ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: khoahocvadoisong
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Rước vong lên chùa
Friday, April 4, 2014 3:03
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Có người nghĩ rước vong lên chùa là vong ở lại chùa luôn, không về nhà nữa. Có người nghĩ đưa vong lên để nhốt ở chùa để khỏi làm hại gia đình. Có người nghĩ đưa vong lên chùa để lấy chỗ đi lại cho vong. Có người nghĩ đưa vong lên chùa để được nghe kinh nghe pháp, dễ siêu thoát về Cực Lạc. Cũng có người nghĩ đưa vong lên chùa là một phong tục thôi chứ chẳng có ý nghĩa gì cả. Sau gần hai năm làm Phật sự, chúng tôi đã tiếp cận đầy đủ những quan điểm như vậy của người dân. Bên cạnh đó, một số nơi còn quan điểm “cúng tuần” rất khác biệt, nếu vong mất đầu tháng, sau ngày mồng một thì đến rằm là tuần thứ nhất, nếu vong mất qua ngày rằm thì đến mồng một là tuần thứ nhất. Nếu tính theo cách này tuần thứ hai chúng ta không biết tính như thế nào và ý nghĩa “thất thất trai tuần” sẽ không hợp lý.

Chúng ta là người Việt, cũng nên có cách tính phổ thông của người Việt. Cách tính như trên có lẽ cũng do học theo cách suy diễn của người Trung Quốc. Với người Trung Quốc, một tuần có thể là một ngày, hai ngày, một năm, thậm chí hai năm. Ví dụ trong nghi cúng Tuần, trong sớ ghi là “sơ thất trai tuần”, “nhị thất trai tuần”… cho đến “thất thất trai tuần” thì ý nghĩa chữ “tuần” không phải là 7 ngày mà là 1 ngày. Nếu tuần là 7 ngày thì “thất thất trai tuần” là 49 tuần chứ không phải 49 ngày. Tiếp đến, lễ cúng 100 ngày là tuần tứ 8, giỗ năm đầu là tuần thứ 9 và giỗ năm thứ hai là tuần thứ 10. Vậy “tuần” trong nghi lễ của người xưa rất đặc biệt. Chúng tôi xin mở rộng một tí để các bạn hiểu hơn về ý nghĩa 10 tuần và 10 điện trước khi trở lại vấn đề chính – “rước vong lên chùa”.

Người Trung Quốc quan niệm người mất phải đi hết 10 tuần và đi qua mười “điện” tương ứng, mỗi tuần đi qua một điện. Mỗi điện do một ông vua cai quản, 10 điện có 10 vua gọi là “Thập Điện Minh Vương”. Mười vị vua ở âm phủ có các trách nhiệm phán xét các loại tội ác khác nhau của con người. Hiện nay, nhiều chùa cổ ở miền Bắc có thờ Thập điện minh vương ở hai bên chính điện, mỗi bên năm vị.

Thập điện Minh Vương gồm có:

Nhất điện: Tần Quảng Vương

Tần Quảng Vương Tướng chuyên điều khiển việc khỏe mạnh, ốm đau, sinh tử của trần gian và quản lý việc u minh, cát hung. Người thiện sau khi thọ mệnh được tiếp dẫn siêu sinh. Người nửa công nửa tội được đưa đến điện thứ mười xét xử, sau đó được đầu thai làm người trên thế gian: nam thì chuyển thành nữ, nữ thì chuyển thành nam. Người làm điều thiện ít, điều ác nhiều thì được áp giải đến đài cao, phía bên trái điện, gọi là đài gương “nghiệt cảnh đài”, để nhìn vào đó liền thấy rõ mọi việc tốt xấu hồi còn tại thế, sau đó giải đến điện thứ hai để vào ngục chịu khổ.

Nhị điện: Sở Giang Vương

Sở Giang Vương trông coi địa ngục Hoạt Đại (có 16 tiểu địa ngục với các hình phạt như: mây đè, phân thối, bị đâm, bỏ đói, bỏ khát, nấu máu, nấu một chảo đồng, nấu nhiều chảo đồng, bỏ vô cối xay sắt, đong lường, gà mổ, ao tro, chặt khúc, gươm lá đâm, chó sói ăn thịt, bỏ vào ao lạnh giá…). Những ai lúc còn sống trên thế gian làm điều tổn thương đến thân thể người khác, gian dâm, sát sinh đều được đưa vào ngục này và các tiểu ngục để chịu khổ. Khi hết kỳ hạn liền được đưa đến ngục thứ ba để định đoạt tiếp hình phạt.

Tam điện: Tống Đế Vương

Tống Đế Vương Dư quản Hắc Thằng Đại Địa (có 16 tiểu ngục với các hình phạt: nước mặn, bị gông xiềng, đục sườn, nạo mặt, nạo mỡ, móc gan tim, móc mắt, lột da, căng da, cưa cẳng, rút móng, hút huyết, treo ngược, sả vai, ăn giòi, đập đầu gối, mổ tim). Ai khi sống trên trần gian mà ngỗ ngược, hỗn láo với bề trên, xúi bẩy kiện tụng, gây sự bất hòa,… phải vào ngục này và các tiểu ngục chịu khổ, hết kỳ hạn đưa đến điện thứ tư.

Tứ điện: Ngũ Quan Vương

Ngũ Quan Vương quản địa ngục Hợp Đại (và 16 tiểu ngục với hình phạt: xiên thịt, xối nước sôi, vả sưng mặt, chặt gân xương, khứa vai lột da, khoan da thịt, chim trĩ mổ, mặc áo sắt, cây, đá dằn, khoét mắt, tro lấp miệng, đổ thuốc độc, trượt nhớt té, xâm miệng, chôn trong đá vụn…). Những ai trốn nộp tô, thuế cho nhà nước, mua gian bán lận đều bị đưa vào ngục này và các ngục nhỏ chịu khổ, hết kỳ hạn được đưa qua điện thứ năm.

Ngũ điện: Diêm La Vương

Diêm La Thiên Tử vốn ngự ở điện thứ nhất nhưng vì thương người chết oan hay trả hồn về sống lại kêu oan, nên bị giáng xuống quản đại địa ngục Khiếu Hoán (tội phạm ở đây lâm vào cảnh buồn chán, đau khổ không gì bằng) và 16 chu tâm tiểu ngục. Những ai đến điện này đều được dẫn đến đài Vọng Hương để nghe và thấy tất cả những điều, những tai ương mà họ đã gây ra trên trần gian, sau đó được đưa vào địa ngục rồi vào chu tâm tiểu ngục, mổ bụng moi tim, ruột ném cho chó ăn. Hết kỳ hạn lại được đưa xuống điện thứ sáu.

Lục điện: Biện Thành Vương

Biện Thành Vương quản Khiếu Hoán đại địa ngục và thành Uổng Tử và 16 tiểu địa ngục với hình phạt: quỳ chông, nhốt trong hầm phân, thiến dái, quết thịt, trâu báng, ngựa đạp, bửa sọ… Những ai khi sống trên thế gian oán trời trách đất, cứ khóc lóc, trộm cắp, đầu cơ tích trữ… đưa vào ngục này và tiểu ngục để chịu khổ hơn nữa. Hết kỳ hạn được đưa đến điện thứ bảy.

Thất điện: Thái Sơn Vương

Thái Sơn Vương quản địa ngục Nhiệt Não (có 16 tiểu ngục; tội phạm được quẳng vào vạc đồng để nấu). Ai khi sống trên trần gian đào mồ, trộm mả, lấy hài cốt để làm thuốc, rời bỏ người thân thích, đưa vào ngục này và các tiểu ngục. Hết kỳ hạn giải đến điện thứ tám.

Bát điện: Đô Thị Vương

Đô Thị Vương quản đại địa ngục Đại Nhiệt Não (có 16 tiểu ngục; tội phạm bị thiêu, bị nấu cực hình hơn). Những ai sống trên trần gian bất hiếu khiến cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ phải buồn phiền, bực tức khi chết sẽ bị ném vào ngục này và các tiểu ngục. Kẻ bất hiếu chịu hết mọi hình thức đau khổ, giải đến điện thứ mười, thay đổi hình dạng vĩnh viễn làm loài súc sinh.

Cửu điện: Bình Đẳng Vương

Bình Đẳng Vương quản Thiết Võng A Tỳ và 16 tiểu ngục ở Thành Phong Đô. Ai sinh sống trên thế gian mà giết người, đốt nhà, bị chém nơi pháp trường đều giải đến điện này, bắt ôm cột đồng trống rỗng và trói chân tay lại, đốt lửa ống đồng cho tim gan thiêu trụi và chịu nhiều cực hình khác, sau đó lần lượt đầu thai vào những nơi kẻ đó đã làm hại, giải đến điện thứ mười.

Thập điện: Chuyển Luân Vương

Chuyển Luân Vương chuyên nắm các điện mà giải đến nơi quỷ hồn để làm rõ thiện ác, quyết định đẳng cấp, rồi cho lên đầu thai. Nam hay nữ, sống lâu hay chết yểu, giàu sang phú quý hay nghèo hèn, lần lượt được ghi vào danh sách. Những con quỷ mà có nghiệp ác, cái thai bị lạnh đi, khiến cho nó sáng sinh ra chiều đã chết. Hết kỳ hạn trở lại làm người, đầu thai vào nơi sống rất man rợ, bẩn thỉu.

Mười điện tương ứng với mười tuần, bảy bảy bốn chín ngày đầu (chung thất trai tuần), tương ứng với 7 điện đầu tiên – Từ Tần Quảng Vương đến Thái Sơn Vương. Tuần thứ 8 chính là lễ cúng 100 ngày (bách nhật), tương ứng với điện thứ 8 – Đô Thị Vương. Tuần thứ 9 tức là lễ cúng giỗ đầu (tiểu tường), tương ứng với điện thứ 9 – Bình Đẳng Vương. Tuần thứ 10 chính là giỗ năm thứ hai (đại tường), tương ứng với điện thứ 10 – Chuẩn Luân Vương.

Hiện nay một số nơi ở nước ta vẫn còn cúng 10 tuần theo cách tính này. Tuy nhiên, đại đa phần lễ tang bây giờ, nhất là miền Bắc nước ta, tang quyến chỉ chú trọng đến thất thất trai tuần và giỗ đầu, và quan niệm về 10 điện cũng không còn nhiều. Những nơi không có tục bốc mộ thì sau 49 ngày, hoặc 100 ngày thì bà con xa bên ngoại được xả khăn tang, đến giỗ đầu thì toàn bộ bà con bên ngoại và bà con xa bên nội xả khăn tang. Đến năm giỗ năm thứ hai thì con trai, con dâu và cháu nội xả khăn tang. Những nơi có tục bốc mộ thì sau khi bốc mộ và chôn lại xong xuôi thì bên nội mới xả khăn tang.

Trở lại với việc rước vong lên chùa. Chúng tôi không dám bàn về cách làm của các chùa khác, vì mỗi chùa, mỗi thầy có một cách làm khác nhau. Riêng Chùa Nhân Thọ, việc rước vong lên chùa hết sức đơn giản. Chúng tôi tóm lược nghi lễ và một vài ý nghĩa để người dân khi rước vong thân lên chùa không còn hồ nghi vướng mắc.

Chuẩn bị hương, hoa quả dâng lễ các ban, xôi chè cúng Phật và mâm cỗ chay cúng vong. Đúng giờ rước bát hương di ảnh lên điện Tam Bảo, niêm hương bạch Phật, trì chú, dâng sớ, tụng kinh, cầu siêu, quy y linh, khai thị hương linh và truyền thọ Tam tụ tình giới, sau đó rước vong xuống ban vong và thỉnh linh, tiến linh. Có hai trường hợp rước vong lên chùa.

1.Gửi vong để thờ ở chùa: Trường hợp này thường dành cho vong không có ai thờ phụng, hoặc toàn bộ người thân ở nước ngoài, gửi vong thờ hẳn ở chùa, có ảnh, có bát hương (có thể thờ chung bát hương), hàng năm giỗ kỵ đều tổ chức ở chùa.

2.Rước vong lên chùa cầu siêu:Trường hợp này dành cho đa số người dân, vong linh vẫn thờ phụng ở nhà, chỉ rước di ảnh, bát hương lên chùa trong dịp 35 hoặc 49 ngày để nhờ chư tăng và đạo tràng tụng kinh siêu độ, sau đó rước di ảnh và bát hương về nhà thờ phụng như cũ. Trường hợp này không cần để ảnh hay bát hương ở chùa, nhiều chùa có không gian rộng rãi thì cũng nên thờ vọng bức ảnh nhỏ của vong tại chùa.

Chùa Nhân Thọ không có khái niệm “nhốt vong” hay làm nơi trú ngụ cho vong hoặc làm chỗ đi lại cho vong. Ý nghĩa cầu vãng sinh theo quan niệm của đạo Phật hoàn toàn dựa trên qui luật nhân quả, thiện ác, báo ứng. Con đường “vãng sinh” của Vong hoàn toàn phụ thuộc vào nghiệp lực mà Vong đã tạo trong tiền kiếp và hiện kiếp. Nếu ác nghiệp của Vong quá nặng, khi còn sống không biết tu tập, không bỏ ác làm lành, không giữ gìn giới pháp, sát sinh, trộm cắp, gây khổ đau cho nhân loại, chúng sinh… thì sau khi chết dù có thiết đàn cầu siêu hàng tháng, hàng năm cũng chỉ như lấy muối bỏ bể, đọa lạc 3 đường ác là điều không thể tránh. Còn nếu thiện căn của vong sâu dày, tiền kiếp và hiện kiếp tích công lũy đức, hành thiện tu tập, giữ gìn giới cấm, cọng với việc cầu siêu niệm Phật của chư Tăng trong lúc lâm chung, nhất định vong sẽ được vãng sinh về cõi lành trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi dùng cụm từ “vãng sinh về cõi lành” để tránh hiểu làm là được sinh về cõi Phật. “Cõi lành” ở đây có thể là cõi người, trên cõi người, hoặc các cõi trời. Được sinh vào các cõi đó cũng đã là có phước duyên lớn lao vì không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Còn vãng sinh về cõi Phật là điều không dễ đối với chúng sinh trong cõi Ta-bà này. Trong kinh A-di-đà Phật Thích Ca nói: “Xá-lợi-phất! Chẳng thể dùng chút căn lành, chút phước đức, chút nhân duyên mà được sinh về cõi đó”. Quý vị đọc tiếp đoạn sau trong phẩm 24 của kinh Vô Lượng Thọ mà đức Phật Thích Ca đã dạy để biết mình liệu có được vãng sinh về cõi Cực Lạc hay không:

“Này A Nan ! Chư thiên, nhân dân ở mười phương thế giới chí tâm nguyện sanh về cõi ấy có ba hạng:

Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục làm sa môn, phát tâm Bồ đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, làm các công đức, nguyện sanh về cõi đó. Những chúng sinh này khi mạng chung, đức Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện đến trước mặt, liền theo đức Phật sanh về cõi đó, tự nhiên hóa sanh trong hoa sen bảy báu, trí huệ dõng mãnh, thần thông tự tại.

Này A Nan! Nếu có chúng sinh muốn hiện đời thấy Phật A Di Đà, phải phát tâm Vô thượng Bồ đề, phải luôn nhớ nghĩ cõi nước Cực Lạc, nhóm chứa được căn lành nào nên đem hồi hướng. Do thấy được Phật, nên khi sanh về nước đó được bậc Bất thối chuyển cho đến quả Vô thượng Bồ Đề.

Hạng trung là những người tuy không làm sa môn, nhưng làm nhiều công đức, phát tâm Vô thượng Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà. Tuy đã làm nhiều công đức, giữ gìn trai giới, xây dựng tháp tượng, cúng dường, treo phan đốt đèn dâng cúng hoa hương, tất cả đều phải hồi hướng nguyện sanh về Cực Lạc. Khi mạng chung hóa thân đức Phật A Di Đà hiện ra đầy đủ tướng tốt quang minh như chính đức Phật cùng với đại chúng vây quanh hiện trước người đó, nhiếp thọ tiếp dẫn, liền theo hóa Phật sanh về cõi Cực Lạc, ở bậc Bất thối chuyển Vô thượng Bồ Đề, công đức trí huệ kế bậc thượng phẫm.

Hạng hạ phẩm là những người giả sử không hay làm các công đức, mà đã phát tâm Vô thượng Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, vui mừng tin sâu không chút nghi ngờ, hết lòng nguyện sanh về cõi Cực Lạc, người này mạng chung mộng thấy đức Phật cũng được vãng sanh, công đức trí huệ kế bậc trung

Nếu có chúng sinh theo pháp đại thừa, đem tâm thanh tịnh, hướng về đức Vô Lượng Thọ, niệm đến mười niệm, nguyện sanh về Cực Lạc, nghe pháp rộng sâu hiểu rốt ráo, cho đến được một niệm thanh tịnh, phát một niệm nhớ nghĩ đến đức Phật đó, người này mạng chung thấy Phật A Di Đà như trong chiêm bao, nhứt định sanh về nước Cực Lạc, được Bất thối chuyển Vô thượng Bồ Đề.

Lại này A Nan! Nếu có trai lành gái tín nào nghe kinh này, thọ trì đọc tụng biên chép cúng dường, ngày đêm liên tục cầu sanh về cõi Cực Lạc, phát tâm Bồ Đề, giữ các giới cấm bền vững không phạm, lợi ích hữu tình, làm được chút điều lành gì đều ban bố cho họ khiến được an vui, hằng nhớ nghĩ đến đức Phật A Di Đà và cõi nước Cực Lạc ở phương Tây, người ấy khi mạng chung có sắc tướng trang nghiêm như Phật, sanh về cõi báu mau được nghe pháp, vĩnh viễn không thối chuyển”.

Quý vị nên nhớ, khi vong linh đã vãng sinh về cõi lành hay cõi Phật thì việc cúng bái cầu siêu của chúng ta chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện cái luân thường đạo lý chứ không ảnh hưởng gì đến vong nữa.

Hiểu đạo và tu tập khi còn sống mới là chính nhân của sự “vãng sinh”, đừng để khi nhắm mắt xuôi tay mang theo cả một kho tàng ác nghiệp thì dù người thân có mời ngàn Tăng Ni, ngày tháng siêu độ cũng chưa chắc giải được trọng nghiệp. “Tu mau kẻo trể” là lời khuyên cuối cùng của tác giả trước khi kết thúc bài viết này.

Nam mô Tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật!

Nguồn: http://www.phathocdoisong.com/ruoc-vong-len-chua.html

Filed under: Tôn giáo Tagged: Rước vong lên chùa

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.