Quan niệm chân thiện mĩ thống nhất với nhau là lí tưởng tối cao của phần nhiều triết lí đông tây. Đó là một tư tưởng đạm màu lí tính và đã bị không ít các nhà lí luận bác bỏ bằng nhiều lí luận và thực tế sáng tác, tuy nhiên vẫn là vấn đề rất phức tạp, còn nhiều khía cạnh cần được bàn bạc cụ thể.
1. Các nhà Khai sáng phương Tây là người nêu ra lí tưởng thống nhất chân thiện mĩ một cách sáng tỏ nhất. Tư tưởng thống nhất chân thiện mĩ có thể có nhiều người nói đến, song nổi bật nhất là do các nhà Khai sáng đưa ra. Trước tiên, Diderot trong bài Những tùy bút về hội họa nêu lên tư tưởng Cái đẹp, cái tốt và cái thật thống nhất với nhau. Tiếp theo là Baumgarten nêu ra trong sách Mĩ học năm 1750. Kế đó là nhà lí luận Pháp Condorset trong công trình Bàn về sự tiến bộ của lí tính nhân loại khẳng định lại tư tưởng đó. “Tự nhiên đã dùng một sợi xích vững chắc để buộc chặt chân lí, hạnh phúc và cái đẹp thành một khối.” Tư tưởng của các nhà Khai sáng vẫn theo nguyên lí nghệ thuật mô phỏng tự nhiên. Diderot khẳng định: “Tự nhiên không làm gì sai quy tắc cả”, ý nói quy tắc sự thật, quy tắc cái thiện và quy tắc cái đẹp. Nếu ta biết quan sát tự nhiên, các quy luật cấu tạo sự vật, của ánh sáng, màu sắc, âm thanh, bóng tối, sự phối trí, sự hài hòa…, biết mô phỏng quy luật của nó thì sẽ tạo ra tác phẩm vĩ đại, trong đó chân, thiện, mĩ thống nhất với nhau. Đó là tính nhất nguyên của thuyết mô phỏng tự nhiên.
2. Trong thực tế, chân thiện mĩ khó có khả năng thống nhất với nhau. Theo Lão Tử trong Đạo đức kinh, chương 81, chương cuối cùng, cái thật và cái đẹp không đi đôi, bới vì theo bậc trí giả phương Đông này, “Lời thật thì không đẹp, mà lời đẹp thì không thật. Người tốt không giỏi nói lí, người khéo nói lí thì không tốt; người hiểu đạo không biết rộng, kẻ biết rộng không biết đạo, ” (Tín ngôn bất mĩ, mĩ ngôn bất tín; thiện giả bất biện, biện giả bất thiện; tri giả bất bác, bác giả bất tri). Lời nói thật thì khó nghe, trung ngôn nghịch nhĩ. Lời nói ngọt ngào, bùi tai đều là dối trá. Mà lời đã giả dối thì cũng không có giá trị thiện căn đạo đức gì cả. Chân, mĩ, thiện, biện, tri, bác là các phương diện khác nhau, không thống nhất với nhau. Phạm vi của Lão Tử có hẹp hơn. Ông chỉ bàn quan hệ giữa lời thật và lời đẹp, một quan hệ có tính loại trừ. Qua đó cũng có thể thấy quan hệ của chúng trong văn học, nghệ thuật ngôn từ. Văn học thật, không đẹp, văn học đẹp không thật.
Trong thời cận đại, nhà thơ tượng trưng Pháp Baudelaire có lẽ là một trong những người chủ trương duy mĩ, đầu tiên phản đối sự thống nhất đó. Ông nói : “Mục đích của thi ca không phải là nâng con người lên cao hơn các lợi ích phàm tục, nếu nhà thơ chạy theo một mục đích đạo đức thì ông ta sẽ làm suy yếu đi sức mạnh của thơ. Thơ không thể đặt ngang hàng với khoa học và đạo đức, nêu không thơ sẽ suy tàn và chết. Thơ không lấy chân thực làm đối tượng, nó chỉ lấy bản thân nó làm mục đích.” Một chỗ khác ông viết: “Thơ không thể lấy bất cứ cái gì ngoài nó làm mục đích, chỉ có những bài thơ viết đơn thuần ra vì niềm vui mới vĩ đại và cao quý, mới xứng đáng với tên gọi của thơ.” Theo ông cái thật, cái thiện cái đẹp ở những vị trí khác nhau, có chức năng khác nhau, nếu thông nhất thì cái này phá hoại cái kia. Thơ chỉ lấy thơ làm mục đích. Quan niệm này có chỗ thống nhất với Lão Tử. Một thời gian dài chúng ta phê phán quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật, song ngày nay không thể không thấy tính hợp lí nhất định của nó.
L. Tolstoi là người chống duy mĩ, sùng thượng đạo đức cũng là người phản đối công thức trên rất dữ dội từ một lập trường khác. Trong công trình Nghệ thuật là gì, viết vào năm 1889 ông công kích kịch liệt cái công thức thống nhất ba yếu tố đó. Trước hết ông phản đối định nghĩa nghệ thuật là biểu hiện cái đẹp, bởi vì cái đẹp là khái niệm được định nghĩa tù mù trong hầu hết các sách mĩ học, nó chưa xác định rõ ràng đẹp là gì thì xác định nghệ thuật sao được ? Còn nếu hiểu cái đẹp là những gì khiến người ta thích thú, dễ chịu, khoái cảm mà không khêu gợi dục tình hoặc hiểu đẹp là mô phỏng tự nhiên, hài hòa, cân đối… thì chỉ xác định được vài khía cạnh của nghệ thuật chứ không phải toàn bộ nghệ thuật như ta biết. Cái bộ ba chân thiện mĩ được ông Baumgarten nâng lên hàng bản chất siêu hình của nghệ thuật, mà trong thực tế chẳng có gì tương tự như thế cả. “Cái thiện là mục đích tối cao của nhân sinh, cái thiện là khát vọng hướng đến chúa, là cái không định nghĩa được, nhưng nó lại định nghĩa hết thảy những gì còn lại. Cái đẹp là cái làm ta thích thú, khoái cảm, nhưng nó là cái luôn luôn có tính thiên vị, cái đó không thể có quan hệ với cái thiện được. Còn chân lí là sự phù hợp của phán đoán với bản chất của sự vật. Ba cái đó, chân thiện mĩ chẳng có gì chung với nhau cả thì chúng thống nhất làm sao được?” Nhà văn Nga chứng minh tính dị chất của ba thuộc tính chân thiện mĩ, khiến chúng khó thống nhất với nhau. (Nghệ thuật là gì, nxb. Người đương thời, M. 1985, tr. 179, tiếng Nga).
Nhà xã hội học người Đức là Max Weiber chủ trương giá trị đa nguyên, các giá trị, theo ông, giống như các thần trong thần thoại Hy Lạp, các thần chẳng ai chịu ai và không bao giờ hòa hợp với nhau. Từ đó, trong một lần diễn thuyết năm 1919 về đề tài Học thuật và chính trị ông đã nói như đinh đóng cột: “Một vật sở dĩ đẹp là vì nó không chân, không thiện. Một sự vật sở dĩ là chân thật chính là do nó không đẹp và không thiện. Mà chỉ vì nó không đẹp, không tốt, nó mới là chân. Chân thiện mĩ căn bản là tách rời nhau chứ không phải thống nhất với nhau.” “Đó là một chân lí hết sức thông thường, ai cũng hiểu.”(Tuyển tập tác phẩm xã hội học, bản tiếng Anh, tr. 147 và tiếp theo.). Weiber cũng cho rằng ba giá trị chân thiện mĩ có tính loại trừ nhau, không nhất thiết phải thống nhất.
M. Bakhtin cũng cho rằng, nhận thức không chấp nhận một thực tại đã được đánh giá về mặt luân lí hay đã được tạo hình thẩm mĩ. Theo nghĩa ấy, nhận thức không chấp nhận bất cứ cái gì đã tìm thấy trước trong thực tại, nó phải bắt đầu từ đầu, và bất cứ cái gì đã tìm thấy trước đều phải vứt bỏ khỏi boong tàu trên con được đi tới của nó. Nghĩa là nhận thức độc lập với luân lí và thẩm mĩ. (M. Bakhtin. Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, trong sách Những vấn đề văn học và mĩ học, M. 1975, tr. 97) .
Trong thời đại hậu hiện đại, khi mọi đại tự sự bị hoài nghi, khi mội ý nghĩa trong các văn bản đều không ổn định, bị hiểu khác nhau và trì hoãn, không tiếp cận được thì mọi chân lí đều tù mù. Chân lí luôn thay đổi, tiêu chuẩn cái thiện cái mĩ cũng thay đổi. Chủ nghĩa bản chất bị nghi ngờ, các chân lí phổ quát bị chính cuộc sống nghiệt ngã phủ định, thì niềm tin vào chân lí phổ quát đã lung lay tận gốc. Bây giờ chỉ còn là các chân lí cục bộ, đúng cho từng nơi từng lúc, từng người, thì nền tảng của cái Chân bị lung lay hoặc thu hẹp phạm vi lại. Chân lí do quyền lực sinh ra, nó hư cấu ra nhiều sự thật không chứng minh được, do đó nó mất đi tính chất tôn nghiêm. Cái thiện trước vốn là những nguyên tắc ràng buộc hành vi con người trong cộng đồng, lại thường bị chà đạp vì lợi ích ích kỉ, nhóm, cái xấu, đẹp lẫn lộn. Do đó sự thống nhất chân thiện mĩ đang trở thành câu hỏi lớn.
3. Chỉ trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật người ta có thể thực hiện sự thống nhất chân, thiện, mĩ, song phải điều chính nội hàm khái niệm và quan hệ của chúng một cách khác. Tính chân thực của văn học là phức tạp nhất. Roman Ingarrden đã từng nêu ra hơn 40 định nghĩa khác nhau, đủ thấy nó khó nhận thức biết chừng nào (Các nghiên cứu về mĩ học, M. Khoa học, 1962). Chân thực ở đây không đồng nhất theo nhận thức luận. Nếu xét văn học như một diễn ngôn, một tu từ học, một diễn thuyết, nghĩa là sự sáng tạo một thực tại tinh thần có ý nghĩa, thì văn học giống như một ngôn ngữ hành vi (thuật hành), thì tính chân thực phải xét theo cách khác. Văn học là sáng tạo hư cấu, không phải sao chép hiện thưc, do đó tính chân thực của văn học là chân thực của các khả năng trong đời sống mà nhà văn đã lựa chọn, khái quát thành thế giới nghệ thuật. Tính chân thực ở đây là phù hợp với các khả năng đời sống. Khi người đọc chấp nhận thế giới ấy như là có thật, thì nó có tính chân thật. Cái thật ấy phải đi trước, sau đó mới tiến hành đánh giá nó về mặt đạo đức, luân lí như đối với mọi hiện tượng đời sống. Một hiện thực mà đã thừa nhận từ trước là chân chính, là tốt đẹp rồi, thì tuyệt đối không còn là hiện thực của nhận thức nghệ thuật. Chỉ sau khi đã có cái hiện thực đã được nhận thức và đánh giá như một phát hiện rồi thì nhà văn mới bắt đầu sáng tạo hình thức nghệ thuật cho nó. Hình thức đóng vai trò là cái thẩm mĩ dùng để tạo hình thức cho thế giới nghệ thuật, bao chứa nó từ bên ngoài, biến nó thành khách thể thẩm mĩ đối với người đọc. Nghệ sĩ với vị thế đứng ngoài (вненаходимость) có khả năng bao quát, hoàn tất nội dung tác phẩm, anh ta mở đầu, triển khai và kết thúc, khiến cho người đọc được soi ngắm, thể nghiệm. Cái thẩm mĩ là hình thức chủ thể cho nên nó cũng bày tỏ thái độ ngợi ca, đồng tình, mỉa mai, chế nhạo đối với cuộc sống trong tác phẩm. Cái thiện trong nghệ thuật có thể chỉ là quan điểm đánh giá, cũng có thể là cái cần phải có theo quan điểm lí tưởng nào đó. Cái trước là cái thiện trong văn học phê phán, còn cái sau là sản phẩm của cảm hứng lãng mạn, nhiều khi không tưởng, mà như thế lại càng không thật. Đó là khái niệm chung về “sự thống nhất” chân thiện mĩ trong văn học nghệ thuật theo một trật tự đặc biệt. Đó chỉ là một sự thống nhất có tính quy ước trong từng trường hợp cụ thể.
Cái thẩm mĩ trong nghệ thuật, theo M. Bakhtin trong bài nghiên cứu đã nêu trên, là thuộc về hình thức dùng để hoàn tất hiện tượng đời sống được thể hiện trong tác phẩm. Như thế nội dung của văn học là những cái khả nhiên (sự kiện có thể có, xin xem bài Văn học như tư duy về cái khả nhiên của cúng tôi) của đời sống do nhà văn phát hiện ra, được đánh giá về đạo đức, luân lí, nó không nhất thiết là cái đẹp hay cái xấu, cái ác, miễn là cái có ý nghĩa, có tầm quan trọng về mặt xã hội, nhân văn phổ quat là được. Quan niệm văn học nghệ thuật chỉ miêu tả cái đẹp trong cuộc sống là không đúng với thực tế. Nghệ thuật vẫn thường miêu tả cái xấu và cái ác, cái bạo lực, cái tội lỗi, và không phải mọi đánh giá đạo đức, thẩm mĩ đều che lấp được sức lôi cuốn hấp dẫn của các thứ đó. Kim Bình Mai, Phế đô không giấu được sự ham thích tính dục, Đàn hương hình không che giấu sự thích thú với tội ác túng xẻo, Chém treo ngành không giấu được sự hâm mộ đối với lối chém người có nghệ thuật. Cái thiện không nhất thiết là cái hoàn thiện, mà là nội dung đạo đức, luân lí thể hiện trong khi đánh giá các hình tượng nhân vật, hiện tượng đời sống. Cái thẩm mĩ, là hình thức sáng tạo độc đáo mang cá tính của nghệ sĩ. “Hoạt động thẩm mĩ là hướng tới chất liệu, chỉ tạo hình cho nó: hình thức có ý nghĩa thẩm mĩ là hình thức của chất liệu, một chất liệu có tính khoa học tự nhiên hay có thể hiểu được bằng ngôn ngữ, hình thức khẳng định của các nghệ sĩ, rằng sáng tạo của họ có tính chỉnh thể, hướng ra thế giới, có quan hệ với con người, quan hệ xã hội, và các giá trị đạo đức, tôn giáo và các giá trị khác.” (Bakhtin, bài đã dẫn). Như trên đã nói, trong nghệ thuật, cái chân (cái thật) là cái có trước tuyệt đối, là cái không chịu phụ thuộc bất cứ cái gì có trước nó. Cái tốt (cái thiện) là cái cần phải có, so với cái hiện có, gắn với lí tưởng của nhà văn. Nếu cái cần phải có chiếm ưu thế thì sẽ tồn hại đến cái thật. Cái thẩm mĩ là cái dùng để tạo hình thức cho thế giới nghệ thuật. Nhưng cái thẩm mĩ ngày nay không nhất thiết là chỉnh thể, nó phân mảnh, tạp chủng, lai ghép không còn giống như Bakhtin quan niệm vào đầu thế kỉ XX nữa. Theo công thức của Bakhtin quan hệ đó là như sau: “Hiện thực chỉ có thể đối lập với nghệ thuật như là một cái gì tốt (thiện) hay là một cái gì thật (chân) đối với cái đẹp (với nghĩa là hình thức. TĐS).” (Tài liệu đã dẫn, tr. 97). Ở đây Bakhtin nói cái thật hay cái tốt trong quan hệ lựa chọn. Ông không nói cái đẹp là đối tượng, bởi nó phụ thuộc vào cái thật. Cái thẩm mĩ đem cái thật hay cái tốt lại gần với sự thụ cảm, soi ngắm của người đọc. Như vậy thống nhất chân thiện mĩ không phải là đem bao nhiêu cái tốt, cái thật, cái đẹp trong đời sống tập họp lại làm thành nghệ thuật, mà chỉ là đem cái thật (vốn có), hay cái tốt (cần phải có) biến thành yếu tố của khách thể thẩm mĩ. Với nghĩa đó, theo Bakhtin, “cuộc sống vừa ở bên ngoài, vừa ở bên trong nghệ thuật; nghệ thuật giàu có, không khô khan, không chuyên biệt; người nghệ sĩ chỉ là chuyên gia với tư cách là người thợ, tức là chỉ trong quan hệ với chất liệu của anh ta.” (xuất xứ như trên). Như vậy chân thiện mĩ thống nhất theo phương thức cái đẹp (thẩm mĩ) trở thành hình thức biểu đạt cho cái thật hay cái thiện, trong đó cái thật, cái thiện và cái mĩ ở vào một tương quan hoàn toàn quy ước.
4. Điều kiện của sự thống nhất chân thiện mĩ
Để có được sự thống nhất chân thiện mĩ như nghệ thuật yêu cầu, nghệ sĩ trước hết phải được tự do trong nhận thức như yêu cầu vốn có của nhận thức. Nhận thức theo những kết quả có trước thì chỉ tạo thành minh họa và đánh mất cái chân. Nghệ sĩ cũng phải được tự do trong việc xác nhận cái cần phải có, tức là cái thiện theo quan niệm của mình. Miêu tả cái cần phải có theo quan điểm của một ai đó, một nhóm nhỏ nào đó là biến nghệ sĩ thành kẻ minh họa. Việc tạo thành cái đẹp cũng vậy, không theo những khuôn mẫu định sẵn.
Trong xã hội Việt Nam bảy chục năm nay chúng ta khi nào cũng hô hào sáng tác đi theo chân thiện mĩ, chân thiện mĩ thống nhất, mà thực tế thì chỉ có tiêu chuẩn chính trị là trên hết, chính trị là thông soái, cái gì không phù hợp với quan điểm chính trị thống soái thì dều không thật, không thiện, không đẹp. Người ta vẫn nói chân thiện mĩ, nhưng hồn cốt ở tư tưởng chính trị, ở tính đảng. Mà tính đảng thực chất là một tính chất thiên vị, mà đã thiên vị thì thiếu khách quan, công bằng, không đẹp, hoặc chỉ đẹp theo một ý nghĩa nào đó. Tình hình này ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác đều giống như nhau. Chỗ nào có tính đảng thì ở đó chân thiện mĩ không còn có vị trí quan trọng nữa. Khi văn học được coi là bánh xe, đinh ốc trong cỗ máy của đảng thì nó đâu còn tự do, mà thiếu tự do thì nó đầu còn là cái thật? Thực tế đó cho thấy quyền lực chi phối chân thiện mĩ. Chúng ta biết cuộc sống có thể không hoàn thiện, có thể xấu. Nhưng cái xấu không đáng sợ, không hoàn thiện cũng không đáng sợ. Sợ nhất là đem một cái hoàn thiện giả tạo, không tưởng để che lấp cái thật, cái không hoàn thiện kia, khiến con người mất phương hướng, thì đó là có hại. Biết bao cái kết có hậu rất đẹp đã mâu thuẫn sâu sắc với cái thật và có những cái thật trong nghệ thuật lại bị lên án. Cuộc sống thời nào cũng có yếu tố tốt đẹp, nếu chỉ chọn viết những cái ấy rồi “điển hình hóa” lên, ta sẽ được cái tốt đẹp, nhưng lại không thật, vì ta đã tách nó khỏi cái tổng thể chưa/ không đẹp của nó. Nếu ta theo đuổi một lí tưởng đẹp về xã hội đạo đức nào đó, thì vì đó là lí tưởng, nghĩa là cái chưa có, nó chỉ là một cái hứa hẹn, mà khi đang là hứa hẹn thì nó dứt khoát không thể là thật hay không thật. Như thế ta thấy chân, thiện, mĩ rất khó đi liền với nhau, có được cái này thì lại mất cái kia, giống như ý kiến của Max Weiber đã nói. Vì vậy, theo yêu cầu thống nhất chân thiện mĩ mà sáng tác thì sẽ có những tác phẩm chẳng những không đạt chân thiện mĩ, mà chỉ là giả tạo. Tất nhiên văn học nghệ thuật là đa dạng, nó không chỉ có chân thiện mĩ, mà còn có cả giả, ác, xấu. Văn học mà chỉ biết có chân thiện mĩ tức là chỉ ve vuốt thị hiếu tầm thường một chiều của một số người. Hãy đọc các tác phẩm của Kafka như Hóa thân, Vụ án, Lâu đài, đọc Trăm năm cô đơn của Marquez, xem tranh S. Daly, xem tiểu thuyết hiện sinh như Buồn nôn, Người xa lạ, xem sự thống nhất cái thật, cái đẹp, cái thiện trong đó ở đâu, thể hiện như thế nào? Sáng tạo theo huyền thoại thì thường là siêu chân thiện mĩ. Ta rất khó đánh giá thần thoại Hy Lạp theo tiêu chí thống nhất chân thiện mĩ. Huyền thoại Sisiphe của Camus thống nhất chân thiện mĩ ở đâu? Có thể nhận thấy sự thống nhất chân thiện mĩ chỉ có trong sáng tác theo tinh thần của các nhà Khai sáng sùng thượng lí tính tuyệt đối. Còn trong các sáng tác phi lí tính, hiện sinh, vô thức…thì khó nói có sự thống nhất ấy. Nói cách khác trong văn học hiện đại chủ nghĩa, hâu hiện đại khó tìm thấy sự thống nhất đó.
Trong thực tiễn phê bình, nếu ta theo tiêu chí đạo đức, tức dựa vào tác dụng giáo dục mà dánh giá thì tiêu chí thẩm mĩ có thể bị hi sinh. Ví dụ như cụ nghè Ngô Đức Kế đánh giá Truyện Kiều, khi xét theo tiêu chí đạo đức, cụ chỉ thấy tác dụng xấu của nó: “ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi, tám chữ ấy không tránh đâu cho khỏi”. Cụ cũng thấy Truyện Kiều văn chương đẹp, nhưng không thấy thống nhất đâu cả. Trong sáng tác, nếu chạy theo tác dụng tuyên truyền, giáo dục thì tính chân thực thường bị vi phạm.
Cội nguồn của vấn đề còn là ở sự khác nhau trong quan niệm nhất nguyên và đa nguyên về giá trị. Các nhà Khai sáng theo quan niệm nhất nguyên luận về giá trị cho rằng, toàn bộ giá trị mà con người mong muốn rút cuộc đều thống nhất với nhau, thực hiện được giá trị này, ví dụ như mô phỏng tự nhiên hay chế độ chính trị lí tính, nếu thực hiện chân thực, đúng đắn, thì các giá trị khác đều lần lượt được thực hiện, bởi vì giữa các giá trị không có mâu thuẫn, mà đồng nhất với nhau, gắn kết nhau, thống nhất với nhau, không loại trừ nhau mà phát triển hài hòa với nhau. Quan niệm về sự thống nhất ảo tưởng này phù hợp với lòng mong mỏi của không ít người nên thường được nhiều người chấp nhận. Có một thời gian dài từ chủ nghĩa cổ điển đến chủ nghĩa hiện thực văn nghệ cố gắng đạt đến sự thống nhất ấy, nhưng thực tế chúng vẫn khó thống nhất với nhau. Song dần dần người ta phát hiện thấy không phải bao giờ chúng cũng thống nhất, thậm chí không thể thống nhất. Baudelaire, Tolstoi, M. Weiber là những ví dụ như thế. Ví dụ Tolstoi không thừa nhận thống nhất chân thiện mĩ, thì trong sáng tác của ông cũng không có thống nhất ấy. Trong tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, Tolstoi vì muốn khẳng định sự thống nhất của nhân dân Nga trong cuộc chiến chống quân Pháp, ông đã xóa đi các mâu thuẫn giữa các giai cấp, giảm đi tính sắc nhọn của ngòi bút xé toạc các mặt nạ giả dối của xã hội. Tức là vì cái thiện, cái đẹp, ông hi sinh bớt một phần cái thật.
Quan niệm giá trị đa nguyên cho thấy điều đó. Nó thừa nhận xã hội con người có nhiều giá trị và quan niệm giá trị khác nhau, nhưng biết rõ các giá trị ấy thường không thống nhất, mà mâu thuẫn nhau, nhiều khi loại trừ nhau, có cái này thì không có cái kia hoặc vừa thế này, vừa thế kia. Chân thiện mĩ chẳng những khó thống nhất, mà đồng thời có nhiều chân lí, nhiều cái đẹp, nhiều cái thiện và các cái chân, cái thiện, cái đẹp ấy lại còn mâu thuẫn nhau, không dung hòa và hài hòa nhau. Các giá trị ấy không có cái duy nhất đúng hoặc duy nhất sai, mà đúng khác nhau, đẹp khác nhau. Chẳng hạn cái đẹp cổ điển, cái đẹp hiện thực, cái đẹp siêu thực, cái đẹp tượng trưng, cái đẹp huyền ảo, cái đẹp trừu tượng…là rất khác nhau. Còn các sự thật khác nhau thì ai cũng biết. Có người đem cái giả, cái hư ảo làm cái thật, ngược lại, họ coi cái thật đích thực là giả, là thù địch hoặc ngược lại. Lợi ích và quyền lực chi phối cái thật, cái thiện và cái đẹp. Có những sự thật không được nói lên. Một nửa sự thật không phải là sự thật. Do vậy sự thống nhất chân thiện mĩ trên thực tế bị biến chất.
Quan niệm nhất nguyên về giá trị trên thực tế tước bỏ quyền lựa chọn giá trị của con người, của nghệ sĩ, chỉ độc tôn một loại giá trị. Ngược lại, quan niệm đa nguyên buộc người ta thừa nhận nhiều giá trị và phải lựa chọn, và giữa các chân lí khác nhau đòi hỏi có thái độ khoan dung, đối thoại, chấp nhận các giá trị khác với quan niệm của mình. Cái thật đối thoại với cái thiện, cái chân. Hoặc chúng phủ định lẫn nhau, phê phán nhau. Nếu đem ánh sáng của cái đẹp, cái thiện mà miêu tả cái xấu, cái ác thì lúc đó chúng đối thoại với nhau, chứ không thống nhất với nhau. Do quan niệm nhất nguyên thống trị, ta hiểu vì sao ở Việt Nam hiện nay trong mọi lĩnh vực văn hóa vẫn khó thực hiện được khoan dung và đối thoại. Trong tất cả mọi cuộc trao đổi, phê bình, phê phán chỉ có một bên được nói, còn bên kia không có không gian để cất lên tiêng nói của mình. Các ý kiến phản biện xã hội hiện nay ở Việt Nam đều thuộc ở các không gian khác nhau, trượt bên nhau, không gặp nhau, không thông nhau, nghe nhau. Văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đang đi trên đường đa nguyên hóa. Từ chỗ không thừa nhận vô thức, phi lí tính, chúng ta đã phiên dịch và thưởng thức được các tác phẩm thuộc dòng văn học phi lí tính, như văn học hiện sinh, văn học phi lí tính. Từ chỗ không chấp nhận yếu tố sex trong văn chương đã thừa nhận từng bước sự xâm nhập của nó vào văn học, nghệ thuật. Ranh giới của sex trong nghệ thuật và khiêu dâm nằm ở chỗ một bên là giá trị tinh thần, còn bên kia là giá trị vật chất, vật thể. Trong văn học cách mạng trước đây, một nụ hôn đã bị coi là đồi trụy thì hiện tượng sex trong văn học hôm nay có thể coi là sự kiện thay đổi nhãn quan về giá trị thẩm mĩ, chân thực và đạo đức. Văn học hậu hiện đại đầy hoài nghi, mảnh vỡ, lắp ghép, đối thọai, giễu nhại đã thấm vào nhãn quan của nhiều nhà văn Việt Nam, làm thành những dấu hiệu của văn học này trong văn học đương đại. Nhà văn Việt Nam ngày nay đã hiểu tính đa nguyên trong các giá trị văn hóa. Ta hiểu vì sao trong phê bình văn học hiện nay sự đánh giá tác phẩm nghệ thuật thường ít gặp nhau. Sự kì vọng một đánh giá thống nhất thực tế rất xa vời.
Hiện tại nhà văn Việt Nam chưa có điều kiện phát huy tư tưởng của mình trong sáng tác một cách tự do. Điều đó hạn chế họ đi đến những sáng tạo mới mẽ, đột xuất. Trong một thế giới giá trị nhất nguyên mọi sáng tạo đều chỉ là sự biến tấu của một cài gì đã biết, đã quen, và do đó khó có sáng tạo mới khác biệt đích thực.
Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại những công thức quen tai, những diễn ngôn hợp lí, nhưng ảo tưởng. Đã đến lúc cần phải có nhận thức mới theo trào lưu tư tưởng tiến bộ của nhân loại. Bản thân cuộc sống và người đọc luôn luôn đòi hỏi các giá trị chân thiện mĩ, không ai phủ nhận vài trò của chúng trong đời sống. Nhưng xem chúng như một sự thống nhất đương nhiên, tất nhiên, đồng đều, bắt buộc, hài hòa thì không phải. Sự thống nhất trong thực tế rất đa chiều. Nó có thể thiên về cái này hoặc cái kia và khi đó nó làm suy yếu các yếu tố khác biệt. Phân lượng các yếu tó cũng khác nhau. Các yếu tó đó có thể được hiểu khác nhau. Lúc đó cần có thái độ khoan dung và đối thoại, và chỉ có đa nguyên, khoan dung, đối thoại, mới thất sự có sự phát triển của văn học nghệ thuật.
Hà Nội, ngày 23 – 10 – 2013.