Trong thời chiến tranh lạnh, các máy bay do thám SR-71 và U-2 là những vũ khí thăm dò từ trên không chính của siêu cường Mỹ. Còn thế kỷ 21 thì sao?
Kể từ khi vị tư lệnh quân đội đầu tiên cử một tay trinh sát leo lên cây để nhìn nhận chính xác hơn về thế trận của quân địch, công nghệ do thám trên không đã phát triển ra ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Càng bay cao bạn càng nhìn xa nên công nghệ do thám quân sự gắn chặt với sự phát triển của lực lượng không quân.
Do thám từ trên không trở nên đặc biệt sôi động thời chiến tranh lạnh. Máy bay U-2, do kỹ sư Clarence “Kelly” Johnson ở Tập đoàn Lockheed Martin thiết kế vào những năm 1950, là một thiết bị nổi bật: có thể bay cao hơn so với tầm với của tên lửa. Thiết bị này vận hành tốt cho tới năm 1960 khi một chiếc U-2 do phi công Francis Gary Powers lái bị một tên lửa tối tân của Liên Xô bắn hạ.
Lockheed F-35B – (Ảnh: udn.com)
Thiết kế tiếp theo của Johnson, A-12, đã cải thiện đáng kể tốc độ cho máy bay do thám. A-12 sau này được cải tiến thành SR-17, có thể bay với tốc độ gấp ba lần vận tốc âm thanh. Nhưng khi chiến tranh lạnh kết thúc, chương trình SR-17 bị hủy bỏ vào cuối những năm 1990 và các máy bay U-2 cũng ngừng vận hành không lâu sau đó.
Thế còn hiện nay loại máy bay do thám quân sự hiện đại nào đang được sử dụng và tương lai thì sao?
Boeing Wedgetail
Thiết kế và chế tạo một chiếc máy bay có thể mất hàng thập kỷ. Nên nếu một thiết bị do thám có thể gắn vào một thiết kế máy bay trước đó đã được chứng minh là đáng tin cậy thì sẽ có cơ hội lên trời sớm hơn.
Các máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) là những ví dụ. Chúng được đưa lên rất cao trên bầu trời để tạo thành một mạng lưới bảo đảm phát hiện bất kỳ máy bay hay tên lửa nào của đối phương đã xuất kích, càng sớm càng tốt. Nổi tiếng nhất loại này là Awacs (viết tắt của “hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm”), một chiếc phản lực Boeing 707 có trang bị rađa cực kỳ nhạy cảm hình nấm.
Boeing Wedgetail – (Ảnh: blogspot.com)
Thế hệ máy bay AEW mới nhất là Wedgetail (nghĩa là “đuôi hình nêm”), được chế tạo lại từ một máy bay chở khách của Boeing (lần này là 737). Không giống như rađa có thể xoay được của Awacs, rađa của Wedgetail được cố định và “hướng nhìn” được lập trình điện tử. Điều đó cho phép Wedgetail tập trung vào vùng không phận có nhiều hoạt động nhất.
Wedgetail được Boeing phát triển cho không quân hoàng gia Úc (RAAF) và sáu chiếc đã được chuyển giao. Riêng việc trang bị cho các máy bay này cũng tốn rất nhiều thời gian. Dự án bắt đầu từ năm 1996 với một hợp đồng chuyển bốn máy bay ký vào năm 2000, nhưng chiếc đầu tiên chỉ được giao cho RAAF năm 2009 và đi vào hoạt động thật sự từ năm 2012. Tổng chi phí của chương trình này có thể vượt 3,6 tỉ AUD (3,36 tỉ USD).
Airseeker/Rivet Joint
Phiên bản máy bay do thám mới nhất của không quân hoàng gia Anh (RAF) dựa trên một chiếc máy bay cũ. Anh đã nhận được chiếc đầu tiên trong ba chiếc RC-135, được đặt tên là Airseeker, thuộc phi đội Rivet Joint. Chiếc máy bay này khởi nguồn là những chiếc Boeing 707 những năm 1960, trên máy bay có thể chở hơn 30 chuyên gia phân tích, kỹ thuật viên và kỹ sư vận hành hệ thống.
Airseeker/Rivet Joint – (Ảnh: defence. Pk)
Nhưng Airseeker/Rivet Joint không chụp hình hay quét các không phận bằng rađa. Vai trò chính là thu thập các tín hiệu thu phát điện tử viễn thông bay khắp các chiến trường ngày càng được số hóa thời hiện đại.
Chính xác Rivet Joint làm điều đó như thế nào vẫn là thông tin được xếp loại tối mật của quân đội Anh. Trang chủ của RAF cung cấp rất ít thông tin về điều đó, nhưng các trang web quân sự ở Mỹ nói “những thiết bị cảm ứng tối tân trên máy bay… cho phép phi hành đoàn phát hiện, nhận dạng và định vị vị trí địa lý của các tín hiệu được phát đi qua trường điện từ”. Điều đó có nghĩa là máy bay do thám này có thể phát hiện khi nào, ở đâu và các thiết bị gì đang thu phát tín hiệu dù là sóng radio, rađa hay các tín hiệu điện tử khác.
Các phản lực cơ chiến đấu
Không phải máy bay do thám nào cũng to lớn kềnh càng như các máy bay đã được đề cập trên. Các máy bay chiến đấu đã thực hiện những nhiệm vụ do thám trong nhiều năm trời. Máy bay chiến đấu ngày nay rất hiện đại và các thiết bị cảm ứng đi kèm cũng thế. Phi công có thể nhận được hình ảnh và các dữ liệu khác từ hàng loạt thiết bị cảm ứng gắn trong máy bay.
Lấy ví dụ chiếc GR4 của RAF. Máy bay này được trang bị thiết bị cảm ứng DB-110 gắn vào thân máy bay. Hoạt động như một máy chụp ảnh, DB-110 có thể cung cấp những bức ảnh chi tiết tới kinh ngạc từ khoảng cách lên tới 70 dặm Anh (112km). GR4 từng được sử dụng ở Afghanistan. Các bức ảnh sau đó được chuyển cho những chuyên gia phân tích. Họ sẽ nhìn thấy không chỉ các tòa nhà, xe tăng hay xe tải, mà còn phát hiện được cả các vùng đất bị xáo trộn so với xung quanh, chỉ dấu về khả năng có thể có thiết bị nổ chôn bên dưới. DB-110 cũng có thể chụp các bức hình 3D để các nhà phân tích đánh giá một bức tường cao bao nhiêu hoặc một khu đất trống có đủ bằng phẳng để đáp máy bay trực thăng hay không.
Máy bay U-2 – (Ảnh: wikipedia.org)
Chiếc máy bay chiến đấu tiếp theo mà quân đội Anh sắp tiếp nhận, Lockheed F-35B sản xuất ở Mỹ, cũng được trang bị những năng lực thám báo chưa từng có. Ngoài hệ thống cảm biến thông thường trên máy bay, F-35B có khả năng truyền tải rất nhiều dữ liệu thẳng cho phi công chỉ trong một bước.
Với thiết bị này, khi viên phi công quay đầu trên máy bay và bật thiết bị, hình ảnh từ các thiết bị cảm ứng kết nối với nón của viên phi công sẽ cho thấy cận cảnh họ đang nhìn gì. Các camera trong buồng lái giúp viên phi công khi nhìn ra khỏi máy bay và thấy một máy bay của quân địch hay một mục tiêu đang di chuyển sẽ nhận ra được đó là vật thể gì, hướng di chuyển và tốc độ di chuyển cùng nhiều thông tin khác.
UAV
Máy bay không người lái hay UAV là một cuộc cách mạng trong công nghệ máy bay do thám, và lợi ích là thời gian hoạt động bền bỉ (một viên phi công sẽ phải ăn uống, nghỉ ngơi). Hạn chế duy nhất của loại máy bay do thám này là thời gian hoạt động tương ứng số nhiên liệu mà nó có thể chở theo.
Một chiếc Reaper (loại máy bay không người lái được RAF sử dụng ở Afghanistan) có thể hoạt động liên tục khoảng 18 tiếng. Những hình ảnh quay được từ máy bay sẽ truyền xuống mặt đất hầu như không gián đoạn và thường người xem hình ảnh đó không nhất thiết phải có mặt tại Afghanistan: các viên phi công lái máy bay có thể đang ngồi ở Lincolnshire, Anh, hoặc Nevada, Mỹ.
Máy bay không người lái Global Hawk – (Ảnh: northropgrunman.com)
Tất nhiên, các máy bay UAV chỉ có thể được sử dụng khi bạn hoàn toàn làm chủ vùng trời. Một chiếc Reaper không thể tránh nổi ngay cả loại tên lửa đất đối không thô sơ nhất. Hiện Mỹ, Anh và châu Âu đang đầu tư cho một hệ thống UAV có thể chiến đấu mới, với các tính năng tàng hình tốt hơn, sử dụng động cơ máy bay phản lực và có khả năng tránh né tên lửa tốt hơn. Kích cỡ cũng là một vấn đề với UAV. Chiếc UAV lớn nhất trên thị trường hiện nay, Global Hawk của Hãng Northrop Grumman, vẫn chưa đủ lớn để mang một rađa thường dùng trên một chiếc Awacs.
Lockheed Martin SR-72
Sau khi SR-71 được nhập kho cuối những năm 1990, các chuyên gia hàng không bắt đầu tìm kiếm kẻ thay thế. Tháng 11-2013, tạp chí chuyên về hàng không Aviation Week đăng một bài phóng sự gây tiếng vang về công việc của bộ phận chuyên mảng công nghệ cao của Hãng Lockheed Martin, Skunk Works, trong đó có tiết lộ về một mẫu máy bay do thám siêu hiện đại của tương lai, SR-72.
SR-71 – (Ảnh: vfp62.com)
Chiếc máy bay này, theo mô tả của Aviation Week, vẫn còn mất một thời gian nữa mới có thể cất cánh. Máy bay không người lái SR-72 sẽ được trang bị động cơ phản lực giúp bay ở tốc độ 6.400 km/giờ, gấp đôi so với SR-71. Nếu mọi chuyện đúng kế hoạch, mẫu bay thử đầu tiên sẽ cất cánh vào thập kỷ tới. Nhưng ngay cả với những sự ủng hộ từ giới quân sự Mỹ và đầu tư lớn của Tập đoàn Lockheed Martin, không có gì bảo đảm chắc chắn SR-72 sẽ trở thành hiện thực.
Mô hình SR-72 trên Aviation Week – (Ảnh: wordpress.com)
Trích nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/congnghemoi/cong-nghe-moi/55032_nhung-may-bay-do-tham-sieu-hien-dai-the-ky-21.aspx
2014-07-24 22:13:11
Nguồn: http://www.chuyenla.com.vn/cong-nghe/13246-nhung-may-bay-do-tham-sieu-hien-dai-the-ky-21.html