Trời buổi tối đang mát dịu lại sau một ngày oi bức. Tuy nhiên, tôi bỗng cảm thấy người nóng bừng lên như đang ở gần lò lửa, mồ hôi tôi chẩy ra, mặt tôi đỏ lên. Tôi quay lại hỏi nhà tôi:
- Anh có thấy là nhà hôm nay nóng không?
Ổng trả lời ngon lành:
- Không. Đâu có gì nóng đâu.
Thật ra hỏi để cho chắc thôi, chứ thực ra tôi biết mình đang bị lên cơn nóng bừng (hot flashes), một triệu chứng khó chịu thông thường xẩy ra cho những bà ở thời kỳ hết kinh.
Trong vài năm qua, những triệu chứng của thời kỳ hết kinh (menopause) của các bà được biết đến nhiều hơn bao giờ hết do kết quả những cuộc nghiên cứu về các tai hại của thuốc kích thích tố estrogen và progesterone mà bác sĩ thường cho các bà uống để thay thế những chất do chính buồng trứng của các bà nay đã hết làm việc nên không tiết ra nữa. Trong những triệu chứng của thời kỳ hết kinh, cơn nóng bừng là một triệu chứng khó chịu nhất vì khác với những nguy cơ khác, nó xẩy ra ngay và rất “thật”, ảnh hưởng ngay đến cuộc sống của các bà.
Do kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy chất estrogen và progesterone, những chất chữa cơn nóng bừng rất hiệu nghiệm, có thể có nhiều nguy hại, hiện nay nhiều người đã “sợ” và ngưng uống thuốc. Do đo, có nhu cầu tìm những cách chữa khác.
Cơn nóng bừng là gì?
Theo ước lượng, có đến 3 trong số 4 bà tuổi hết kinh bị triệu chứng cơn nóng bừng, nhiều người bị lâu đến 5 năm hay hơn sau khi tắt kinh. Một số người chỉ bị nhẹ và không thường xuyên, số khác lại bị rất nặng và nhiều lần mỗi ngày.
Cơn nóng bừng làm nạn nhân:
- Cảm thấy một sức nóng có thể ít hay nhiều lan dần khắp người lên đến mặt.
- Mặt đỏ bừng.
- Da mặt, lưng và tay có từng đốm đỏ
- Tim đập nhanh, mồ hôi vã ra
- Khi cơn nóng bừng dịu xuống, cảm thấy lạnh.
Cơn nóng bừng có thể kéo dài từ 30 giây tới 30 phút, nhưng phần lớn sẽ hết sau 5 phút. Chúng cũng xuất hiện rất bất thường, có thể mỗi giờ hoặc chỉ thỉnh thoảng. Ban đêm, cơn nóng bừng có thể làm các bà tỉnh giấc nồng. Các bà có thể bị cơn nóng bừng khoảng 1 năm hay hơn. Có bà không bao giờ bị cơn nóng bừng cả.
Cái gì đã gây ra triệu chứng cơn nóng bừng? Hiện nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. Ta chỉ có thể đoán rằng cơn nóng bừng là do những thay đổi của những chất hóa học trong óc do giảm lượng chất estrogen trong máu xẩy ra vào thời kỳ hết kinh.
Cách chữa cơn nóng bừng
Thay đổi lối sống: bước đầu tiên
Thay đổi lối ăn uống và lối sống có thể làm giảm bớt triệu chứng cơn nóng bừng.
1. Giữ cho mát: Sự tăng nhiệt độ của cơ thể, dù chỉ chút ít cũng có thể gây ra cơn nóng bừng. Do đó bạn cần giữ cho mát bằng cách ở trong phòng thoáng, mở cửa sổ, vặn quạt hay máy lạnh. Khi cảm thấy cơn nóng bừng sắp nổi lên, bạn có thể uống một hớp nước lạnh.
2. Năng vận động: Trong tuổi hết kinh, bạn còn cần phải tập thể dục mỗi ngày hơn bao giờ hết. Nên tập những cử động làm nóng người và tim đập nhanh hơn, bạn sẽ bớt bị cơn nóng bừng và ngủ dễ hơn. Có thể đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày. Nếu có thể được, rủ nhiều người cùng tập hay gia nhập một nhóm nào đó thì sẽ dễ giúp mình tập hơn.
3. Ăn uống cẩn thận: Không nên ăn những thức ăn cay và nhiều gia vị hoặc thức uống nhiều chất cafeine hay rượu. Nên để ý xem thức ăn nào làm mình dễ bị nóng bừng và tránh thứ đó.
4. Thư giãn tâm thần: Ngồi thiền và những cử động làm thư giãn, giảm stress của môn yoga … có thể làm giảm cơn nóng bừng. Nhiều nghiên cứu cho thấy thực tập phương pháp thở sâu và đều hòa 2 lần mỗi ngày cũng giúp giảm triệu chứng này. Nếu những phương pháp này không giúp bạn giảm cơn nóng bừng, chúng cũng sẽ giúp bạn ngủ dễ hơn.
5. Không hút thuốc: Nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng cơn nóng bừng. Ngưng hút thuốc còn làm giảm nguy cơ bị bệnh tim, stroke và ung thư.
Thuốc chữa cơn nóng bừng:
Nếu những cách trên không giúp bạn hết cơn nóng bừng, bác sĩ có thể cho bạn uống một vài thứ thuốc trị triệu chứng này.
1. Thuốc kích thích tố nữ: rất hiệu nghiệm nhưng có thể có nhiều phản ứng nguy hại
Thuốc Estrogen: là thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa cơn nóng bừng. Tuy nhiên, như nhiều người đã biết, kết quả một cuộc nghiên cứu sâu rộng được công bố 2 năm trước đây cho thấy thuốc này có nhiều phản ứng phụ không tốt như làm tăng nguy cơ bệnh tim, ung thư, stroke…Nếu cơn nóng bừng của bạn quá nặng và bạn không có nguy cơ về bệnh tim mạch, ung thư…, bác sĩ có thể cho bạn uống estrogen. Bạn và bác sĩ của bạn cần bàn kỹ về lợi hại của quyết định này.
Thuốc Progesterone: Thay vì estrogen, nhiều bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống progesterone, cũng là một thuốc kích thích tố nữ. Một trong những thuốc này là megestrol acetate dùng để chữa ung thư vú, cũng rất hiệu nghiệm để chữa cơn nóng bừng và có thể được dùng cho những người đã chữa hết bệnh ung thư vú.
2. Những thuốc khác:
Nhiều nghiên cứu cho thấy vài thứ thuốc khác, nguyên dùng để chữa bệnh trầm cảm, làm kinh hay cao máu, cũng có thể giúp giảm cơn nóng bừng.
Thuốc chữa trầm cảm: Venlafaxine (Effexor XR) dùng với liều thấp có thể làm giảm cơn nóng bừng. Vài thuốc trị trầm cảm khác như Paxil, Prozac, Celexa… có triển vọng hiệu nghiệm. Do đó, đa số các bác sĩ hiện nay dùng thuốc trị trầm cảm liều thấp để chữa cơn nóng bừng nếu bệnh nhân không thể hoặc không muốn uống estrogen. Tuy nhiên, các thuốc này không hiệu nghiệm bằng estrogen và cũng có những phản ứng phụ như làm buồn nôn, chóng mặt hay rối loạn tình dục…
Gabapentin: thường dùng chữa bệnh làm kinh và đau nhức kinh niên. Thuốc này khá hiệu nghiệm để chữa cơn nóng bừng. Phản ứng phụ gồm có buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn và sưng phù.
Clonidine: thường dùng chữa bệnh cao huyết áp, có thể làm giảm số lần bị cơn nóng bừng. Phản ứng phụ gồm có chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng và bón.
Bs Nguyễn Thị Nhuận
Filed under: Bệnh phụ nữ Tagged: cơn nóng bừng
2013-12-30 17:00:09
Nguồn: http://khoahocvadoisong.wordpress.com/2013/12/31/nhung-cach-chua-con-nong-bung-cua-tuoi-het-kinh/