Năm 2013 được xem là năm vấn đề thủy điện “hot” hơn cả ngôi sao Hàn Quốc. Từ câu chuyện 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị loại khỏi quy hoạch tới việc thủy điện xả lũ lên đầu dân đều khiến dư luận sôi sùng sục. Thế nhưng, năm cùng tháng tận, người dân hứng lũ thủy điện thiệt hại đủ bề thì cả hệ thống vào cuộc đều thấy thủy điện xả lũ đúng quy trình. Tất cả đều đúng hết chỉ dân… sống dưới thủy điện là sai.
Thủy điện bị oan?
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, từ đầu năm 2013 đến nay, bão lũ đã làm 264 người chết và mất tích, 800 người bị thương, gần 12.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 300.000 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng…
Tại miền Trung, chỉ tính trong ngày 16/11, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây nguyên cho biết đã có 15 thủy điện trong khu vực đồng loạt xả lũ, làm 30 người chết.
Dân bị bất ngờ khi thủy điện xả lũ nhưng ngành chức năng nói thủy điện đúng quy trình
Dân hứng thủy điện xả lũ lên đầu khiến lũ chồng lũ, nhưng ngay sau khi kiểm tra tình hình mưa lũ sau cơn bão số 15 hồi tháng 11/2013, lãnh đạo cho biết: Qua kiểm tra ở các địa phương đều có sơ đồ quá trình lũ của từng hồ, từ lúc lũ về cho đến mức nước ra sao và xả lũ như thế nào… đều được vẽ biểu đồ quá trình lũ và trên cơ sở đó đánh giá được hiệu quả của việc cắt lũ.
Sau đó đến ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với lãnh đạo của 8 tỉnh miền Trung và các Bộ, ngành về vấn đề lũ lụt ở miền Trung liên quan đến thủy điện. Nhiều đại biểu đã có đánh giá chung là hồ thủy điện góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ.
Nguyên nhân chính và chủ yếu gây ra lũ lụt tại khu vực này vừa qua là do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn. Nhiều nơi lũ vượt mức lịch sử, gây thiệt hại nặng nề đối với một số tỉnh ở khu vực này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng theo báo cáo của các địa phương thời gian vừa qua, các chủ hồ cơ bản đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong vận hành các hồ chứa thủy điện.
“Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đưa các quy trình này vào thực hiện khi các nội dung phê duyệt liên quan đến các quy trình đó không phải là hoàn toàn lý tưởng. Do đó, trong thời gian tới, cần xem xét kỹ hơn quy trình vận hành, đặc biệt là vận hành liên hồ chứa; trong đó có hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Nếu phát hiện sai sót, Bộ sẽ yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa”, ông Hoàng nói.
EVN chối trách nhiệm
Được sự cảm thông của cơ quan quản lý, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đương nhiên cho rằng việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã thực hiện đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt.
Thậm chí các dự án thủy điện đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này theo thiết kế không có nhiệm vụ chống lũ.
Thông tin này trái với những gì mà người dân hạ du phải gánh chịu trong suốt thời gian mưa bão trước đó. Đơn cử như thủy điện Đăk Mi 4 bị người dân Đại Lộc, Điện Bàn, Quảng Nam lên án về việc xả lũ ào ạt khiến người dân không kịp trở tay.
Nhưng Thạc sĩ Tô Thúy Nga (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) thì nói thẳng: việc cảnh báo xả lũ của các thủy điện trong đợt lũ vừa qua là chưa hợp lý. Các thủy điện đang mắc một thực trạng là tích nước cho đầy hồ nhưng khi nước quá lớn lại thi nhau xả.
“Ngày 15/11 vừa qua, chúng tôi nghiên cứu những số liệu có được thì thấy thủy điện Đăk Mi 4 đã cảnh báo lũ không hợp lý. Khi lũ đến người ta vẫn tích nước, tức nằm trong quy trình cho phép nhưng không hề báo cho dân biết rằng: bây giờ đã có lũ…
Nhưng đến khi người ta tích nước lên đúng theo quy định, họ xả thì dân ở dưới không được báo và thấy lũ dâng nhanh, bất thường… Hậu quả của đợt lũ là do nước lên nhanh chứ đỉnh lũ là không lớn so với những đợt lũ khác”, bà Nga phân tích.
Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng khẳng định: Các hồ chứa nước thủy điện xả lũ mà báo trước quá gấp nên dân trở tay không kịp, nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân mà không kịp mang theo gì, tất cả tài sản bị nhấn chìm dưới nước.
Và cứ như thế đến bây giờ lập luận của nhà khoa học thì vẫn là của nhà khoa học, cơ quan quản lý cũng chưa tìm ra cái sai của thủy điện còn người dân thì tạm thời cứ hứng lũ đi.
Ngay cả khi tại một địa phương là UBND tỉnh Quảng Nam có công văn đề nghị chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do xả lũ gây nên. Thế nhưng, đáp lại lời đề nghị này là thủy điện vẫn khẳng định xả lũ đúng quy trình và chỉ hỗ trợ chứ không đền bù.
Thôi thì người Việt bao dung, năm mới bỏ qua chuyện cũ, chỉ mong thời gian tới thủy điện đừng tiếp tục được đà xả lũ xuống đầu dân.
Theo baodatviet.vn