Văn hóa thần truyền
Tào Bân sinh ra ở nơi hiện nay là huyện Linh Thọ, tỉnh Hà Bắc. Ông có công lập ra nhà Bắc Tống. Mặc dù ông có một danh sách dài các thành tựu và chức danh, nhưng ông không bao giờ khoe khoang tài năng của mình và đạt được sự kính trọng sâu sắc của người dân.
Vào năm Hiển Đức thứ năm của nhà Hậu Chu, Hoàng đế Thế Tông (Sài Vinh) đã yêu cầu Tào Bân làm một chuyến thị sát đến vương quốc Ngô Việt. Nước Ngô Việt cố tặng quà ông vào nhiều dịp nhưng Tào Bân luôn từ chối nhận chúng. Trên đường trở về, sau khi ông lên thuyền, nước Ngô Việt đã để lại một lượng lớn vàng, bạc và các châu báu khác trên thuyền để làm quà cho ông. Sau khi ông trở về triều, ông giao toàn bộ số quà cho triều đình. Hoàng đế rất cảm khái bởi hành động của ông và đưa lại tất cả số quà tặng cho ông. Tào Bân không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận hoàng đế ban thưởng. Sau khi ông nhận quà từ hoàng đế, ông tặng tất cả chúng cho họ hàng và bạn bè của mình.
Vào lúc đó, Triệu Khuôn Dẫn (người sau này lập ra nhà Tống và trở thành hoàng Đế Thái Tông) là một vị tướng quan trọng chỉ huy quân đội hoàng gia. Nhiều quan lại cố gắng giành được sự sủng ái của ông. Nhưng Tào Bân là một ngoại lệ. Ngoài việc thực thi các công việc triều chính thì ông không bao giờ đến thăm Triệu tại gia viên. Sau khi Triệu Khuôn Dẫn trở thành hoàng đế, có lần ông ta hỏi Tào Bân, “Lúc trước, trẫm từng muốn hiểu khanh rõ hơn. Tại sao khanh lại cố tình giữ khoảng cách và tránh xa trẫm?” , Tào Bân đáp, “Thần từng là họ hàng gần của Chu tiên đế và cũng là một quan đại thần trong triều của ông ta. Thần tập trung vào việc hoàn thành bổn phận của mình và không gây ra sai sót gì. Làm sao mà thần dám kết thân với bệ hạ?”, Hoàng đế thậm chí còn đánh giá ông cao hơn do câu trả lời thành thật đó.
Vào năm Kiến Long thứ hai, Tào Bân giữ chức cố vấn cho Lưu Quảng Ích, khi Lưu chỉ huy một đội quân đến dẹp loạn ở nước Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay). Sau khi vụ nổi loạn bị dập tắt, tất cả các quan lại cấp cao của quân Tống trở về nhà với phụ nữ đẹp, ngọc, lụa là và các món đồ quý giá khác. Tào Bân chỉ đem về sách và quần áo của ông. Hoàng đế Thái Tông công nhận công lao to lớn của ông trong việc dập tắt cuộc nổi loạn và phong ông làm tổng đốc Nghi Thành. Tào Bân cố gắng từ chối việc thăng chức nhiều lần. Hoàng đế cuối cùng ra phán quyết, “Khanh đã có công lớn nhưng chưa bao giờ phô trương bản thân. Việc một đất nước tôn vinh điều tốt đẹp và trừng trị cái xấu là lẽ thường tình. Khanh không nên từ chối việc thăng chức nữa”.
Sau khi nhà Tống được thành lập, người thống trị cuối cùng của nhà Đường lúc trước đã chạy đến Cát Lâm (thành phố Nam Kinh ngày nay) và lập ra nhà Nam Đường. Hoàng đế Tống Thái Tông cử Tào Bân đi triệt hạ nhà Nam Đường. Khi quân Tống chuẩn bị bao vây thành Cát Lâm, Tào Bân lo sợ rằng quân của ông sẽ làm hại dân thường vô tội trong thành. Vì vậy ông giả vờ bị ốm và yêu cầu binh lính thắp nhang để khấn cho ông khỏi bệnh và hứa không làm hại một người dân vô tội nào khi bao vây thành. Sau khi quân Tống chiếm được thành, họ đối xử tốt với thường dân ở Cát Lâm và được người dân chào đón nồng hậu. Sau khi người cai trị nhà Nam Đường xin hàng, Tào Bân an ủi ông ta và các quan lại bằng những lời tử tế và đối xử với họ như thượng khách. Khi hoàn thành nhiệm vụ của mình và trở về triều, trong báo cáo gửi đến hoàng đế, ông cũng không hề khoe khoang. Ông chỉ viết vài dòng: “Thần đã hoàn thành nhiệm vụ mà Hoàng đế giao phó cho thần ở phía nam”.
Trước khi chỉ huy quân đội xuống phía nam, Hoàng đế nói rằng ông sẽ được thăng chức làm thừa tướng nếu ông có thể dẹp được nhà Nam Đường. Vì vậy, phó tướng của ông là Phan Nhân Mĩ lập tức chúc mừng ông trở thành vị thừa tướng kế tiếp sau chiến thắng của họ. Tào Bân cười nhẹ và nói, “Không phải như thế đâu. Ta chỉ hoàn trách nhiệm của mình. Chúng ta có thể giành được chiến thắng là do trời phù hộ và chiến thuật mà triều đình đã triển khai trước đó. Ta đâu có làm nên công lao to lớn gì? Ta thậm chí còn không xứng với chức thừa tướng”.
Mặc dù Tào Bân giữ nhiều chức vụ cao trong triều nhưng ông không giàu có. Ống đưa tất cả tiền lương còn dư của mình cho họ hàng. Sách Tống Triều Ký mô tả ông như sau, “Sau khi dẹp loạn ở hai nước (Thục vàNam Đường), ông không lấy thêm một xu nào. Ông vừa là một tướng quân vừa là thừa tướng nhưng ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình khác biệt với mọi người vì chức vụ của ông”. Khi làm việc trong triều, ông chưa bao giờ làm trái ý Hoàng đế hay bàn luận về thiếu sót của người khác. Khi đi trên đường, ông luôn ra lệnh cho xa phu của mình đánh xe ngựa sang lề đường và để xe của các quan khác đi trước, thậm chí nếu các viên quan đó có cấp bậc thấp hơn ông nhiều. Ông chưa bao giờ trực tiếp gọi cấp dưới của mình bằng tên để tỏ sự kính trọng đối với họ. Khi cấp dưới bẩm báo công việc với ông, ông luôn chỉnh trang trang phục cẩn thận và đội mũ trước khi gặp họ. Ông đối xử với cấp dưới của mình với lòng khoan dung lớn và luôn đặt mình vào vị trí của họ trước. Khi còn làm quan ở Từ Châu, một thuộc hạ của ông phạm một lỗi và hình phạt dành cho anh ta là bị đánh bằng gậy nhiều lần. Nhưng Tào ra lệnh hoãn thi hành hình phạt trong một năm. Người ta không hiểu vì sao ông làm thế. Tào giải thích, “Ta nghe nói viên quan này vừa mới cưới vợ. Nếu anh ta bị phạt ngay bây giờ thì song thân của anh ta sẽ nghĩ rằng người vợ mới cưới đem lại xui xẻo cho anh ta và do đó sẽ mắng chửi và đánh đập cô ta suốt ngày, làm cô ấy khó mà sống được. Viên quan này vẫn sẽ bị trừng trị vì sai lầm của mình. Nhưng việc trì hoàn là không trái với pháp luật”.
Trong sách Lễ Ký có viết, “Người quân tử không thổi phồng hay khoe khoang tài năng của mình. Anh ta chỉ kể lại sự thật như chúng đã xảy ra”.
Sách viết, “Một người nên ca ngợi những việc làm tốt và thành tựu của người khác để đối xử với họ với sự tôn trọng và tôn kính”.
Sách còn viết, “Vì vậy, mặc dù một người quân tử xử sự khiêm nhường và kín đáo nhưng người đời vẫn tự nhiên kính trọng anh ta”.
Có một câu tục ngữ Trung Quốc, “Trời trên cao không nói mình cao nhưng thực rất cao. Đất ở dưới không nói mình sâu nhưng thực rất sâu”. Một số người tính tự đại. Họ thích khoe khoang và luôn lo sợ rằng người khác không biết họ tài cán thế nào. Thực ra, họ không tài cán chút nào cả. Những người với kiến thức và cách cư xử đích thực không bao giờ thể hiện mình. Nếu một người thật sự có tài năng, người khác sẽ tự nhận ra điều đó mà không cần người kia nói gì cả. Người Trung Quốc thường nói, “Hoa mận luôn lặng thinh. Nhưng tự xa xưa người đời luôn mê mẩn trước vẻ đẹp của chúng. Để tận mắt chiêm ngưỡng loài hoa, bao bước chân đã hằn lên con đường mòn”.
Tào Bân không chỉ có nhiều tài nghệ mà còn có nhiều đức hạnh. Ông là người quân tử xử sự “khiêm nhường và kín đáo”, tha thứ và khoan dung với người khác. Sau khi ông chết, Hoàng đế Tống Thái Tông khóc mãi trong thương tiếc. Mỗi khi ông nói về Tào với các quan lại, Hoàng đế thường rưng rưng xúc động. Sau khi ông chết, Hoàng đế ban cho Tào tước hiệu Công tước Tế Dương. Ông và thừa tướng Triệu Phổ đều được vinh danh tại đền thờ Hoàng đế Thái Tông. Người dân coi ông là một vị tướng vĩ đại trong lịch sử.
Theo Puresight
2014-01-23 18:00:14