Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm qua tuyên bố nước này coi việc Triều Tiên tấn công Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Tokyo, là trường hợp có thể sử dụng quyền phòng vệ tập thể.
Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: AFP
Theo Kyodo, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Abe nêu đích danh một quốc gia có thể là đối tượng của quyền phòng thủ của các nước đồng minh. ”Tôi có lẽ không nên nêu tên một quốc gia cụ thể nào, nhưng tôi muốn nhắc tới Triều Tiên như một ví dụ để câu chuyện dễ hiểu hơn”, ông nói tại phiên họp của Ủy ban ngân sách Hạ viện.
Ông Abe chỉ ra rằng Nhật Bản có thể giảm bớt những quy định hạn chế sử dụng vũ khí của Lực lượng Phòng vệ (SDF), khi tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản nêu ra kịch bản “Triều Tiên tấn công Mỹ”, rồi nhấn mạnh: “Khi cộng đồng quốc tế áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế thì chúng ta cũng phải thảo luận nên hay không nên ngăn chặn việc chuyển vũ khí và đạn dược đến Triều Tiên”.
Ông dường như ám chỉ khả năng triển khai SDF hoặc lực lượng tuần duyên để khám xét các tàu đến Triều Tiên, như một biện pháp phòng vệ tập thể, dù Nhật Bản không phải là mục tiêu tấn công.
Một ủy ban chính phủ đang thảo luận về việc Tokyo nên hay không nên sử dụng quyền này, bằng cách lý giải lại Hiến pháp hòa bình. Ủy ban này dự kiến vào tháng 4 sẽ trình lên Thủ tướng Abe đề án dỡ bỏ lệnh cấm phòng thủ tập thể mà Nhật Bản tự áp đặt.
Cách lý giải hiện nay là Nhật Bản không được vận dụng quyền trên bởi những hạn chế của Luật chiến tranh tối cao, theo đó Tokyo từ bỏ đấu tranh vũ trang như một phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế. Các chuyên gia trong ủy ban cho rằng tất cả các nước đều được phép sử dụng quyền này chiểu theo luật pháp quốc tế.
Theo Vnexpress