Các nhà thiên văn học phát hiện một hố đen kích thước nhỏ nhưng hỏa lực cực mạnh, với hai đầu phóng ra các luồng khí trải dài 20 năm ánh sáng.
Trưởng nhóm nghiên cứu Roberto Soria của Đại học Curtin (Úc) cho hay, để quan sát hố đen MQ1 ở thiên hà M83, đội ngũ chuyên gia gồm các nhà thiên văn Mỹ và Úc đã vận dụng một loạt các công cụ hiện đại nhất hiện nay, từ kính viễn vọng Hubble, Magellan, đài quan sát tia X Chandra, đài quan sát của Úc và tổ hợp kính viễn vọng lớn.
MQ1 nằm ở vị trí chấm xanh dương tại giữa thiên hà M83 – (Ảnh: NASA)
Khi phân tích MQ1 dưới ánh sáng thường, bức xạ và tia X, các chuyên gia phát hiện hố đen trên có kích thước nhỏ hơn vẫn tưởng, với đường kính chưa đến 100km.
Thiên hà M83 nằm cách Trái đất khoảng 15 triệu năm ánh sáng, thuộc chòm sao Trường Xà.
Cũng giống như Dải Ngân hà, M83 là thiên hà xoắn ốc, và MQ1 hình thành khi một ngôi sao đổ sụp, với khối lượng gấp từ 5 đến 10 lần mặt trời, theo Space.com dẫn lời NASA.
Theo chuyên gia Soria, MQ1 thuộc dạng tiểu chuẩn tinh, tức hố đen hút vật chất từ một ngôi sao đồng hành, và sở hữu hai luồng phản lực phóng ra vật chất trải dài khắp 20 năm ánh sáng.
Trích nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/vu-tru/52346_phat-hien-ho-den-moi-voi-hoa-luc-cuc-manh.aspx
2014-03-03 21:52:15
Nguồn: http://www.chuyenla.com.vn/thien-van/11523-phat-hien-ho-den-moi-voi-hoa-luc-cuc-manh.html