Tà Cú có đỉnh cao 649m so với mặt nước biển. Nơi đây phong cảnh hữu tình với bờ biển trải dài, đá núi đủ hình dạng được bao phủ bởi các loại cây rừng lưu niên đã tạo cho Tà Cú một vẻ đẹp hoang sơ mà hùng vĩ.
Tọa lạc bên sườn núi ở độ cao 420m là ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ, nổi tiếng với pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49m từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài nhất Việt Nam ngày 2-1-2006 và vào ngày 2-3-2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên núi dài nhất châu Á.
Ngoài pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 49m, bộ tượng Di Đà Tam Tôn đứng trên đài sen cũng được xây dựng cách pho tượng phu đieu này chừng 50m về phía trước chùa, xếp thành một hàng ngang, gồm tượng A Di Đà ở giữa cao 7m, tượng Quán Thế Âm bên trái và tượng Đại Thế Chí bên phải đều cao 6,5m.
Điều đặc biệt ở Chùa Linh Sơn Trường Thọ là các pho tượng Bổn sư, Đạt Ma Sư tổ, Tổ sư Hữu Đức đều được khắc tạc bằng đá.
Nhằm tạo thêm quần thể kiến trúc cho Chùa, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản cho phép bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (pháp hiệu Thích Nữ Ba La), Trụ trì chùa Linh Sơn Trường Thọ, được sử dụng tại chỗ tảng đá tự nhiên phía sau Chùa để tạc phù điêu tượng Phật Di Lặc.
Cùng với đó Chủ tịch cũng đề nghị bà Hương phải hợp đồng với cơ sở Điêu khắc phù điêu có uy tín thực hiện việc thi công trình theo đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật được nêu trong Bản thuyết minh dự án, đảm bảo tính thẩm mỹ công trình khi hoàn thành đồng thời bảo đảm giữ nguyên vị trí tảng đá, không cắt hạ cây xung quanh, giảm thiểu tối đa việc tác động có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái trong khu vực.
Hy vọng khi phù điêu tượng Phật Di Lặc được tạc xong, chùa Linh Sơn Trường Thọ sẽ thêm vẻ uy nghiêm và thanh tịnh và là một điểm đến hấp dẫn của du khách.