Xem tướng đoán việc hay nhìn tướng mạo mà đoán nhân tâm vốn là điều rất thực tế được cả người xưa lẫn nay sử dụng vào việc trọng đại như chuyện quốc gia đại sự cho đến việc thông thường như hôn nhân, cưới hỏi. Vua Lý Thái Tông cũng không ngoại lệ.
Năm Ất Hợi (1035), vua Lý Thái Tông (1000-1054) ngự ở hành dinh, ban yến cho các quan hầu và tướng soái. Trong bữa tiệc, vua ngầm trỏ vào Định thắng đại tướng là Nguyễn Khánh mà bảo các phi tần rằng:
– Khánh thế nào cũng làm phản.
Các phi tần đều kinh ngạc hỏi:
– Bệ hạ làm sao mà biết, xin hãy giải thích rõ hơn.
Vua nói :
- Trong lòng Khánh có điều bất thường nên nhìn trẫm có vẻ hổ thẹn, đi đứng thất thố, nói năng trái lẽ. Lấy đó mà xét thì đủ biết là người ấy có ý khác, hình trạng đã rõ lắm rồi.
Tháng 10 năm ấy, vua Lý Thái Tông thân chinh dẫn quân đi đánh dẹp ở Châu Ái, việc kinh sư giao lại cho Phụng Càn Vương đảm trách. Nhân việc vua xuất chinh, Nguyễn Khánh cùng em nuôi của mình là Đô thống Đàm Toái Trạng và các hoàng đệ là Thắng Càn, Thái Phúc hợp mưu cùng nhà sư họ Hồ, định làm phản. Nhưng cơ mưu bại lộ, Nguyễn Khánh và nhà sư họ Hồ (hai người chủ mưu) bị xử tử, những người tòng phạm bị trị tội với mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Sự việc quả đúng như lời vua nói. Các phi tần đều lạy hai lạy và thưa rằng:
- Chúng thần thiếp nghe nói thánh nhân có thể thấy được chỗ chưa hiện hình, biết trước được việc chưa xảy ra, nhưng nay mới được chính mắt mình trông thấy.
Tranh vẽ chùa Một Cột, ngôi chùa do vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng, tương truyền ông là một vị vua tôn kính đạo Phật.
Lý Thái Tông năm ấy đã 35 tuổi, làm vua đã được 7 năm, kinh nghiệm từng trải không phải là ít. Trong khi đó, Nguyễn Khánh được phong tới chức đại tướng, thọ ơn mà chẳng hàm ơn lại còn làm phản, tâm địa ấy tự nó tỏa ra ở phong thái lúng túng bề ngoài, làm sao qua nổi mắt Lý Thái Tông.
Người phương Tây có câu ngạn ngữ “Đừng nhìn bìa sách mà đánh giá một quyển sách“, ý nói rằng không nên đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Tuy vậy Phật gia lại có câu “Tướng do tâm sinh“, nghĩa là tướng mạo bề ngoài của con người chính là phản ánh chân thực nội tâm của người ấy. Cho nên việc đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài không phải là bất khả thi, nhưng nó đòi hỏi một số kiến thức nhân tướng học nhất định, cũng như kinh nghiệm sống và giao tiếp.
Một số yếu tố nhân tướng có thể dễ dàng quan sát bao gồm: đôi mắt, giọng nói, dáng đi, tư thế ngồi v.v. Những yếu tố như y phục đẹp hay xấu, nói năng khéo léo hay cục mịch, cư xử cứng rắn hay phục tùng… tuy cũng có thể được xem xét nhưng độ tin cậy không cao, mà vẫn cần phải kết hợp với những yếu tố biểu hiện ra từ chính thân thể cá nhân ấy.
Châu Xuân
Theo Việt sử giai thoại – Nguyễn Khắc Thuần
Theo Tinhhoa.net