Ban Tổ chức Giọng hát Việt nhí vừa công bố chính thức khởi động mùa thứ 2 nhằm tìm ra những giọng ca nhí triển vọng. Thay vì ở Giọng hát Việt nhí mùa đầu, phần lớn các em chọn thể hiện ca khúc tiếng Anh hoặc những bài hát của người lớn, quá già so với lứa tuổi thì năm nay các bài hát dành cho đúng lứa tuổi các em sẽ xuất hiện nhiều hơn. Thực ra đó là một câu hỏi vì hãy thử đếm những ca khúc hay dành cho lứa tuổi nhí của chúng ta xem có được là bao?
Hy vọng các ca khúc thiếu nhi sẽ là chủ đạo của Giọng hát Việt nhí năm nay.
Những ca khúc rất nổi tiếng dành cho thiếu nhi như: Cánh én tuổi thơ (Phạm Tuyên), Trường làng tôi (Phạm Trọng Cầu), Em là bông hồng nhỏ (Trịnh Công Sơn), Em yêu trường em (Hoàng Vân), Đi học (Bùi Đình Thảo)… đã in sâu vào ký ức tuổi thơ Việt Nam. Thế nhưng, ngoảnh đi ngoảnh lại vẫn chỉ có chừng ấy tác phẩm gắn với chừng ấy tên tuổi nhạc sĩ. Nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, bài hát thiếu nhi vừa ít vừa không đổi mới.
Trong sách giáo khoa môn âm nhạc dành cho học sinh tiểu học hay trong những tuyển tập ca khúc thiếu nhi được xuất bản gần đây chủ yếu là các sáng tác đã có cách đây đến 1/4 thế kỷ. Hay trong những cuộc thi âm nhạc như Vietnam’s got talent, The voice kid các em thường biểu diễn ca khúc của người lớn hoặc nhạc ngoại. Điều đó cho thấy một thực trạng là, trong khi đội ngũ sáng tác nói chung đang phát triển mạnh thì những tác phẩm dành cho trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chúng ta hoàn toàn thiếu vắng một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp cho thiếu nhi.
Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Phạm Tuyên – người dành cả cuộc đời cho các em nhỏ với rất nhiều ca khúc nổi tiếng dành cho thiếu nhi, đã xót xa nhận xét: “Kho tàng ca khúc cho thiếu nhi của chúng ta không thiếu những ca khúc hay nhưng lại ít có những sáng tác mới và phù hợp với các em. Chính sự thiếu thốn này sẽ dẫn đến những lỗ hổng và lệch chuẩn về văn hóa âm nhạc của cả một thế hệ. Thực trạng chúng ta đang thấy hiện nay là trong các cuộc thi âm nhạc, nhiều em lựa chọn những ca khúc của người lớn và chính sự tán thưởng của người lớn đã vô tình khiến các em lầm tưởng về tài năng, dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và sự phát triển. Từ đó làm xuất hiện nhiều em bé được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và chuyên biểu diễn dòng nhạc già dặn hơn tuổi”.
Chia sẻ của nhạc sĩ Phạm Tuyên cho thấy một thực tế là, các nhạc sĩ trẻ, dù được đào tạo bài bản, hiện nay không mấy mặn mà với việc sáng tác cho thiếu nhi. Không thể phủ nhận có một bộ phận nhạc sĩ quan niệm sáng tác cho thiếu nhi là “nghề tay trái”, bởi thù lao sáng tác quá thấp. Một ca khúc tạo hit cho ca sĩ được trả vài chục triệu đồng, thậm chí đến hàng trăm triệu, trong khi một ca khúc cho thiếu nhi chỉ nhận được vài triệu, có khi vài trăm nghìn mà còn chưa chắc đã bước khỏi bản tổng phổ. Như chia sẻ rất thẳng thắn của nhạc sĩ Hoàng Lân: “Sáng tác cho thiếu nhi được ít ưu đãi về vật chất. Tôi từng sáng tác nhiều bài hát cho thiếu nhi được đưa vào tuyển tập nhưng mỗi bài hát được in, tôi chỉ nhận được 50 nghìn đồng nhuận bút. Vì vậy, khó trách các nhạc sĩ trẻ không mặn mà với việc sáng tác ca khúc trẻ em. Hội Nhạc sĩ hàng năm vẫn trao giải cho bài hát thiếu nhi nhưng không ai có trách nhiệm phổ biến. Còn tác giả thì sao phổ biến được”.
Việc các nhạc sĩ “lực bất tòng tâm” cũng xuất phát từ cơ chế thị trường hiện nay khi mà doanh thu đóng vai trò quyết định với các nhà sản xuất âm nhạc. Vì thế không khó hiểu khi họ hướng về thị hiếu âm nhạc của số đông và tạo bệ đỡ cho nhạc thị trường lên ngôi. Nhiều khi các nhà sản xuất cũng vì sức ép từ thị trường mà phải gạt phăng nhạc thiếu nhi để thực hiện những sản phẩm dễ làm, ít bị kiểm duyệt mà vẫn nắm chắc về doanh thu. Điều đó cho thấy, chính sự hỗn độn thật giả cùng với phông văn hóa, thẩm mỹ nghệ thuật chưa tới đã khiến nhiều nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ và một bộ phận công chúng vẫn lưu hành và sử dụng thứ âm nhạc rẻ tiền khiến cho ca khúc thiếu nhi không được quan tâm đúng mức và đúng tầm.
Thêm vào đó, mặc dù việc đầu tư phát triển âm nhạc cho trẻ em được coi là bức thiết nhưng sân chơi dành cho trẻ em trên truyền hình lại vô cùng ít ỏi. Phần đất dành cho thiếu nhi chỉ dừng ở vài ba chương trình. Vì thế, các chương trình dành cho thiếu nhi không thể mở rộng và ca khúc thiếu nhi vốn thiếu lại càng thiếu hơn vì không được tài trợ.
Tất cả những điều kể trên cho thấy, để đưa nhạc thiếu nhi trở lại với đúng vị trí của nó, trước hết là vai trò của đội ngũ sáng tác. Nhạc sĩ phải thay đổi tư duy sáng tác để bắt kịp với “gu” âm nhạc ngày càng năng động và hiện đại của thiếu nhi hiện nay và sau đó là vai trò của những người kinh doanh âm nhạc cùng các nhà quản lý. Nếu không có sự bắt tay đồng bộ này thì có lẽ thực trạng vừa yếu vừa thiếu của ca khúc thiếu nhi hiện nay sẽ khó được khắc phục.
Theo SKDS
2014-03-19 20:17:25