Những ngày này, dư luận vẫn chưa nguôi được sau cơn “địa chấn” vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn.
>> Bức thư đẫm nước mắt của người bị tù oan 10 năm
>> Những vụ điều tra viên đánh đập, ép cung gây rúng động
Quả thực đây là một điều không thể chấp nhận được trong thời buổi hiện nay, khi việc cải cách tư pháp của chúng ta đang có những tiến bộ mạnh mẽ.
Đành rằng vụ án này xảy ra đã 10 năm, nhưng hầu hết những người tham gia quá trình điều tra, xét xử vụ án này vẫn còn đang đương chức, đương quyền, thậm chí có một số điều tra viên, kiểm sát viên đã được giữ những chức vụ cao hơn ngày ấy.
Được biết lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã chỉ đạo phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quá trình thực hiện tố tụng vụ án này.
Ngày được trả tự do, ông Chấn lúc nào cũng chực khóc. Ảnh: Quý Đoàn
Những điều mà Nguyễn Thanh Chấn kể với ai thì có thể lạ, nhưng với người viết bài này đã từng tham gia và viết về nhiều vụ án lớn; đã từng dự rất nhiều buổi hỏi cung các đối tượng; đã từng đến không ít trại giam từ cấp quận, huyện, đến thành phố, tỉnh, rồi trại giam của Bộ… thì thấy rằng, chuyện trước đây, cán bộ điều tra đánh đập phạm nhân, dùng nhục hình, hoặc nhục hình biến tướng, hoặc dùng “đầu gấu, đại bàng” trong trại giam làm công cụ dọa dẫm, hành hạ phạm nhân, rồi chuyện cán bộ điều tra bức cung, mớm cung, dụ cung… là có thật. Chính vì thế mà đã xảy ra không ít vụ án oan và đã có những cán bộ điều tra phải xử lý bằng pháp luật vì những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.
Trở lại vụ Nguyễn Thanh Chấn, mặc dù ông ta tố cáo như vậy, nhưng những cán bộ tham gia điều tra vụ án này đồng loạt phủ nhận chuyện đánh đập, ép cung. Trong án văn số 45/HSST ngày 26/3/2004 của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã viết: “Mặt khác, trong suốt quá trình điều tra vụ án, bị cáo không hề bị đánh đập, ép cung như chính những lời thừa nhận của bị cáo dưới những bản cung… Việc bị cáo nại ra rằng, do cơ quan điều tra ép phải nhận tội, nên bị cáo mới nhận là hoàn toàn không có cơ sở”.
Tất nhiên là bây giờ chẳng có ai nhận vạ này vào mình. Bởi lẽ những người làm công tác điều tra, xét xử biết rất rõ rằng, họ sẽ phải bị xử lý như thế nào nếu như chứng minh được là họ đã dùng nhục hình, ép cung bị can. Nhẹ thì là án kỷ luật hành chính như cảnh cáo, buộc thôi việc, giáng cấp, giáng chức; nặng thì ra trước vành móng ngựa và có khi lại đi tù thay.
Thật ra, rất hiếm vụ án mà cán bộ điều tra đánh đập phạm nhân bị phát giác, mặc dù ra tòa, bị cáo kêu rằng mình bị đánh đập, ép buộc, rồi sợ chết mà phải nhận tội.
“Án tại hồ sơ” – cụm từ đó rất chính xác. Nghĩa là việc đưa ra xét xử một người phạm tội hoặc để khép cho các điều tra viên, những người làm tố tụng hành vi xâm hại hoạt động tư pháp thì phải có chứng cứ. Chẳng ai tin vào được vào lời của bị can, bị cáo rằng tôi bị đánh đập, bị dùng nhục hình, mà phải có chứng cứ về việc này.
Trời ạ!
Đào đâu ra chứng cứ bây giờ?
Nếu như bị cáo bị đánh đập, gây thương tích nặng, phải đưa đi xác định chấn thương, phải nằm viện, rồi có những người làm chứng thì dễ quy trách nhiệm. Nhưng hầu hết những vụ bị can, bị cáo tố cáo cán bộ điều tra dùng nhục hình thì chẳng lấy đâu ra chứng cứ.
Làm gì có ai được chứng kiến phạm nhân bị dùng nhục hình, đánh đập vào lúc nửa đêm, gà gáy?
Ai được biết cảnh “đầu gấu, đại bàng” hành hạ bị can, bị cáo ở trong nhà giam?
Ai được biết các thủ đoạn dọa dẫm phạm nhân của cán bộ điều tra, hoặc của các đối tượng được công an sử dụng?
Sẽ chẳng bao giờ có chứng cứ cho những việc ấy.
Nhưng nếu suy ngẫm một cách logic sự việc thì rõ ràng một người như ông Nguyễn Thanh Chấn không ngu dại gì mà lại đi nhận tội vào mình, bởi ông ta thừa biết mức án dành cho mình sẽ là như thế nào.
Trong vụ án này, yếu tố tiền bạc có thể hoàn toàn loại trừ. Những gia đình như Nguyễn Thanh Chấn, Lý Nguyễn Chung lấy đâu ra tiền để mà “chạy án”.
Việc các cán bộ điều tra, kiểm sát viên, rồi sau này là tòa án các cấp xét xử làm oan sai cho Nguyễn Thanh Chấn chỉ có thể lý giải rằng: Thứ nhất là sự cẩu thả, tắc trách trong nghiệp vụ, sự vô cảm đối với sinh mệnh chính trị của người dân; Thứ hai là chủ nghĩa thành tích.
Ai cũng biết rằng, một vụ trọng án xảy ra, nếu thời gian điều tra, phá án càng nhanh thì những người làm công tác điều tra càng dễ được khen thưởng và càng có cơ hội được đề bạt, cất nhắc. Vậy nên để rút ngắn thời gian điều tra, để sớm “đưa hung thủ ra xét xử trước pháp luật”, nhiều khi những người làm công tác điều tra đã dùng những biện pháp mà biết chắc sẽ không có chứng cứ, ấy là bức cung, dùng nhục hình đối với bị can.
Nhưng người ta lại quên mất một điều rằng, trước tòa, lời khai của bị cáo chỉ là một phần sự thật, cho dù đó là phần sự thật quan trọng. Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải chứng minh cho được lời khai đó phù hợp với diễn biến của vụ án và được thể hiện chính xác qua công tác khám nghiệm hiện trường, giám định dấu vết, thực nghiệm điều tra và qua nhân chứng.
Tiếc thay, không phải lúc nào những việc làm sai của cơ quan điều tra lại được kiểm sát viên, hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhìn nhận và phát hiện những mâu thuẫn, thiếu sót.
Trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn, kiểm sát viên Đặng Thế Vinh, mà sau đó đã được đề bạt làm Trưởng phòng 9 của Viện Kiểm sát Nhân dân Bắc Giang, là người giám sát điều tra vụ án từ khâu đầu tiên là khám nghiệm hiện trường chính là người về cùng một “phe” với cơ quan điều tra. Nếu như “tội” của cán bộ điều tra là 1 thì tội của kiểm sát viên Đặng Thế Vinh phải là 2, bởi nhiệm vụ anh ta được giao là giám sát điều tra.
Một điều cũng thật đáng buồn trong vụ án này, ấy là khi xét xử, những chứng cứ ngoại phạm có lợi cho bị cáo, những lập luận chính xác, sắc sảo của luật sư khi vạch ra lỗi trong quá trình điều tra đã bị những người làm công tác xét xử phớt lờ.
Người viết bài này đi dự nhiều phiên tòa và cũng đã chứng kiến cảnh trong khi luật sư hăng hái bào chữa thì người giữ quyền công tố tại tòa ngủ gà ngủ gật và rồi cuối cùng chỉ buông một câu gọn lỏn: “Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm trong bản luận tội”.
Chẳng phải tranh cãi cho phí lời, chẳng phải vắt óc suy nghĩ để phản bác lời bào chữa của luật sư. Rồi thậm chí có không ít những vụ án trước khi xét xử đã được thông qua mức án với lãnh đạo địa phương. Chẳng thế mà ngày ấy đã có thuật ngữ “án bỏ túi” – nghĩa là mức án dành cho các bị cáo đã được lãnh đạo 3 ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, rồi chính quyền địa phương thống nhất từ trước. Khi ra tòa, bị cáo khai gì, luật sư bào chữa gì chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.
Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra đã hơn 10 năm, nhưng ý nghĩa thời sự của nó vẫn còn nguyên giá trị cho những người làm công tác bảo vệ pháp luật ngày hôm nay.
Theo Như Thổ
Petrotimes