Hàng trăm học sinh phải nghỉ học, nhiều trường tìm mọi cách khống chế lây lan nhưng dịch đau mắt đỏ vẫn hoành hành.
Hai tuần trở lại đây, dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh ở TP HCM. Các học sinh mầm non, tiểu học vì sức đề kháng còn yếu nên tình trạng lây lan diễn ra rất nhanh. Từ một vài em, đến nay, nhiều trường đã có cả cả trăm học sinh phải nghỉ học vì bệnh này.
“Dù đã cố gắng phòng chống bằng nhiều cách, nhưng số học sinh bị đau mắt đỏ vẫn đang ngày càng tăng”, cô Lê Thị Ngọc Giàu, Hiệu trưởng mầm non Sơn Ca 9 (quận Phú Nhuận) nói.
Vì bị bệnh đau mắt đỏ gần cả tuần nay Nguyễn Trọng Bảo Khang phải ở nhà chơi với bà ngoại thay vì đi nhà trẻ như mọi ngày. Ảnh: Nguyễn Loan
Ngay từ đầu giờ nhận học sinh, các giáo viên được yêu cầu phải kiểm tra mắt của từng cháu một. Nếu phát hiện em nào có dấu hiệu bệnh sẽ đề nghị phụ huynh đưa các bé đến các trung tâm y tế và theo dõi tại nhà. “Vì chương trình học của mầm non còn khá nhẹ nên việc nghỉ học của các cháu không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng”, cô Giàu nói thêm.
Hiệu trưởng này cũng cho biết, lúc đầu chỉ một vài em mắc bệnh. Ngay sau đó, nhà trường đã cho các em này nghỉ học và tổ chức nhỏ thuốc phòng bệnh cho học sinh toàn trường vào mỗi sáng nhưng tình trạng lây lan vẫn diễn ra. Đến nay, cả trường đã có gần 50 em bị dịch này, một số giáo viên cũng phải chuyển sang làm công tác “hậu cần” để tránh tiếp xúc với học sinh khi bị đau mắt đỏ.
“Bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh. Để phòng bệnh, các phụ huynh cần phải vệ sinh tay chân sạch sẽ cho con em mình, tránh để trẻ dụi tay vào mắt, những bé bị bệnh cần được cách ly điều trị tại nhà…”, tiếng loa phát thanh trường mầm non Sơn Ca 9 phát liên tục lúc 7h hàng ngày để cảnh báo phụ huynh khi đưa con tới trường.
Tương tự, ở trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú), nhiều phụ huynh cũng phải đến đón con đột ngột trong giờ học bởi được xác định là đau mắt đỏ. Thầy Nguyễn Xuân Tùng – Hiệu trưởng trường cho biết, toàn trường đã có gần 100 học sinh phải nghỉ học, nhiều giáo viên cũng phải nghỉ dạy để tránh tình trạng lây lan cho học sinh.
Không phát loa phóng thanh cảnh báo dịch bệnh như ở các trường mầm non, nhưng trường tiểu học này phát tờ rơi tận tay phụ huynh về cách phòng chống đau mắt đỏ. Học sinh toàn trường cũng được bộ phận y tế nhỏ thuốc phòng ngừa và yêu cầu các em vệ sinh tay chân sạch sẽ, không dụi tay vào mắt. Những em nào cảm thấy bị đau, nhức mắt thì ngay lập tức phải báo cho giáo viên…
Tương tự, ở trường tiểu học Bến Cảng (quận 4), cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hà cho hay đã phải cho học sinh nghỉ học tới khi nào hết bệnh. Các giáo viên có triệu chứng bị bệnh, nhà trường yêu cầu phải đeo kính và tránh tiếp xúc ở cự ly gần với học sinh. “Dù chương trình học đầu năm còn khá nhẹ, nhưng để đảm bảo các em theo kịp bạn bè khi quay lại lớp, nhà trường yêu cầu phụ huynh kèm cặp con em mình tại nhà”, cô Hà cho biết thêm.
Mới nhiễm bệnh khi xuất hiện đốm đỏ nhỏ trong mắt, song bé gái lớp 1 phải nghỉ học vì nhà trường lo ngại sẽ lây cho các bạn. Ảnh: Quốc Thắng.
Dịch bệnh ở trường học lây lan về tận nhà khiến nhiều gia đình khốn khổ. Chị Nguyễn Thị Huyền (quận Tân Bình) cho biết, con trai đầu của chị (5 tuổi) bị lây bệnh ở trường học, sau đó cả nhà gồm 6 người cũng bị theo. Hiện 3 đứa trẻ nhà chị Huyền đang phải ở nhà chơi với bà ngoại thay vì đi học như thường ngày. “Hàng ngày các cháu đến trường, vợ chồng tôi yên tâm đi làm. Mấy hôm nay, cả mấy đứa nhà anh chị cũng mắc bệnh ở nhà nên nhờ hết cả vào nhà ngoại. Hôm nào bà không lo nổi, tôi phải nghỉ làm, ở nhà chăm con”, chị Huyền kể.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với nhà anh Tâm, quận 11. “Đúng là thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng, khó chịu và đau nhức vô cùng. Tội nhất là con bé gái lây từ thằng anh, quấy khóc suốt”, anh Tâm nói.
Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ hoành hành ở nhiều trường học, mới đây, Sở giáo dục – Đào tạo TP HCM đã có văn bản hướng dẫn các trường học trên toàn địa bàn thành phố cách phòng chống bệnh và hạn chế tình trạng lây lan.
Theo Phó giám đốc Sở Trần Thị Kim Thanh, khi phát hiện có học sinh nhiễm bệnh tại đơn vị cần phải cách ly ngay, cho trẻ nghỉ học ở nhà điều trị đồng thời phối hợp với cơ quan y tế địa phương xử lý triệt để ổ dịch bằng Cloramin B theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Vệ sinh môi trường, lau khử khuẩn các vật dụng của trẻ và theo dõi sát học sinh học chung lớp với trẻ bị bệnh.
Đau mắt đỏ, hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc, là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này do virut Adenovirus.
Các virut này có nhiều trong nước mắt, ghèn, nước bọt… của người bệnh. Trong quá trình dùng chung các dụng cụ cá nhân như ly, tách, khăn mặt… các vi khuẩn này lây lan sang cho người khác một cách nhanh chóng. Đối với người chưa bị bệnh, cần thường xuyên rửa tay chân sạch sẽ, súc miệng nước muối thường xuyên; tránh đến những nơi đông người, đặc biệt là nguồn dịch; không dùng chung đồ, dụng cụ với người bệnh, uống thật nhiều nước để cơ thể có thể thải được độc tố trong cơ thể; khi đi ra ngoài, cần đeo kính chắn bụi, chắn virut.
Đối với người bệnh, cần rửa mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, đồng thời tới ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và cho thuốc. Trước khi vệ sinh mắt, cần vệ sinh tay chân thật sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn có tác dụng tốt hạn chế virut đau mắt đỏ cho người khác. Nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Với trẻ nhỏ, cần cho nghỉ ngơi ở nhà, tránh đến những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học để tránh lây bệnh.
Theo vnexpress