Một nhóm các nhà khoa học đã chính thức liên lạc lại được với ISEE-3, con tàu vũ trụ đã chấm dứt hoạt động từ 17 năm qua sau khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) quyết định trao quyền kiểm soát con tàu cho họ.
Trong một thông báo chính thức, các nhà khoa học trong dự án ISEE-3 Reboot khẳng định rằng, họ đã thiết lập được kết nối 2 chiều với con tàu 36 tuổi đang lưu lạc trong vũ trụ này.
Việc kết nối với ISEE-3 đã thành công
Tàu vũ trụ ISEE-3 được đưa vào vũ trụ vào năm 1978 với nhiệm vụ nghiên cứu mối quan hệ giữa Mặt trời và Trái đất. Nó được giao khá nhiều nhiệm vụ trong vòng 3 thập kỷ sau đó. Tuy nhiên, NASA quyết định cắt liên lạc với ISEE-3 vào năm 1997.
Chơ tới hơn 10 năm trước, NASA phát hiện ra rằng, con tàu vẫn tiếp tục bay theo quỹ đạo của mình dù không nhận được bất cứ lệnh nào từ NASA. Vì sao không kết nối lại với còn tàu và giao cho nó một nhiệm vụ mới? Tuy nhiên, vấn đề là ăng-ten được sử dụng để kết nối với với ISEE-3 đã được gỡ bỏ. Bên cạnh đó, để có thể thực hiện việc kết nối, cần có một khoản kinh phí rất lớn. Vì vậy, NASA đã quyết định giao nhiệm vụ kết nối với con tàu vũ trụ lưu lạc lại cho các nhà khoa học nghiệp dư.
Một nhóm các nhà khoa học đến từ SkyCorp, SpaceRef, Space College Foundation và nhiều nhóm các nhà khoa học khác đã quyết định nhận nhiệm vụ này.
Để thực hiện dự án của mình, nhóm các nhà khoa học say mê thiên văn học đã tổ chức một chiến dịch huy động vốn công khai từ cộng đồng (crowdfunding). Ban đầu, họ đặt mục tiêu là 100 ngàn USD. Tuy nhiên, tới khi chiến dịch kết thúc, họ đã đạt được con số hơn 150 ngàn USD.
“Kế hoạch của chúng tôi rất đơn giản: Chúng tôi sẽ liên lạc với tàu vũ trụ ISEE-3, điều khiển động cơ của nó để đưa nó về gần quỹ đạo gần Trái Đất, và sau đó tiếp tục sứ mệnh ban đầu của nó”, Keith Cowing, một cựu kỹ sư NASA thuộc nhóm các nhà khoa học nói trên nói.
Để có thể liên lạc với ISEE-3, các nhà khoa học này buộc phải xây dựng lại toàn bộ phần mềm được dùng để kết nối với con tàu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Điều đó có nghĩa là họ phải lục lại kho tài liệu khổng lồ, cũ kỹ tìm lại các lệnh gốc sau đó tái thiết lại chúng.
Dự án Tái khởi động ISEE-3
Không có sự hỗ trợ từ NASA và chỉ có khoảng thời gian từ một đến hai tháng trước khi ISEE-3 tiến gần tới quỹ đạo Trái đất nhất vào mùa hè này, các nhà khoa học đã phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã thành công.
Và đây mới là điều quan trọng. Họ sẽ làm gì tiếp theo trong những ngày tới, khi đã kết nối được với ISEE-3?
“Trong thời gian tới, nhóm chúng tôi sẽ đưa ra đánh giá tình trạng tổng thể của con tàu, tinh chỉnh các kỹ thuật cần thiết để khởi động động cơ của nó và đưa nó trở lại quỹ đạo gần Trái Đất”, một nhà khoa học thuộc nhóm Reboot nói.
Việc kết nối với ISEE-3 đã được thực hiện tại Đài thiên văn Arecibo ở Puerto Rico, nơi các nhà khoa học cộng tác với một mạng lưới toàn cầu những người yêu thích thiên văn để tài trợ và điều hành dự án.
Trích nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/vu-tru/54038_ket-noi-duoc-voi-tau-vu-tru-luu-lac-17-nam.aspx
2014-06-02 22:00:07
Nguồn: http://www.chuyenla.com.vn/thien-van/12652-ket-noi-duoc-voi-tau-vu-tru-luu-lac-17-nam.html