ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Bài học về giá trị đồng tiền
Tuesday, November 19, 2013 1:00
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Làm sao để trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền, biết kiểm soát, chi tiêu hợp lý… là cả một nghệ thuật mà cha mẹ cần quan tâm giáo dục con trẻ. Điều đó không những giúp trẻ hình thành cho mình những kỹ năng sống cơ bản khi bước vào cuộc sống mà còn dạy trẻ biết quý trọng, biết ơn cha mẹ đã dành cho các em một cuộc sống đầy đủ và từ đó có trách nhiệm với bản thân, gia đình trong mỗi suy nghĩ, hành động.

Dạy trẻ lao động để biết giá trị của đồng tiền
Dạy trẻ lao động để biết giá trị của đồng tiền

Biết giá trị để chi tiêu hợp lý

Rất nhiều ông bố bà mẹ đã than thở trẻ chỉ biết đòi hỏi, vòi vĩnh cha mẹ mua sắm những bộ váy áo, đồ chơi đắt tiền mà không biết cha mẹ có đủ điều kiện đáp ứng không, món đồ chơi đó có giá trị nhiều hay ít. Chúng làm đủ mọi trò từ nịnh đến giận dỗi, thậm chí hứa hẹn nhiều điều… miễn sao để đạt được mong muốn. Thế nhưng, khi đã được đáp ứng, dù đồ chơi đắt tiền cũng chỉ được chúng chơi bời, nâng niu trong một thời gian ngắn. Sau đó lại thích và đòi hỏi những đồ chơi mới hơn. 

Chị  Ngọc Quỳnh (Khương Trung, Hà Nội) kể: Vừa bước vào siêu thị, con gái đã lôi tuột đến thẳng quầy hàng đồ chơi trẻ em. Và nhanh như sóc, cô bé đã chọn được bộ đồ chơi nấu nướng có mệnh giá gần 2 triệu đồng. Giải thích, khuyên can thế nào bé cũng không đổi ý và mè nheo đòi mua bằng được. Rồi bé hứa hẹn: Đến sinh nhật con sẽ không mua đồ chơi nữa, con sẽ dậy sớm đi học, ăn ngoan…

Với sự chứng kiến, mời mọc của các cô bán hàng nên chị cũng khó lòng khước từ một cách kiên quyết hoặc mắng mỏ, giằng co với bé chỗ đông người nên đành bấm bụng mua. Hình ảnh mấy giỏ đồ chơi xếp lay lắt trong góc phòng cùng tính cả thèm chóng chán của con gái khiến chị Quỳnh tự hứa với lòng mình sẽ không đưa con tới siêu thị. 

Anh Quang (quận Đống Đa, Hà Nội) lại tìm ra cách chế ngự tính đòi hỏi của cậu con trai duy nhất. Trước đây, gia đình anh đều quyết định tận tay mua cho bé, không cho bé cầm tiền tự tiêu vì sợ không kiểm soát được con. Thế nhưng dịp sinh nhật của con vừa qua, vợ anh đồng ý cho bé tự ý chọn và mua món đồ chơi mình thích có giá dưới 100.000 đồng tại trường nên đưa tiền cho bé. Còn anh muốn con bất ngờ nên cũng mua đồ chơi tặng con.

Thế là cậu bé có đồ chơi mà không phải dùng tới khoản tiền mẹ cho. Cậu giữ khoản tiền dư mẹ cho vô cùng cẩn thận, tuyệt đối không tiêu. Ngay cả khi muốn ăn gói bim bim, cái kem… sau giờ tan học thì cậu cũng xin bố mẹ tiền trả mà nhất định không tiêu tới tiền riêng.

Cũng từ đó, muốn mua sắm một món đồ chơi nào đó cậu bé cũng cân nhắc kỹ lưỡng số tiền mình có và số tiền phải trả. Và ngay cả khi bố mẹ có gợi ý mua cho bé đồ dùng, đồ chơi nào đó thì cậu cũng lựa chọn những món đồ có giá trị vừa phải chứ không nằng nặc đòi mua đồ nhiều tiền như trước. 

Các chuyên gia tâm lý giáo dục đã đúc rút kinh nghiệm trong vấn đề dạy con biết giá trị đồng tiền, chi tiêu hợp lý khi chỉ ra: Cha mẹ cần kiên nhẫn để giúp trẻ hiểu biết việc chi tiêu hợp lý bằng nhiều cách. Có thể mở ví để chỉ cho trẻ biết “Khoản này mua thức ăn, khoản này đóng học phí… Khi được tận mắt nhìn và biết được khả năng tiền bạc thực sự của cha mẹ, trẻ có thể cảm thông và điều tiết nhu cầu mua sắm của bản thân. 

Mặt khác, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ biết chi tiêu hợp lý bằng cách tìm hiểu nhu cầu mua sắm của trẻ. Yêu cầu trẻ nói rõ sẽ dùng số tiền đó để mua gì, thứ đó cần thiết thế nào với trẻ?… Nếu thực sự hợp lý mới đồng ý, nếu không phải giải thích khuyên can thay vì sẵn sàng cho trẻ tiền để tiêu vặt hay mua bất cứ món đồ gì trẻ muốn, trẻ xin.

Đối với lứa tuổi teen, hãy giúp các em có trách nhiệm với bản thân và chi tiêu hợp lý bằng cách tự mua sắm sách vở, quần áo, một vài đồ dùng học tập… bằng chính khoản tiền mình tiết kiệm được. Như vậy, các em sẽ cảm thấy quý trọng giá trị đồng tiền và biết cách chi tiêu hợp lý, khoa học. 

Và thậm chí, nhiều cha mẹ lại chỉ ra việc trẻ tự kiếm tiền sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn hại. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã cho phép con tự làm công việc nhà nhẹ nhàng ngay từ khi còn bé và trả cho trẻ một khoản lương nho nhỏ để biết chi tiêu tiết kiệm.

Ví như trả cho bé mỗi tháng 300 nghìn đồng để bé tự lau, dọn phòng cho mình, gấp quần áo, vứt rác… Và số tiền này cũng được quy định chỉ được chi trả cho việc mua sắm sách vở, xem phim ngoài rạp, hoặc trả tiền điện thoại cá nhân. 

Cha mẹ cần thống nhất với con cái trong cách tiêu tiền
 

Bài học phía sau đồng tiền

Nhiều cha mẹ quan niệm, trẻ nhỏ đã có cha mẹ lo lắng, vì vậy, mọi việc chi tiêu liên quan đến đồng tiền trẻ không nên tiếp xúc, không cần tìm hiểu. Đến khi nào lớn, đủ để nhận thức và biết cách chi tiêu, khi ấy dạy trẻ tiêu tiền chưa muộn. Tuy nhiên, theo họ cũng có những điều khá bất tiện, ấy là khi sai bảo con đi mua giúp mớ rau, cọng hành thì con lại như “gà công nghiệp” bởi không biết định lượng bao nhiêu tiền, mua ra sao. 

Vậy tuổi nào thì các bé cần được dạy giá trị đồng tiền để chi tiêu hợp lý? Các nhà khoa học và tâm lý cho rằng, trẻ từ độ tuổi 6 – 7 là thời điểm thích hợp để tập làm quen với cách chi tiêu tiền khoa học. Dạy trẻ tiêu tiền là giúp trẻ tự kiểm soát và biết cách thỏa mãn đúng mực những ham muốn của bản thân, qua đó nâng cao khả năng sống tự lập. 

Trước khi cho trẻ chính thức tiêu một khoản tiền vừa phải, cần dạy trẻ biết cách đếm, nhận biết mệnh giá, làm các phép tính cộng trừ đơn giản. Trẻ cũng cần được giảng giải khi nào phải chi tiêu và chi tiêu ra sao cho những nhu cầu cấp thiết. Dạy cách chi tiêu khoa học hợp lý từ nhỏ sẽ tránh cho trẻ hình thành thói quen tiêu tiền lãng phí và rơi vào tình trạng chi tiêu không kiểm soát, mất khả năng chi trả. 

Theo TS tâm lý Nguyễn Bích Hồng, cha mẹ cần chủ động bàn bạc với trẻ về định mức chi tiêu dựa theo độ tuổi, khả năng kinh tế gia đình, nhu cầu chi tiêu của trẻ. Cha mẹ cùng con cái có thể liệt kê nhu cầu chi tiêu rồi giúp trẻ lên kế hoạch chi tiêu. Dù gia đình giàu có cũng cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc không nên cho quá nhiều bởi sự dư thừa có sẵn khiến trẻ không biết chú trọng đồng tiền và quý trọng sức lao động làm ra đồng tiền. 

Việc dạy con sử dụng tiền giúp đứa trẻ phát triển trí thông minh, khả năng tính toán, quản lý và tổ chức cuộc sống. Ngoài ra, qua đồng tiền, bố mẹ cũng có cơ hội dạy con biết giá trị của sức lao động và quý trọng lao động. Chính vì vậy, các ông bố bà mẹ cần có sự nghiên cứu tìm hiểu, tránh xa những suy nghĩ cực đoan khi cho trẻ tiếp xúc với tiền.

Kinh nghiệm từ chị Thanh Hà (Quận Đống Đa – Hà Nội) cho thấy, không nhất thiết cấm đoán việc trẻ nhận tiền từ người thân hoặc khi bé xin tiền để mua một món đồ hợp lý. Điều quan trọng là thống nhất với con những quy tắc cơ bản trong sử dụng tiền, từ đó các con tự ý thức được cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý về sau.

Hà Anh

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.