Cho đến nay, gần như tất cả các hành tinh được tìm thấy bên ngoài hệ mặt trời đã đi theo một quy ước đặt tên khá chặt chẽ, điều này dẫn đến sự rắc rối với nhiều ký tự phức tạp chẳng hạn như OGLE235-MOA53 b. Đó là nguyên nhân vì sao Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) sẽ cho phép công chúng đặt tên hành tinh dễ nhớ, dễ hiểu hơn từ cuối năm nay. Được biết, một danh sách gồm 305 hành tinh được xác nhận là tìm thấy thật sự trước ngày 31/12/2008 đã được soạn thảo, và đến tháng 10 năm nay sẽ đệ trình để lựa chọn một số hành tinh cho việc đặt tên này.
IAU có trụ sở chính ở Paris, trước đây họ đã từng không cho phép đặt tên hành tinh một cách tùy tiện. Đến nay IAU cũng nhận thức rằng hàng ngàn hành tinh liên tục được tìm thấy mà quá trình đặt tên đơn giản với các ký tự lại cho ra cái tên quá dài và phức tạp. Vì lẽ đó, IAU đã phối hợp với tổ chức Zooniverser đã quyết định cho phép một số hành tinh được đặt tên ‘thoải mái’ vì lợi ích cộng đồng, dưới hình thức là một cuộc thi mang tên NameExoWorlds.
Dự kiến vào tháng 9 năm nay, các câu lạc bộ thiên văn học và các tổ chức phi lợi nhuận sẽ được phép đăng ký với IAU. Sau đó vào tháng 10, khoảng 20-30 hành tinh trong tổng số 305 hành tinh sẽ được chọn ra và đặt tên. Sở dĩ chỉ có 305 hành tinh ban đầu được lựa chọn trong vô số các hành tinh đã được tìm thấy là vì một số khám phá mới được công bố nhưng khi kiểm chứng thì lại không tồn tại.
Theo kế hoạch, tháng 12 năm nay thư mời chính thức của IAU sẽ gởi đến các tổ chức. Tên mới phải theo một số nguyên tác như sau: không quá 16 ký tự, không được phép xúc phạm bất kỳ ai, phải phát âm được và không được dùng tên người đang còn sống. Vào tháng 3/2015, công chúng sẽ được phép bỏ phiếu cho các đề xuất, đến tháng 8/2015 kết quả sẽ được công bố tại một buổi lễ tổ chức ở Honolulu (Mỹ). Tên mới của hành tinh dễ nhớ sẽ tồn tại bên cạnh các tên khoa học hiện có.