha thứ cho chính mình, sống lạc quan và hướng về tương lai. Nếu bạn cứ tiếp tục dằn vặt bản thân mình vì lỗi lầm và cho rằng mình không xứng đáng được tha thứ, mặc cảm tội lỗi sẽ cứ tiếp tục đeo bám bạn, làm hao mòn sức khỏe và hủy hoại các mối quan hệ của bạn.

  1. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm và thói quen không tốt.

Mục đích của những cảm giác tội lỗi chính là để báo hiệu cho bạn biết về sự hiện diện của những thói quen, hành vi hoặc không tốt cho bản thân bạn hoặc gây phương hại đến những người xung quanh, để bạn nhận thức và khắc phục ngay những hành vi hoặc sai lầm đó. Nếu bạn không chịu sửa chữa, không rút ra được bài học hoặc kinh nghiệm từ những lỗi lầm đó, chúng sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt cuộc đời bạn cho đến khi bạn dám đối mặt với chúng và khắc phục chúng. Trong khi đó, nếu bạn sớm nhận ra, dũng cảm đối mặt và sửa chữa sai lầm của mình, mọi cảm giác tội lỗi sẽ tan biến.

  1. Không cầu toàn.

Nhân vô thập toàn” – trên đời này không có một con người hay sự vật, sự việc nào hoàn hảo cả. Việc bạn cố gắng vươn đến sự hoàn hảo để loại bỏ hoàn toàn mọi cảm giác tội lỗi chỉ càng khiến bạn trượt dài trong thất bại và bất hạnh, vì đó là điều không tưởng.

Tất cả chúng ta đều sẽ phạm sai lầm vài lần để khôn lớn và trưởng thành hơn trong đời. Những sai lầm này chắc chắn sẽ khiến chúng ta cảm thấy đau khổ hoặc tội lỗi. Nhưng điều quan trọng ở đây chính là nhận ra những sai lầm đó và thừa nhận rằng: chúng ta chỉ là con người, và việc mắc sai lầm là điều khó tránh khỏi! Đừng phí phạm hàng ngày, hàng giờ, thậm chí nhiều tháng nhiều năm để dằn vặt bản thân mình rồi than trách “Giá như…”, vì cuộc sống là thế! Bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng bạn luôn có quyền tha thứ cho chính mình, tận hưởng hạnh phúc trong hiện tại và hướng về tương lai!

.

~PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

(Tổng hợp từ Internet)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.