Tác giả: Quán Minh
Thế gian đầy rẫy hạng người truy cầu danh lợi. Kết quả là hiện nay ở mọi ngành nghề đều có người nổi tiếng. Kẻ truy cầu danh lợi chính là nô lệ của danh vọng và đồng tiền. Họ không thể buông bỏ hay chấp nhận bất kỳ tổn thất nào ảnh hưởng tới tiền và danh của mình. Tâm trí họ giống như mặt nước luôn dậy sóng và khuấy tung bùn đất từ dưới đáy lên. Sư phụ giảng: “có danh tiếng không nhất định là minh bạch.” (trích “Vấn đề hữu sở cầu”, Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân). Ngay cả trong việc giảng dạy, để tìm được một người thầy chân chính (minh sư) có kiến thức thâm sâu còn khó hơn việc tìm ra một người thầy có danh tiếng.
Lão Tử từng giảng: “Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt.” (Chương 33, Đạo Đức Kinh). Khi người ta bị tiền tài và danh vọng che mắt, họ sẽ mất đi trí tuệ để thật sự nhận biết được bản thân mình. Để đạt được trí tuệ tự nhận thức ấy, trước tiên người ta phải tu chính bản thân và đạt tới cảnh giới giác ngộ. Chữ Hán “悟” (ngộ) gồm hai chữ khác ghép thành. Chữ bên trái là cây “tâm” còn chữ bên phải là “ngô” (ngã). Tóm lại, “ngộ” nghĩa là tự nhận biết được bản ngã của mình. Người ta trước hết phải thật sự hiểu được nội tâm của mình rồi mới có được trí tuệ hiểu hết con người mình. Đây là lý do tại sao ngày nay có rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới, nhưng lại có rất ít người đạt khai ngộ. Thậm chí để tìm được một minh sư trong cõi phàm này còn khó hơn.
Một người thầy phải dạy cho các môn đồ của mình về cả đạo đức lẫn tri thức, và phải có khả năng giải đáp được mọi thắc mắc của họ. Nếu không người khác sẽ coi đó là kẻ lừa đảo. Dựa trên những giá trị của Trung Hoa cổ đại, giáo viên được chia thành 3 cấp bậc: thượng sĩ thuyết về Đạo, trung sĩ giảng về đạo đức, hạ sĩ dạy về kỹ năng. Khả năng thuyết giảng về Đạo và dẫn dắt môn đệ đạt được Đạo minh chứng cho một người thầy bậc thượng. Đó mới là minh sư. Một người thầy bậc trung tôn vinh đạo đức và giảng cho các đồ đệ về đạo đức. Đó cũng được coi là một người thầy tốt. Còn người thầy bậc hạ thì chẳng dạy gì khác ngoài các tiểu năng tiểu thuật để quảng bá gia phái của mình và đáp ứng các truy cầu thế tục của người học. Kết cục, ông ta sẽ dẫn học trò sang đường tà. Những tiểu thuật ấy chỉ mang lại điều xấu cho họ cùng với các môn đệ mà thôi. Tôi đã gọi ít nhất 100 người là thầy, cô từ khi tôi bắt đầu đi học tới giờ, nhưng họ chỉ dạy tôi không gì khác ngoài kiến thức khoa học. Họ chưa từng dạy tôi về đạo đức hay giúp tôi giải đáp các câu hỏi về cuộc sống.
Vị giáo sư hướng dẫn nghiên cứu tốt nghiệp ở trường tôi là người đầu tiên mở lối cho tôi [trên con đường tìm Đạo]. Mặc dù ông có vẻ đề cao đạo đức, nhưng ông vẫn không thể trả lời được câu hỏi của tôi về ý nghĩa của cuộc sống. Ông nói: “Để trở thành một học giả ưu tú có kiến thức uyên bác và thâm thúy, con phải sẵn lòng đi chu du khắp nơi trong nước để học hỏi kinh nghiệm sống của bản thân và những người khác”. Tôi đã quyết định nghe theo lời khuyên của ông. Kể từ đó, tôi bắt đầu ngao du khắp Trung Quốc. Tôi đã từng gặp gỡ các đạo sĩ ở núi Hoa Sơn và núi Lao Sơn, cũng như các tu sĩ Phật giáo ở núi Ngũ Đài Sơn. Những vị mang danh người tu này đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc nhồi nhét tư tưởng vô thần và thú nhận rằng họ chỉ hành nghề trong tôn giáo để kiếm ăn mà thôi. Họ không biết gì về Phật Pháp hay Đạo để dạy tôi. Khi tôi thỉnh giáo họ về phương pháp tu luyện, gần như tất cả họ đều cười nhạo tôi. Chỉ có một đạo sĩ tôi gặp trên núi Hoa Sơn hơi thân thiện hơn một chút. Khi ông ấy thấy tôi thật sự mong muốn đắc được pháp môn tu luyện, ông đã cố gắng đưa ra câu trả lời tốt nhất mà ông biết: “Đọc vạn quyển sách không bằng chu du vạn dặm. Chu du vạn dặm không bằng thỉnh giáo vạn người. Thỉnh giáo vạn người không bằng được minh sư chỉ lối. Minh sư chỉ lối không bằng tự mình khai công khai ngộ”. Sau khi phiêu bạt khắp núi Nam bể Bắc ở Trung Quốc và gặp gỡ hơn 1.000 người, tôi vẫn chưa tìm được một minh sư chân chính.
Mãi cho đến khi Sư phụ Lý Hồng Chí bắt đầu truyền giảng Pháp Luân Công, Đại Pháp của vũ trụ, thì tôi mới tìm ra minh sư của mình. Niềm vinh hạnh nhất cuộc đời tôi là đã có được một bản cuốn Chuyển Pháp Luân của Sư phụ. Phật Pháp tinh thâm trong sách đã giải đáp tất cả vướng mắc của tôi về cuộc sống và nhiều điều khác. Phật Pháp chân chính đã dẫn dắt tôi đi trên con đường phản bổn quy chân. Cuối cùng tôi đã tìm ra vị minh sư mà mình vẫn hằng mong ước. Sau một hành trình dài đằng đẵng tầm Sư học Đạo, giờ đây tôi vô cùng hạnh phúc, trong tâm luôn tràn ngập niềm vui vì cuối cùng đã bước ra khỏi bóng tối. Xin gửi một lời khuyên từ tận đáy lòng đến những ai vẫn còn đang lang thang trong bóng tối để tìm con đường thật sự trở về nhà: Một người thầy chân chính giống như ngọn đèn rực rỡ trong đêm (“Minh sư như minh đăng”). Chỉ những ai tìm được người thầy chân chính của mình thì người đó mới có thể bước ra khỏi bóng tối.
Theo Chanhkien.org