Mấy suy nghĩ về Dự thảo Đề án
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Chính Phủ
GS. TS. NGND Trần Đình Sử
Thực hiện Nghị quyết “đổi mới căn bản toàn diện giáo duc phổ thông” cuả Đại hội 11 của Đảng, chính phủ đã dự thảo “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, một bản đề án lớn, sẽ có tác động sâu sắc, toàn diện chẳng những đối với giáo dục phổ thong, mà còn đối với giáo dục đại học và toàn bộ đời sống xã hội. Chính vì tầm quan trọng của nó như thế, mà chúng ta cần soát xét rất kĩ lưỡng các cơ sở khoa học của nó, các vấn đề mà nó nêu ra, để khi đem thục thi nó có thể đem lại những kết quả tốt đẹp như chúng ta kì vọng, mà cũng có thể gây xáo trộn, gây bất ổn giáo dục, thậm chí sẽ làm mất các kết quả giáo dục chúng ta hiện có, mà hiệu quả đào tạo con người cũng chưa chắc đã đạt được tốt hơn.
Nhìn chung nội dung chương trình nêu trong đề án có cơ sở khoa học, toàn diện hơn trước, tiếp thu được kinh nghiệm thế giới, rút kinh nghiệm nước nhà trong đợt biên soạn chương trình SGK trước, việc thể hiện yêu cầu tịch hợp và phân hóa rõ ràng, dứt khoát hơn trước. Việc đề xuất hệ thống 10 + 2 có tính khả thi. Tôi cũng tán thành phương hướng đổi mới giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của xã hội, nắm vững phẩm chất, năng lực đầu ra. Tôi cũng tán thành phương châm tăng cường tích hợp ở THCS và phân hóa ở THPT. Tôi cũng tán thành giảm tải hợp lí. Tôi cũng yêu cầu khắc phục bệnh dạy học đọc chép, phản đối dạy học thụ động, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo phương châm phát huy năng lực tự học của học sinh, chú trọng đào tạo năng lực, không dạy học tri thức chết. Tuy nhiên đọc bản Dự thảo đề án tôi thấy có một số vấn đề nổi cộm, xin thẳng thắn nêu ra để các chuyên gia thẩm định lại.
Vấn đề thứ nhất là tôi thấy việc đánh giá thực trạng giáo dục trong đánh giá thực hiện nghị quyết 40/quốc hội không hoàn như sự đánh giá giáo dục trong nghị quyết TW8. Trong nghị quyết đánh giá yếu kém sâu sắc hơn, mạnh hơn, còn đánh giá trong báo cáo thì nương nhẹ hơn. Sự đánh giá đó sẽ ảnh hưởng đến phương hương xây dựng đề án giáo dục lần này. Theo ý tôi nên quán triệt đánh giá củ nghị quyết 29.
Vấn đề thứ hai, là mối quan hệ giữa hệ thống năng lực và tri thức. Trong dự thảo chương trình dựa trên sự đánh giá đối lập dạy kiến thức với đào tạo năng lực, đối lập dạy chữ (kiến thức) với dạy người, dẫn đến yêu cầu sự hài hòa hai mặt ấy, về một mặt nào đó là đúng, song trong bản than sự đối lập ấy đã có cái sai là không xem đào tạo tri thức là đào tạo người, đối lập dạy chữ với dạy người, dẫn đến coi nhẹ đào tạo kiến thức cơ bản lại là rất không đúng. Trong hệ thống các năng lực dự thảo chỉ thấy các năng lực gắn với đạo đức, hành vi xã hội, mà không thấy rõ vị trí của kiến thức trong việc tạo thành các năng lực đó như thế nào. Sự đối lập dạy chữ với dạy người có vẻ như muốn gợi cho người ta thấy dạy người quan trọng hơn, mà không cho thấy chữ chính là một phẩm chất, năng lực cơ bản của người. Phân biệt, đối lập dạy chữ và người ở đây không đúng, chẳng những thế, sẽ gây những ngộ nhận theo lối thô thiển, cốt dạy người, dạy năng lực, còn kiến thức thế nào cũng được nếu không có các nguyên tắc quy định nó. Ví dụ về kiến thức có còn nguyên tắc cơ bản, hiện đại nữa không? Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển như ngày nay, không có chữ là không có gì hết, không làm được gì hết. Ý thức coi nhẹ kiến thức thể hiện rõ nhất khi thuyết minh về nguyên tắc cấu tạo môn tiếng Việt, ngữ văn trong phần phụ lục. Tại trang 40 ghi “Chương trình môn học được tổ chức theo bốn mạch tương ứng với bốn kĩ năng giáo tiếp đọc viết nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và văn học không được biên soạn thành bài học riếng, mà chỉ được dạy học như là công cụ bổ trợ”. Vậy ở đây tiếng Việt và văn học có mạch kiến thức riêng hay không, hay chỉ có mạch kĩ năng là đủ? Kĩ năng là hệ thống, còn tri thức là công cụ? Nếu thế thì học sinh lấy đâu ra “học vấn phổ thông nền tảng”? Nêu ví dụ này dể thấy việc xử lí mối quan hệ giữa hệ thống tri thức và hệ thống năng lực cần có nhận thức thấu đáo, cụ thể hơn, để chỉ đạo việc biên soạn chương trình môn học.
Vấn đề thứ ba là hệ thống các năng lực. Trong hệ thống các năng lực đã cung cấp một hệ thống các năng lực cần phải có. Nhưng còn thấy thiếu hẳn năng lực tự nhận thức về mình, biết yêu quý bản thân mình. Thiếu năng lực này thì không thể nói đến năng lực tự trọng được. Có thể nghĩ rằng quan niệm đạo đức làm cơ sở cho việc xác lập các năng lực này rất cũ, đạo đức nghĩa là biết vâng lời, làm theo các lời khuyên, các chuẩn mực định sẵn. Trong các năng lực này cũng còn thiếu năng lực thẩm mĩ. Vấn đề này tôi đã nêu trong phiên tham vấn trước, được trả lời rằng đó là năng lực chuyên biệt. Nay tôi xin nói rằng nhận thức đó là không đúng, bởi vì năng lực thẩm mĩ, theo quan điểm mác xít là năng lực người phổ quat nhất. Con người làm mọi việc đều theo nguyên tắc của cái đẹp, từ ăn mặc cá nhân đến lời ăn tiếng nói, phép ứng xử với mọi người, từ giữ vệ sinh cá nhân cho đến vệ sinh chung, làng xóm, môi trường…đều theo nguyên tắc cái đẹp cả, tại sao lại hiểu là năng lực chuyên biệt chỉ nằm trong phạm vi hội họa, âm nhạc? Hệ thống năng lực cần được bổ sung, tu chỉnh cho hợp lí.
Vấn đề thứ tư là phương pháp dạy học, không chỉ phương pháp sư phạm nói chung, mà còn là phương pháp dạy học bộ môn. Chúng tôi xin nêu lại nhận thức của chúng tôi ở đây. Chương trình và sách giáo khoa tốt, có chất lượng là một chuyện, mà năng lực quản lí, năng lực dạy học của giáo viên không thực hiện được, việc tổ chức, thi, kiểm tra trong thực tế không đánh giá được, không khích lệ học sinh học tập là một chuyện khác. Thời gian qua chính do sự quản lí yếu kém cũng như lúng túng trong phương pháp dạy học đã không chỉ hạn chế ưu thế của SGK, mà còn gây nhiều bức xúc cho xã hội như học thêm dạy thêm, bài thi theo lối học tủ, bài học ghi theo lối đọc chép. Đó là yếu kém về phương pháp dạy học mà đến nay vẫn chưa khắc phục được. Theo chương trình mới, lại phải tích hợp các môn khoa học xã hội (sử, địa) thì phương pháp dạy tích hợp này là mới hoàn toàn. Lại thêm giáo viên trước nay vẫn đào tạo theo từng môn sử, địa tách biệt, chưa đào tạo các môn tích hợp, vậy lấy đâu ra đội ngữ này. Cho nên vấn đề phương pháp dạy học vẫn cần được coi trọng, đó là điều mà tôi thấy trong đề án, được xây dựng, coi như đã giải quyết xong rồi, không quan tâm nữa. Ngay bộ môn ngữ văn, phương pháp dạy tiếng Việt, dạy đọc hiểu cũng chưa có tiến triển gì nhiều. Bởi nếu có phương pháp tốt thì đã không tái mù, đã viết đũng chính tả và viết câu cú không sai. Người ta có thể thấy ẩn ý của đề án ở đây là cố né tránh vấn đề khó, mà chọn lấy vấn đề dễ. Nói thực ra, việc soạn chương trình và SGK theo chúng tôi là việc không quá khó, còn việc tạo chuyển biến cho cả đội ngũ giáo viên đông đảo về phương pháp dạy học theo định hướng mới là khó hơn rất nhiều. Xây dựng một cái chương trình cho có hình thù mới mẻ, hợp lí, có tiến bộ hơn trước không khó mấy, còn tạo ra hiệu quả mong muốn, tức đầu ra trong thực tế thì khó hơn nhiều. Vì thế, cần phải nêu rõ thực trạng về phương pháp dạy học và phương hướng giải quyết nó như thế nào, một khi toàn bộ chương trình đã thay đổi, còn phương hướng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa thấy có gì đổi mới cả.
Điểm cuối cùng, vấn đề thức năm tôi đề nghị Đề án nên lấy tên là Đề án đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó có chương trình, sách giáo khoa và đổi mới quyết liệt phương pháp dạy học cùng vấn đề đổi mới đào tạo giáo viên, quản lí giáo dục, một vấn đề có tính chất tổng thể. Tôi chưa hiểu vì sao chính phủ lại tách chương trình và SGK ra riêng thành một đề án riêng, còn các vấn đề cơ bản quan trọng khác trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phổ thông thì để cho đề án khác hay sao? Hay là để đển thời hạn sau năm 2020 sẽ làm? Như thế làm sao đồng bộ và làm sao đảm bảo kết quả thực hiện chương trình và SGK lần này? Hay là song song sẽ có đề án khác nữa, nếu thế tại sao không đề xuất lần này cho đồng bộ? Tôi cho rằng xây dựng chương trình và SGK chỉ là kế hoạch dạy học, còn SGK chỉ là tài liệu day và học mà thôi, không có gì là quá khó, nhất là khi chúng ta đã có kinh nghiệm biên soạn chương trình theo nghị quyết 40 của Quốc Hôi năm 2000, và đã có những bộ SGK tốt của giai đoạn hiện hành. Chỉ cần tham khảo một số kinh nghiệm của một số nước là có thể làm được. Cái khó là làm sao có được một đội ngũ giáo viên có phương pháp mới tương ứng với chương trình, lôi cuốn học sinh vào phương thức đào tạo mới tạo ra hiệu quả đầu ra như toàn dân mong muốn. Theo tôi, chính phủ nên nhìn vào mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục như một bộ máy vận hành tổng thể để chỉ đạo dự thảo đề án. Không nên coi chuong trình và sách giáo khoa, một khâu trong bộ máy ấy như là khâu quan trọng nhất, quyết định nhất, dễ rơi vào phiến diện. Việc thực hiện nghị quyết 40/quốc hội ta đã làm như thế này rồi, và đã hạn chế rất nhiều hiệu quả, chẳng lẽ chúng ta lần này lại lặp lại vết xe cũ.